Tuần Việt Nam giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia sau cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden diễn ra hôm qua.
Điểm nhấn cuối cùng trước cử tri
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cuộc tranh luận có ý nghĩa đặc biệt sau hai cuộc tranh luận khá trục trặc. Ở tranh luận lần 1, hai bên ngắt lời nhau quá nhiều và bị coi là không giúp người xem và cử tri thấy được thông điệp chính sách rõ ràng. Cuộc thứ hai do câu chuyện Covid-19 và nhiều lý do khác, dẫn tới hủy bỏ.
Cuộc tranh luận lần này được nhiều người trông đợi khi là cuộc so găng cuối cùng giữa hai bên.
Chỉ còn hơn chục ngày nữa tới bầu cử Tổng thống Mỹ, nên đây là điểm nhấn cuối cùng của các ứng viên trước cử tri.
Không còn cảnh tranh cướp nhau nói, lần này, cả hai ứng viên đã cố gắng ôn hòa, tạo ra không gian để mỗi bên trình bày được quan điểm chính sách của mình xoay quanh 6 chủ đề đưa ra. Trong đó, Covid và thoát khỏi Covid như nào là quan trọng. Thứ hai là phục hồi kinh tế, tiếp đến là vấn đề chủng tộc, an ninh quốc gia, ứng xử với nước lớn…
Tôi cho rằng, hai ông đã trình bày khá rõ đường lối chính sách của mình.
Rõ ràng hai bên có khác biệt rất lớn, thậm chí cọ sát đối lập nhau. Không ít thời gian hai bên thể hiện mặt mạnh của mình và cố gắng nêu ra điểm yếu của đối thủ. Ví dụ như vấn đề nhập cư. Ông Trump cho rằng Dân chủ tạo điều kiện cho nhập cư ồ ạt, trái phép, khiến gia tăng tỉ lệ tội phạm, khó khăn trong công ăn việc làm. Trong khi đó ông Biden lại cho rằng chính sách nhập cư của ông Trump trái với quyền con người…
Có lẽ thông điệp lớn nhất của hai bên tranh luận là: Ông Trump muốn nhấn mạnh vào những thành tựu của cả 4 năm nhiệm kỳ chứ không chỉ riêng năm nay. Từ kinh tế đến đối ngoại, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, những gì làm được cho người nghèo, người da màu… Còn ông Biden muốn thể hiện là người muốn hướng tới đoàn kết và nhấn mạnh giá trị đạo đức, nhân cách.
Ông Biden chưa thoát khỏi cái bóng của Obama
Bối cảnh ông Biden đang dẫn trước và ông Trump ở “cơ dưới” trong thăm dò dư luận sẽ tác động như thế nào với cử tri, chưa kể có tới 1/3 số cử tri (gần 40 triệu người) bỏ phiếu sớm. Nên cuộc tranh luận lần này sẽ làm vững lòng cho những người ủng hộ của mỗi bên (cử tri nòng cốt) về những định hướng chính sách mà họ trông đợi. Nếu còn bộ phận nào còn do dự (dù còn rất ít) thì qua thông điệp chính sách của mỗi ứng viên sẽ có quyết định cuối cùng.
Hai bên đều rất tránh để xảy ra tranh cãi và sai sót. Có thể đánh giá đây là cuộc tranh luận tương đối thành công trong sự trông đợi của cử tri mỗi bên.
Lâu nay, các cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ chỉ bổ sung thêm chứ không có tác động tạo chiều với cuộc bầu cử đang diễn ra. Các bên vẫn phải tiếp tục đi vận động tranh cử.
Ông Trump rất nhấn mạnh tới dấu ấn đạt được trước đại dịch – coi đó là khung chính sách của mình trong nhiệm kỳ tới, với mục tiêu vượt qua đại dịch và hướng tới tương lai phát triển cả về kinh tế, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại… Còn ông Biden dù nói rất nhiều về khung chính sách trong tương lai nhưng có lẽ chưa thoát ra khỏi hình ảnh rất lớn của Obama. Ông sẽ phải làm thêm nhiều điều để chứng tỏ không phải là 2.0 của cựu Tổng thống Obama.
Qua cuộc tranh luận lần này, chắc chắn các bên phải đẩy nhanh tiến độ hơn. Bên dẫn trước cũng chưa khẳng định trăm phần trăm sẽ thắng nên chiến dịch vận động tranh cử trong hơn 10 ngày còn lại sẽ rất sát sao. Khi cử tri đã có quyết định của mình thì tỉ lệ đi bỏ phiếu thực sự là rất quan trọng. Giả sử trong thăm dò dư luận ông Biden có được 53-54% nhưng trong số cử tri bày tỏ ủng hộ này mà người đi bỏ phiếu không nhiều sẽ là rủi ro cho ông. Còn ông Trump đương nhiên phải củng cố cử tri nòng cốt của mình.
Như vậy, mấu chốt của những ngày tới là các ứng viên phải vận động các cử tri ủng hộ mình đi bỏ phiếu thực sự để giữ được phần trăm mỗi bên, nhất là tại các bang còn do dự lựa chọn.
Bất lợi của ông Trump
GS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội: Bước vào cuộc tranh luận cuối cùng, tôi cho rằng Tổng thống Donald Trump có nhiều bất lợi hơn trước đối thủ Biden.
Thứ nhất, là việc ông bị nhiễm virus corona. Covid-19 là 1 trong 6 chủ đề trong cuộc tranh luận lần này, nhiều người cùng từng phê phán ông Trump coi nhẹ đại dịch, bản thân Tổng thống Mỹ cũng bị mắc bệnh. Thứ hai là kết quả các cuộc thăm dò đều cho thấy ông thua điểm so với ông Biden. Thứ ba là ấn tượng không mấy tốt đẹp về cuộc tranh cử lần trước, khi ông Trump liên tục ngắt lời ứng viên Dân chủ, thể hiện sự gây hấn.
Nhưng ông Trump có lợi thế rất nổi bật, đó là khả năng trình bày vấn đề. Trước những câu hỏi hóc búa, ông ứng phó rất nhanh và giành ưu thế. Thời gian ông nói nhiều hơn ông Biden với 10 phút 20 giây, trong khi ông Biden nói trong 7 phút 40 giây. Tổng thống đương nhiệm đã phản ứng rất nhanh trong mọi câu hỏi và thể hiện sự lưu loát, nhanh nhẹn hơn đối thủ.
Tôi chấm điểm 50-50 cho hai bên. Ông Biden cũng thể hiện khá tốt, ví dụ về vấn đề Covid-19 hay nhập cư. Về góc nhìn của tôi, so với cuộc tranh luận đầu tiên, cuộc so găng lần này không thực sự hấp dẫn. Lý do hai bên quá biết nhau, các chủ đề đưa ra cũng quen thuộc. Cuộc tranh luận này không đi vào giải pháp cụ thể cho mỗi vấn đề mà chủ yếu vẫn là hai bên công kích lẫn nhau. Cử tri chủ yếu căn cứ vào khả năng ứng phó mỗi bên để có quyết định cho mình.
Thái An – Ảnh: Reuters