Australia và New Zealand đang tìm cách cứu vãn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương (TPP) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi thoả thuận này.
Một trong những việc đầu tiên mà ông Trump làm khi nhậm chức, đó là ký sắc lệnh rút khỏi TPP, đúng như lời ông tuyên bố tranh cử.
Mỹ đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn hiệp định này. Đây là một trong những trụ cột trong chính sách xoay trục về châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Hôm 24/1, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói, ông đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào đêm trước về khả năng tiếp tục hiệp định TPP mà không có Mỹ.
“Mỹ rút khỏi TPP là một thua thiệt rất lớn, điều này là rất rõ ràng. Nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc… chắc chắn là có khả năng Trung Quốc tham gia TPP” – Reuters dẫn lời ông Turnbull nói.
Phản ứng về điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không đề cập trực tiếp về việc liệu Trung Quốc có quan tâm tới việc gia nhập TPP hay không, nhưng nói rằng nên tiếp tục hướng đi mở cửa.
“Chúng tôi nghĩ rằng trong thời điểm hiện tại, dù cho chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tất cả nên tiếp tục đi theo hướng mở cửa, bao quát, tiếp tục phát triển, tìm cách hợp tác và các bên cùng có lợi”- bà Hoa Xuân Oánh cho biết.
Chính quyền Tổng thống Obama xây dựng nên TPP mà không có sự tham gia của Trung Quốc, nhằm thiết lập nên các quy định về thương mại trước khi Bắc Kinh có thể làm việc này, tạo lập vai trò lãnh đạo về kinh tế của Mỹ trong khu vực, nằm trong chiến lược ‘xoay trục về châu Á- Thái Bình Dương’.
Trung Quốc luôn phản đối chiến lược này, và đề xuất hiệp định đối trọng là ‘Khu vực Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương’ (FTAAP), và ủng hộ hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (Đông Nam Á).
Lê Thu