Sự hiện diện của binh sĩ Nga ở Venezuela có thể răn đe hành động can thiệp của Mỹ, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Maduro.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 18/3 bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc rút lực lượng quân sự khỏi Venezuela, khẳng định các binh sĩ Nga được triển khai đến đây để “thực hiện các thỏa thuận trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và sẽ ở lại đến chừng nào cần thiết”.
Tuyên bố được Moskva đưa ra sau khi hai máy bay Nga hạ cánh xuống sân bay quốc tế Maiquetia của Venezuela trước đó một tuần, chở theo một quan chức cấp cao và gần 100 binh sĩ. Mỹ khẳng định nhóm binh sĩ này gồm các lực lượng đặc biệt và chuyên gia an ninh mạng được Nga huy động để bảo vệ chính quyền Tổng thống Nicola Maduro.
Soner Cagaptay, chuyên gia Viện Washington, cho rằng với việc triển khai quân đến Venezuela, Nga đang tìm cách răn đe một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, chiến thuật mà Moskva học được từ chính Washington.
“Một lượng nhỏ binh sĩ Nga được đưa đến Venezuela chẳng khác nào hành động ‘chăng dây bẫy’ khiến Mỹ không thể manh động, cũng giống như việc Mỹ duy trì lực lượng quân sự ở vùng Baltic để răn đe hành động quân sự của Nga”, Cagapaty nói.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục gây sức ép yêu cầu Tổng thống Maduro từ chức, đồng thời công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Sau khi Nga triển khai lực lượng tới Venezuela, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nước này sẽ “không khoanh tay đứng nhìn Nga làm gia tăng căng thẳng” và kêu gọi Moskva “ngừng hành động thiếu tính xây dựng”.
Venezuela luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Nga tại Nam Mỹ, khu vực vốn được coi là sân sau của Washington. Nếu Tổng thống Maduro bị thay thế bởi Guaido, chính sách của Caracas sẽ ngả về Washington thay vì Moskva như hiện nay.
“Nga sẽ chịu thiệt hại lớn nếu chính quyền hiện nay ở Venezuela bị lật đổ. Họ sẽ làm mọi cách để ngăn điều này xảy ra”, Vladirmir Rouvinski, chuyên gia về quan hệ Nga – Venezuela tại đại học Cali, Colombia, cho biết.
Bằng việc đưa bộ binh tới Venezuela, Nga đang phát đi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng quốc gia Nam Mỹ này đang nằm dưới sự bảo vệ của Moskva, trong bối cảnh chính quyền Trump liên tục gia tăng sức ép với Tổng thống Maduro. Động thái của Nga sẽ ngăn cản hoặc làm chậm bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm lật đổ chính phủ Maduro trong tương lai, theo Cagaptay.
Nga cũng sẵn sàng đối đầu với Mỹ ở Venezuela vì lý do kinh tế. Venezuela là quốc gia nhập khẩu lượng lớn vũ khí từ Nga, trong khi tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã đầu tư 9 tỷ USD vào các dự án tại Venezuela từ năm 2010 và chưa thể hòa vốn. Tập đoàn Nga đang sở hữu hai mỏ dầu với quy mô 20 triệu tấn dầu thô. Caracas cũng nợ Moskva khoảng 3 tỷ USD và chưa có khả năng thanh toán.
“Nga đã đầu tư sâu vào Venezuela, giải pháp hợp lý nhất là ủng hộ chính quyền Maduro để bảo đảm quyền lợi kinh tế”, Alexander Gabuev, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie Moskva, nói.
Lã Linh