Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hôm Chủ nhật (23/6) tham dự ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok, thảo luận về các vấn đề cấp bách trong khu vực, trong đó có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lời kêu gọi về việc tự kiềm chế ở Biển Đông, sau sự cố tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines và cảnh báo về cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, theo AP.
Reuters đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Guayuth Chan-ocha phát biểu: “Tôi mời tất cả các vị trong căn phòng này cùng chung tay và tiến về phía trước để thiết lập một nền tảng cho cộng đồng ASEAN – một tổ chức lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Busadee Santipitaks, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết, các nước đã đạt được một số tiến bộ trong dự thảo đàm phán về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông và có khả năng sẽ hoàn tất vòng xem xét dự thảo đầu tiên vào cuối năm nay.
Một số chuyên gia hoài nghi về tiến bộ mà hiệp hội gồm 10 quốc gia có thể làm được cho vấn đề này.
“Chúng tôi hy vọng rằng bộ quy tắc ứng xử đang được đàm phán sẽ có tính chất ràng buộc”, ông Kantathi Suphamongkhon, một cựu bộ trưởng ngoại giao Thái Lan nói với Reuters. “Nếu không thì chúng ta sẽ lại phải quay lại từ đầu.”
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia hôm thứ Bảy đã thông qua một tuyên bố chung về việc chống lại ô nhiễm nhựa ở đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước thương mại khu vực do Trung Quốc đề xuất đầu tiên.
Hội nghị diễn ra khi các nhóm quyền kêu gọi ASEAN suy nghĩ lại về việc ủng hộ kế hoạch hồi hương người Hồi giáo Rohingya, những người chạy khỏi Myanmar vì cuộc đàn áp của chính quyền. Các nhà hoạt động nói rằng những người trở về có thể phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử và đàn áp.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hơn 700.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh vào năm 2017, sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đàn áp đối với sắc tộc này để đáp trả các cuộc tấn công nổi dậy của người Rohingya nhắm vào lực lượng an ninh.
Minh Hòa