Căn bệnh không có thuốc chữa di truyền từ ông Lee Kun-Hee đến các con, cháu sau này. Nó khiến người bệnh bị teo cơ, không thể đi lại bình thường.
Samsung hiện là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với tổng tài sản năm 2021 đạt 381,8 tỷ USD. Giàu sang và quyền lực bậc nhất xứ sở kim chi, nhưng nhiều thành viên trong gia tộc Samsung bị căn bệnh di truyền hiếm gặp đeo bám. Đó chính là Charcot-Marie-Tooth (CMT) hay còn gọi là teo cơ Mác.
“Lời nguyền”
Samsung được thành lập năm 1938 bởi Lee Byung-chull, ông nội của Lee Jae-yong, chuyên kinh doanh hàng tạp hóa. Byung-chull thành lập Samsung Electronics vào năm 1969, tiếp theo là Samsung Semiconductor & Telecommunications năm 1978.
Người sáng lập tập đoàn Samsung Lee Byung-chull có ba con trai (Lee Maeng-hee, Lee Chang-hee, Lee Kun-hee) và 3 cô con gái.
Cô con gái út Lee Yoon-hyung đã tự tử vào năm 2005 khi đang theo học tại Mỹ. Con gái lớn Lee Boo-jin là chủ tịch kiêm CEO của chuỗi khách sạn Shilla, công ty con của Samsung. Bà từng có thời gian ngắn được chờ đợi thừa kế vị trí lãnh đạo Samsung khi anh trai Lee Jae-yong bị bắt năm 2017. Người con gái thứ hai Lee Seo-huyn là chủ tịch bộ phận thời trang của Tập đoàn Samsung C&T, cũng là một trong những người phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc.
Sau khi ông Byung-chull qua đời năm 1987, con trai thứ 3 của ông là Lee Kun-hee lên điều hành tập đoàn, giúp Samsung trở thành công ty toàn cầu trong lĩnh vực chip nhớ, điện thoại và TV.
Theo Korea Joongang Daily, cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Lee Kun-hee và cháu trai Lee Jay-hyun, Chủ tịch Tập đoàn CJ, đều được chẩn đoán mắc Charcot-Marie-Tooth.
Ông Lee Kun-hee gặp nhiều vấn đề sức khỏe từ những năm 2000, nên ông đã chuẩn bị từ lâu để nhường vị trí lãnh đạo cho con trai duy nhất của mình, ông Lee Jae-yong.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết ông Jae-hyun còn mắc nhiều chứng bệnh như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh thận. Chính vì vậy, hồi tháng 7/2015, Tòa án Tối cao Hàn Quốc quyết định đình chỉ việc giam giữ ông Jay-hyun, người bị kết tội nhiều tội danh tham nhũng, với lý do sức khỏe.
Không chỉ nam giới trong gia tộc Samsung, nữ giới nhà Lee cũng đứng trước nhiều mối đe dọa về sức khỏe. Theo tờ Chosun, “công chúa Samsung” Lee Boo-jin từ khi còn nhỏ đã có cơ thể yếu ớt và bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Anh họ Jay-huyn và nhiều thành viên khác trong nhà đã mắc teo cơ Mác nên tờ Chosun đưa phỏng đoán Lee Boo-jin cũng không thoát khỏi “lời nguyền” này.
Công chúng Hàn Quốc cho rằng bố mẹ đã đổi tên cho bà từ Lee Yoo-jin thành Lee Boo-jin để cầu may mắn và cơ thể khỏe mạnh hơn. “Boo” phát âm mạnh hơn “Yoo” và mang ý nghĩa của sự giàu có.
Căn bệnh không có thuốc chữa
Theo Dịch vụ Y tế Công cộng Anh (NHS), bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT) là nhóm các tình trạng di truyền làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Nó còn được gọi là bệnh thần kinh cảm giác và vận động di truyền (HMSN) hoặc teo cơ Mác (PMA).
Các dây thần kinh ngoại biên được tìm thấy bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương chính (não và tủy sống). Chúng kiểm soát các cơ và chuyển tiếp thông tin cảm giác, chẳng hạn xúc giác, từ tay chân đến não.
Các triệu chứng của bệnh xảy ra đầu tiên ở chân, sau đó là tay. Các tế bào thần kinh ở những người mắc teo cơ Mác không thể gửi tín hiệu đúng cách do bất thường trong sợi trục thần kinh hoặc lớp cách điện (myelin) xung quanh sợi trục.
Các dấu hiệu của bệnh thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên. Hầu hết người bệnh đều bị ảnh hưởng sợi thần kinh dài nhất đầu tiên. Theo thời gian, bệnh nhân có thể mất dần khả năng sử dụng bình thường bàn tay, bàn chân, chân, cánh tay. Họ sẽ bị nhạy cảm với nhiệt, đau, yếu cơ tay, bàn chân, cẳng chân, khó vận động, mất cơ ở cẳng chân (teo cơ), thường xuyên bị vấp hoặc ngã, bàn chân cao và bàn chân bẹt.
Ngoài ra, phản xạ co duỗi có thể bị mất. Căn bệnh này tiến triển chậm và có thể cải thiện. Người bệnh vẫn hoạt động được trong nhiều năm và sống bình thường. Ở những trường hợp nghiêm trọng nhất, bệnh nhân bị khó thở, cuối cùng là tử vong.
Teo cơ Mác là bệnh do lỗi di truyền ở nhiều gene chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các dây thần kinh ngoại biên. Trẻ có thể mắc CMT do thừa hưởng gene lỗi từ mẹ hoặc bố hoặc cả hai. Hiện nay, hơn 100 gene được cho là thủ phạm gây ra các loại teo cơ Mác khác nhau. Trong đó, gene PMP22 chiếm tới 50% nguyên nhân. Trong khoảng 40% ca bệnh, giới khoa học không tìm được gene gây bệnh.
CMT không đe dọa tính mạng và hầu hết người mắc bệnh có tuổi thọ tương đương với người không mắc bệnh. Nhưng nó có thể gây trở ngại cho hoạt động sống hàng ngày, ảnh hưởng tinh thần.
Hiện không có cách chữa teo cơ Mác. Người bệnh có thể sử dụng vật lý trị liệu, liệu pháp vận động, dụng cụ hỗ trợ, phẫu thuật để giảm triệu chứng, hỗ trợ khả năng vận động và nâng cao chất lượng sống.