Lựa chọn của hai cựu lãnh đạo Nhật Bản cho thấy khả năng về người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe khi nhiệm kỳ cầm quyền của ông kết thúc sau 2 năm tới.
Trong cuộc cải tổ nội các gần đây, ông Abe đã đặt nhiều “ứng viên hậu Abe” vào các vị trí quan trọng của chính phủ và LDP, khiến các quan chức và nhiều nhà lập pháp băn khoăn ai là người đủ phẩm chất nhất để thay thế ông.
Họ thường trích dẫn quy tắc vàng được xây dựng bởi cựu thủ tướng Kakuei Tanaka và Noboru Takeshita là điều kiện để trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản.
Ông Tanaka và ông Takeshita từng là thủ tướng vào những năm 1970 và cuối những năm 1980. Cả hai đều nắm giữ quyền lực chính trị lớn và là lãnh đạo phe lớn nhất của LDP. Quan trọng nhất, họ tiếp tục là những người ảnh hưởng chính trường Nhật rất lâu sau khi họ từ chức.
Con đường dẫn tới vị trí thủ tướng
Ông Tanaka được cho là đã yêu cầu ứng viên phải đáp ứng hai điều kiện. Đầu tiên, ứng viên phải từng trải qua hai trong ba vị trí hàng đầu của đảng, bao gồm tổng thư ký, người điều hành các chiến dịch bầu cử và quản lý ngân sách của đảng.
Thứ hai, ông Tanaka muốn ứng viên đã trải qua hai vị trí nội các quan trọng là lãnh đạo các bộ ngoại giao, tài chính, hoặc thương mại và công nghiệp.
Ông Tanaka tin rằng một ứng viên thủ tướng phải làm quen với các chính sách cơ bản của đất nước, mà các bộ này đại diện.
Trong khi đó, ông Takeshita có hệ thống tính điểm riêng của mình, ghi nhận cho ứng viên mỗi khi họ trải qua một chức vụ. Ông đưa ra số điểm cao nhất cho tổng thư ký LDP, vì những lý do tương tự ông Tanaka.
Theo hệ thống nội các nghị viện nơi chủ tịch đảng cầm quyền trở thành thủ tướng, ông Takeshita nghĩ rằng ứng viên phải quen thuộc với các hoạt động của đảng, bao gồm bầu cử và xây dựng liên minh nghị viện.
Theo Nikkei Asian Review, trong số các ứng viên hiện nay, Fumio Kishida, người từng giữ chức bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Abe từ năm 2012 đến 2017, được cho là muốn có chức vụ tổng thư ký tại cuộc cải tổ lãnh đạo mới nhất này.
Thay vào đó, ông ở lại với tư cách người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của LDP – một trong ba chức vụ hàng đầu của đảng, nhưng không phải là vị trí quan trọng nhất mà ông Tanaka và ông Takeshita đều coi là thiết yếu.
Làm tổng thư ký LDP trong giai đoạn này có nghĩa là đi đầu trong các cuộc bầu cử khốc liệt. Làm bộ trưởng Tài chính có nghĩa là giám sát sự phân phối của cải của quốc gia. Việc cả Tanaka và Takeshita trở thành thủ tướng sau khi làm bộ trưởng Tài chính và tổng thư ký đảng đã hình thành niềm tin của họ vào quy tắc vàng.
Với nhiệm kỳ của ông Abe kết thúc vào tháng 9/2021, các phe phái LDP khác nhau đang thúc đẩy các liên minh với nhận thức rằng việc giành được quyền lãnh đạo đảng cũng tự động đồng nghĩa với chức vụ thủ tướng.
Các ứng viên tiềm năng
Trong những năm gần đây, có một giai đoạn mô hình Tanaka-Takeshita không áp dụng.
Junichiro Koizumi, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP năm 2001 trong lần chạy đua thứ ba, không có kinh nghiệm phục vụ trong vai trò lãnh đạo của đảng hoặc với tư cách là bộ trưởng Tài chính hoặc đối ngoại.
Cựu thủ tướng Noboru Takeshita. Ảnh: Reuters. |
Chánh văn phòng nội các hiện tại, Yoshihide Suga, mặc dù không liên kết với bất kỳ phe phái nào và không nắm giữ bất kỳ ba chức vụ chính nào của đảng, nhưng lại thường được coi là ứng viên kế nhiệm Abe nặng ký.
Các ứng viên khác bao gồm Taro Kono, người gần đây đã được chuyển từ bộ trưởng Ngoại giao sang bộ trưởng Quốc phòng và Katsunobu Kato của phe Takeshita. Kato đang làm bộ trưởng Ytế nhiệm kỳ hai, giống như Koizumi.
Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, con trai 38 tuổi của Junichiro Koizumi, là một ứng viên tiềm năng khác.
Bộ trưởng Ngoại giao cũng đã trở thành chức vụ ngày càng quan trọng. Keizo Obuchi được giao vai trò này vào năm 1997, tám năm sau khi ông thôi giữ chức chánh văn phòng nội các. Ông trở thành thủ tướng vào năm sau đó.
Bộ trưởng Ngoại giao mới của Nhật Bản, Toshimitsu Motegi, đóng vai trò lãnh đạo trong việc hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại gần đây với Mỹ với tư cách là bộ trưởng chính sách kinh tế. Đối với Tokyo, nơi đặt liên minh với Washington là cốt lõi của chính sách đối ngoại và an ninh, điều quan trọng là giải quyết các tranh chấp kinh tế với Mỹ.
Các ứng viên tiềm năng cho chức vụ thủ tướng. Từ trái qua: Fumio Kishida, Toshimitsu Motegi, Taro Kono, Shinjiro Koizumi, Yoshihide Suga và Katsunobu Kato. |
Ông Abe trở thành thủ tướng sau khi chỉ giữ chức tổng thư ký và chánh văn phòng nội các của LDP. Có thể lập luận rằng kinh nghiệm của ông Abe ở các vị trí chủ chốt của đảng và nội các như được định nghĩa trong mô hình Tanaka-Takeshita là điều kiện cho chức vụ thủ tướng.
Vào tháng 11, nhiệm kỳ thủ tướng của ông Abe sẽ trở thành dài nhất trong lịch sử chính trị hiến pháp của Nhật Bản, vượt xa kỷ lục do Taro Katsura thiết lập. Chiến thắng của ông Abe thách thức mô hình Tanaka-Takeshita nhưng thành công của ông là kết hợp từ các phương pháp khác nhau.
Sau khi làm thư ký cho cha mình, Shintaro Abe, một bộ trưởng Ngoại giao trong những năm 1980, Shinzo Abe lần đầu được bầu vào Hạ viện năm 1993 – trong cuộc bầu cử cuối cùng theo hệ thống bầu cử đa ghế. Sau đó, ông xây dựng sự nghiệp chính trị của mình theo hệ thống nghị viện một ghế.
Ông là bộ mặt của chủ nghĩa bảo thủ nhưng cũng thực hiện các chính sách tự do. Ông là chính trị gia am hiểu cả chính trị theo lối cũ, chính trị phe phái và chính trị trong thời đại kỹ thuật số.
Ông Abe dường như không có ý định kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Ông có thể sẽ cải tổ lại ban lãnh đạo đảng và nội các một lần cuối cùng. Nhà lãnh đạo LDP tiếp theo sẽ vươn lên thông qua mô hình Tanaka-Takeshita do phe phái điều khiển, hay nổi lên như một kiểu mới?
Bí ẩn “hậu Abe” báo trước tương lai của không chỉ LDP, mà cả chính trị Nhật Bản nói chung.