Bộ Lao Động: 100% shop may thanh tra ở Orange County phạm luật

ORANGE COUNTY, California (NV) – Tất cả 32 shop may bị Bộ Lao Động thanh tra tại Orange County hai năm vừa qua, đa số chủ là người Việt Nam, đều vi phạm nghiêm trọng các luật lao động căn bản về trả lương tối thiểu, trả tiền phụ trội khi làm việc thêm giờ, cũng như sổ sách về giờ làm việc.

“Nhiều shop may tại Orange County là của người Việt.”
(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau cuộc tảo thanh lớn với những ngày theo dõi và bố ráp, năm 2014 là tại 20 shop may (contractor) và 21 hãng sản xuất (manufacturer), năm 2015 là 12 shop may và 15 hãng sản xuất, Cơ Quan Lương Tiền và Giờ Làm Việc (Wage and Hour Division) của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ bắt nhiều vi phạm của ngành may tại Orange County.

100% các shop may và khoảng 1/3 các hãng sản xuất bị phát hiện vi phạm luật.

Để bù tiền lương và bồi thường thiệt hại cho các nhân công bị trả lương sai luật, 41 shop và hãng may năm 2014 bị buộc phải nộp khoảng $215,000, cho 223 nhân công, và với 27 shop và hãng may năm 2015 là khoảng $216,000, cho 117 nhân công.

Ông Tony Phạm. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Hiện tại, ngành may ở Orange County nói riêng, và tất cả các ngành toàn quốc nói chung, Bộ Lao Động vẫn đang tìm cách phân phối số tiền thu từ người chủ đến tay các nhân công. Riêng California, cơ quan này còn giữ khoảng $14 triệu, người lao động có thể liên lạc với văn phòng địa phương để xem có tên mình hay không.

“Kinh doanh ngành may vốn không dễ dàng hay kiếm được nhiều tiền. Tuy việc trả lương đúng theo luật có khó khăn, nhưng người kinh doanh phải làm đúng luật,” ông Tony Phạm, phó giám đốc điều hành Văn Phòng Cơ Quan Lương Tiền và Giờ Làm Việc tại ba quận hạt phía Nam California là Orange, San Diego, và Imperial, nói với nhật báo Người Việt.

Trong một số bài phóng sự trước đây của nhật báo Người Việt về ngành may, bên cạnh những thuận lợi như không đòi hỏi bằng cấp và tự do về thời gian, cả chủ và thợ tại các shop may đều chia sẻ nhiều khó khăn về thu nhập, và cho biết ngành may “không còn thời kỳ hoàng kim” như trước đây.

“Khi mua hàng, xin nghĩ đến mồ hôi nước mắt của những người thợ may, có thể là người Việt ở rất gần mình.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Những chủ shop may nhận hàng từ các hãng xưởng quần áo về may, theo thời hạn và số tiền hai bên đồng ý. Người chủ shop may bị giới hạn về số tiền họ sẽ nhận, do đó, nhiều khi họ không thể trả tiền theo đúng luật lương tối thiểu. Chủ shop may phải thương lượng với hãng để họ trả nhiều hơn và bảo đảm quyền lợi cho thợ của mình. Nếu không làm đúng luật, trước sau gì mình cũng bị điều tra, và cũng không có lợi cho thợ và việc kinh doanh,” ông Tony nói thêm.

Ông nhấn mạnh việc người chủ trả lương không có sổ sách rõ ràng, hay trả lương theo đầu sản phẩm nhưng tính ra thấp hơn mức lương tối thiểu $7.25 của liên bang, hay người thợ mang đồ về nhà làm mà không được cấp phép… đều là những hành động vi phạm luật lao động.

Theo số liệu văn phòng cung cấp, Nam California có khoảng 3,300 shop và hãng may, Orange County có 320 shop và hãng may, “phần nhiều là của người Việt Nam,” theo lời ông Tony.

Sau đây là những thông tin ông Tony Phạm cung cấp trong buổi gặp gỡ với nhật báo Người Việt

Người thanh tra và người bị thanh tra

“Nhiệm vụ của văn phòng chúng tôi là bảo đảm luật lao động được tuân thủ, để bảo vệ giới lao động, bằng hai cách: thứ nhất là tiếp cận và giáo dục cộng đồng về quyền lợi của người lao động, thứ hai là thi hành áp dụng luật công bằng trong lao động, Fair Labor Standards Act (FLSA). Trong đó, quan trọng nhất là về giới lao động nhận lương tối thiểu và dưới tuổi vị thành niên.

Văn phòng chúng tôi có 8 điều tra viên, và một số nhân viên khác. Phía trước văn phòng, người dân có thể đến để khiếu nại, yêu cầu được bảo vệ. Một nửa trong số các trường hợp của chúng tôi là từ các khiếu nại của người lao động.

Hiện tại, chúng tôi chú trọng vào giới lao động thu nhập thấp, dễ bị thiệt hại. Thực sự thì khoảng một nửa các trường hợp mà văn phòng làm là do nhận khiếu nại từ người lao động. Nửa còn lại thì chúng tôi đánh giá một số ngành nghề ngay tại địa phương.

Ví dụ như ngành may, đây là một ngành thu nhập thấp, phổ biến trong cộng đồng thu nhập thấp. Trước đây thì người gốc Việt và gốc Hispanic làm. Nay thì đa số là người Việt.

Thợ dùng máy và làm việc cho shop may, nhiều người mang đồ về nhà làm mà không có giấy phép, là sai luật, vì máy may công nghiệp có thể gây hỏa hoạn, và đặc biệt những em dưới 18 tuổi không được làm.

Nếu nói là làm có người nhà giúp, thì những người giúp cũng phải có tên trong sổ lương.”

Quá trình thanh tra

“Khi điều tra, chúng tôi sẽ theo dõi cơ sở kinh doanh đó. Chúng tôi sẽ tìm gặp người chủ, hỏi xem cách thức họ trả lương nhân viên, xem xét sổ sách. Sau đó là điều tra từ phía nhân viên. Nếu người chủ vi phạm luật, chúng tôi sẽ yêu cầu họ thay đổi, trả phần tiền lương lẽ ra của nhân viên.

Chúng tôi sẽ hỏi là bao nhiêu tiếng thì làm xong số thành phẩm, và chúng tôi chia thu nhập theo số giờ và tính xem có bằng hoặc trên mức lương tối thiểu hay không.

Trước kia, nhiều người tưởng là Bộ Lao Động không làm buổi chiều, cuối tuần… Thực sự thì chúng tôi có quan sát vào cả buổi tối và cuối tuần. Điều tra của chúng tôi nhìn trong hai năm. Nếu cố ý, thì thường chúng tôi sẽ kéo dài việc điều tra thêm năm thứ ba.

Một trong những vấn đề của shop may là các shop may không có sổ sách, hay làm sai sổ sách. Sổ sách là để bảo vệ người chủ. Nếu không có, nhiều khi người nhân viên nhớ sai giờ làm việc của họ, rồi gây phiền phức cho người chủ. Rồi khi điều tra, chúng tôi theo dõi cả buổi tối và cuối tuần, nhìn thấy có người làm, mà không ghi vào sổ, thì người chủ có lỗi.

Mỗi vụ điều tra khác nhau, có khi shop nhỏ, có đủ hết sổ sách, thì điều tra nhanh hơn. Những shop lớn hơn, thấy chưa đủ chứng cứ, thì chúng tôi điều tra lâu hơn.

Hàng hóa nếu có liên quan đến vi phạm luật lao động và nền thương mại của liên bang, chúng tôi có quyền để điều tra và cấm xuất hàng. Điều này có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của shop may, hãng sản xuất.”

Bù lương và bồi thường

“Khi bị phát hiện có vi phạm, người chủ phải trả lại phần tiền lương thiếu của nhân viên, và thường phải bồi thường chi phí thiệt hại, bằng khoảng phần tiền của phần lương thiếu. Nếu cố tình vi phạm, người chủ sẽ bị phạt thêm. Hàng hóa cũng bị niêm phong, theo đó người chủ sẽ không thể hoàn thành đơn đặt hàng.

Một điều khác phải nhấn mạnh là người chủ không được có hành vi trả thù người nhân viên. Điều này sẽ bị phạt nặng thêm. Yêu cầu hay hướng dẫn người thợ cách trả lời với điều tra viên cũng là chống lại quá trình điều tra, sẽ có hậu quả.”

Bảo vệ người lao động

“Và nếu là nhân viên thì đừng sợ. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ quyền lợi người lao động.

Cũng có lúc đi đến điều tra, tôi thấy thợ bỏ chạy. Có thể người ta sợ, có thể người ta nhận trợ cấp xã hội, nhưng người ta không nên như vậy.

Nhân viên điều tra của liên bang đã biết hết trong quá trình chuẩn bị điều tra. Chúng tôi có thể theo dõi, bằng máy ghi hình hay đến theo dõi từ xa, lấy các thông tin cần thiết, ghi lại các bảng số xe và biết ai là thợ đến làm, làm bao lâu, làm bao nhiêu, đến kiểm tra bất cứ lúc nào trong thời hạn ba năm điều tra…

Chúng tôi biết có những người chạy đi, biết có người sẽ nói dối “tôi mới vô làm bữa nay.” Và chúng tôi muốn họ biết rằng chúng tôi không đến để làm khó dễ họ, chúng tôi chỉ muốn bảo đảm tiêu chuẩn quyền lợi người lao động. Chúng tôi sẽ không hỏi các câu hỏi về tình trạng di trú hay trợ cấp xã hội.

Quý vị cũng có thể báo cáo các vi phạm của công ty cho chúng tôi, qua số điện thoại (714) 621-1650, hay đến văn phòng tại 770, The City Drive South, Suite 5710, Orange, CA-92868.”

Không dừng lại ở ngành may

“Chúng tôi tiến hành điều tra chỉ một số ít, khoảng 1%, tổng số các cơ sở kinh doanh, vì vậy chúng tôi chọn những ngành và những cơ sở mà chúng tôi tin rằng sẽ để lại ảnh hưởng lớn trong lãnh vực của họ.

Chúng tôi chọn điều tra các lãnh vực theo yêu cầu của Bộ Lao Động cấp liên bang, tiểu bang, và chúng tôi cũng xem xét tình hình tại địa phương mà chúng tôi chịu trách nhiệm.

Hiện tại và sắp tới, tại Orange County, văn phòng sẽ thanh tra việc trả lương tại các nhà hàng, dịch vụ săn sóc người già và người bệnh, những nơi thuê mướn người lao động bị tàn tật…”

Leave a Reply