Bà Hạnh Nhơn qua đời – ân nhân của thương phế binh và quả phụ VNCH

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, một người được coi là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH, vừa qua đời lúc 1 giờ 43 phút sáng Thứ Ba, 18 Tháng Tư, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 90 tuổi.


Tin này được bà Trâm Lý, con gái bà Hạnh Nhơn, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Khi biết tin, nhà báo Huy Phương, một người thân thiết và sát cánh với bà Hạnh Nhơn trong công tác giúp thương phế binh và quả phụ VNCH nhiều năm qua, thốt lên: “Xin cầu nguyện cho chị Hạnh Nhơn. Nghĩ rằng chuyện sẽ tới, nhưng khi tới, không khỏi xót xa.”

Khi hay tin, ông Trần Văn Lý, một thương phế binh VNCH, viết trên email:

Tin sét đánh ngang tai
Một tượng đài vừa đổ!

Nay chị lìa bể khổ
Để về cõi vĩnh hằng

Chúng em gạt nước mắt
Đành chúc chị bình an!

Nhà báo Huy Phương cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ gặp gỡ các cháu trong gia đình để bàn thảo việc cáo phó theo chúc thư của chị ghi lại cho tôi. Sau đó tôi sẽ thông báo cho tất cả diễn tiến của tang lễ.”

Sở dĩ bà Hạnh Nhơn được coi là “ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH” vì bà là hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, người đứng đầu các đại nhạc hội Cám Ơn Anh, gây quỹ giúp thương phế binh và quả phụ VNCH tại quê nhà.

Đại nhạc hội này nay đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Mỗi năm, hội giúp hàng chục ngàn cựu chiến binh VNCH bị mất một phần thân thể, cùng những phụ nữ có chồng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của bà, cùng phối hợp với các tổ chức, trung tâm ca nhạc, và cơ quan truyền thông, đại nhạc hội Cám Ơn Anh nay được luân phiên tổ chức ở Nam và Bắc California, mỗi năm thu được cả trăm hoặc cả triệu đô la, do đồng bào hải ngoại đóng góp, gởi về Việt Nam giúp rất nhiều người.

Đại nhạc hội lần thứ 10 hồi năm ngoái thu được tổng cộng $1,279,000.

Theo nhiều tài liệu, bà Hạnh Nhơn nhập ngũ năm 1950 ngành hành chánh tài chánh, với công việc là phát lương cho “đệ nhị quân khu” sau gọi là Quân Ðoàn I. Kế đến, bà là thiếu úy rồi trung úy sĩ quan tiếp liệu tại quân y viện Nguyễn Tri Phương. Sau đó bà được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện và Trường Nữ Quân Nhân và rồi lên lon đại úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ quân nhân của Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1969, bà là thiếu tá trưởng phòng nghiên cứu. Sau đó, bà được chuyển qua Không Quân và lên trung tá năm 1972.

Sau Tháng Tư, 1975, bà bị Cộng Sản bắt đi tù nhiều nơi khác nhau, bao gồm Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Z30D, Hàm Tân, và Long Thành.

Sau khi ra tù, năm 1990, bà định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO2.

Ban đầu, bà là phó chủ tịch Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị, phụ tá cho ông Nguyễn Hậu là chủ tịch thời bấy giờ. Công việc của bà là làm giấy tờ bảo lãnh cho các cựu quân nhân QLVNCH không có thân nhân bảo lãnh.

Sau đó, bà làm hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH cho tới nay.

Trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt hồi năm 2011, khi được hỏi lý do khiến bà hăng say trong công việc cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH, bà cho biết: “Tôi cảm thấy vui khi được cùng đồng hương Việt Nam và các hội đoàn tổ chức Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ I và các lần sau này là vì tình huynh đệ chi binh. Là lính, tình cảm ấy nặng lắm.”

Bà không giấu được xúc động khi nhắc đến những giây phút làm hồ sơ cứu trợ, hoặc khi đọc những lá thư hồi báo của các thương phế binh, hay từ gia đình các quả phụ, gởi về cho hội: “Tôi tưởng tượng lúc họ vui khi nhận được tiền, con cái họ có thêm miếng cơm, có thêm tấm áo, gia đình họ ấm lòng khi đồng bào ở hải ngoại xa xôi vẫn nghĩ đến và nhớ ơn sự hy sinh của họ.” (Đ.D.)

Leave a Reply