(VTC News) – Nhiều cuộc điện đàm của Tổng thống Trump trước đây là cơn ác mộng với các trợ lý khi ông đưa ra những tuyên bố và đề xuất bất ngờ khiến họ trở tay không kịp.
Các cuộc trao đổi qua điện thoại của Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo thế giới đang được xem xét kỹ lưỡng sau khi bê bối điện đàm với người đồng cấp Ukraine nổ ra.
Theo tiết lộ của Washington Post, trong một cuộc điện đàm với các quan chức Ả-rập Xê-út, ông Trump tuyên bố sẽ giúp Riyadh gia nhập Nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7.
Ở một cuộc gọi khác, ông hứa với Tổng thống Peru về việc gửi một máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules tới trong vòng 24 giờ.
“Nhiều nhân viên cấp cao trong chính quyền từng rất hốt hoảng trước những gì mà họ nghe thấy trong các cuộc gọi này”, một cựu quan chức Nhà Trắng tiết lộ.
Washington Post cũng tiết lộ về 2 cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi người đồng cấp Nga trong những lần liên lạc đầu tiên giữa 2 bên và sau đó hỏi xin lời khuyên của ông Putin về cách xây dựng quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang bị cuốn vào vòng xoáy điều tra luận tội liên quan tới cuộc điện đàm gây tranh cãi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đảng Dân chủ cáo buộc ông gây áp lực buộc Kiev điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người được coi là đối thủ chính trong cuộc đua vào Nhà Trắng với ông Trump trong năm tới.
Hôm 4/10, Chủ tịch của 3 Ủy ban Hạ viện Mỹ thông báo gửi trát tới Nhà Trắng, yêu cầu cung cấp mọi tài liệu liên quan đến cuộc điều tra luận tội ông Trump trong vòng 2 tuần.
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định chính quyền của ông sẽ chỉ hợp tác nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Tổng thống có quyền thực hiện các cuộc điện đàm này. Ông khẳng định nỗ lực đối thoại của chính quyền là hợp lý, có trách nhiệm để đảm bảo viện trợ được chi tiêu hợp lý và bảo vệ nền dân chủ Mỹ.