Bỏ qua ‘Giấc mơ Mỹ’ để trở thành nghi phạm khủng bố

Hai thanh niên gốc Chechnya đáng lẽ đạt được ước mơ của mọi người nhập cư, thoát khỏi một nơi bị chiến tranh tàn phá và có cuộc sống yên bình ở Mỹ, nếu không thực hiện vụ đánh bom kép để rồi kẻ sống người chết.

Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, đam mê đấm bốc và rất có năng khiếu ở bộ môn này. Nặng gần 90 kg, Tamerlan từng đại diện cho vùng New England, đông bắc nước Mỹ, như một võ sĩ hạng nặng ký tại giải đấm bốc Găng tay Vàng Quốc gia. Y còn mơ ước được mang lại vinh quang cho đội tuyển đấm bốc tham dự Olympic.

Em trai y, Dzhokar, 19 tuổi, tốt nghiệp trường Cambridge Rindge & Latin năm 2011. Đây là nơi các diễn viên nổi tiếng Matt Damon và Ben Affleck từng theo học. Cậu thanh niên trẻ từng được thành phố trao học bổng 2.500 USD. Dzhokar cũng là một đô vật còn từng có lần được vinh danh là vận động viên sinh viên của tháng và thi đấu cấp quốc gia.

Thế nhưng, mọi việc bỗng chốc đi chệch theo một hướng khác.

4 ngày qua, anh em nhà Tsarnaev trở thành hai cái tên bị truy đuổi gắt gao sau khi cảnh sát xác định hai người là nghi phạm đứng sau vụ đánh bom giải marathon ở Boston hôm 15/4. Ít nhất 3 người chết và gần 180 người bị thương sau khi hai quả bom phát nổ gần vạch đích của giải chạy thường niên lâu đời nhất thế giới.

Tamerlan đã tử vong sáng sớm qua theo giờ địa phương, sau một đêm đấu súng ác liệt. Cả thế giới đêm qua tiếp tục dõi theo diễn biến của cuộc truy bắt ở Watertown, ngoại ô Boston, bang Massachusetts và cuối cùng Dzhokar cũng đã bị tóm gọn.

Hiện chưa rõ động cơ gì đã dẫn hai anh em tài năng này đến hành vi phạm tội tàn ác. Cả ngày hôm qua, các phóng viên đã trò chuyện với rất nhiều người quen biết họ chỉ để tìm một câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao họ lại thực hiện vụ khủng bố Boston Marathon.

Những gì các phóng viên ghi nhận được là câu chuyện điển hình về những người dân nhập cư Mỹ. Một gia đình gốc cộng hòa Chechnya, thuộc Nga, đã bỏ trốn khỏi những cuộc xung đột tàn khốc ở quê nhà vào những năm 1990 để tìm đến nước Mỹ, sau một thời gian sống ở những nước cộng hòa lân cận khác thuộc Nga.

Cậu em Dzhokar sang Mỹ với bố mẹ trước, theo người dì Maret Tsarnaev. Còn cậu anh Tamerlan ban đầu ở lại với hai chị gái. Cuối cùng, gia đình gồm 6 người của họ cũng được đoàn tụ. Hành trình Mỹ của họ là một cuộc đấu tranh để hòa nhập vào cuộc sống mới và đạt đến thành công.

Những dấu hiệu bất ổn

Sau khi cảnh sát công bố các bức ảnh nghi phạm đánh bom Boston, rồi những cái tên được xướng lên, mọi người đều cảm thấy bị sốc.

Bạn bè và người quen của anh em Tsarnaev không tin vào sự thật này. Hai anh em được mô tả thân thiện, hiền lành. Họ bình thường như bao người khác, đến nỗi dù có gặp họ đi ngang qua ngoài đường, bạn cũng chẳng buồn chú ý hay nhìn họ đến hai lần.

Dì của hai anh em nói với kênh CTV của Canada rằng tuổi thơ của các cậu bé rất êm đềm. Bố của họ, Anzor, là một người đàn ông nhân hậu và yêu thương gia đình. Ông và vợ, bà Zubeidat, đã trở về Dagestan, nước láng giềng của Chechnya.

Dzhokar đến Mỹ vào 1/7/2002 với tư cách là khách du lịch và xin được tị nạn, một quan chức liên bang cho biết. Cậu được công nhận là công dân Mỹ vào ngày 11/9 năm ngoái.

Có một vài tranh cãi quanh thời gian cậu anh sang Mỹ. Một quan chức nói Tamerlan đến Mỹ vào ngày 6/9/2006 và có thị thực cư dân thường trú. Tuy nhiên, một quan chức khác nói rằng Tarmelan đến Mỹ lần đầu vào ngày 19/7/2003.

Alyssa Lindley Kilzer cho hay cô thường xuyên thăm căn hộ ở số 410 đường Norfolk ở Cambridge mà anh em nhà Tsarnaev sống. Kilzer từng đến chăm sóc mặt tại tiệm spa mà bà Zubeidat làm việc, nhưng sau đó bà bị sa thải và Kilzer bắt đầu lui tới nhà bà.

Kilzer viết trên blog của cô rằng cầu thang nhà Tsarnaev chật cứng giày dép, ngôi nhà ồn ào tiếng tranh cãi, nấu nướng và các sinh hoạt gia đình khác. Nó hầu như không giống với một spa nhưng Kilzer vẫn chịu khó đến đây vì bà Zubeidat chăm sóc da mặt rất tốt.

Tuy nhiên, Kilzer ngày càng cảm thấy không thoải mái khi đến ngôi nhà vì quan điểm tôn giáo của bà Zubeidat ngày càng cực đoan. “Bà ấy bắt đầu trích dẫn các lý thuyết âm mưu, nói với tôi rằng bà nghĩ vụ khủng bố 11/9 do chính phủ Mỹ cố tính tạo dựng để khiến người Mỹ căm thù dân Hồi giáo”, cô viết.

Zubeidat nói rằng “Đó là sự thật. Con trai tôi đều biết điều đó. Cô có thể đọc nó trên Internet”.

Kilzer cũng cho biết cô chỉ mới gặp Tamerlan một lần và cho rằng cậu này không mấy thân thiện. Trong một bức ảnh được đăng trên Internet, Tamerlan ăn mặc bảnh bao, lái một chiếc Mercedes, với chú thích “Sẽ đấm bốc vì hộ chiếu”.

Gene McCarthy, huấn luyện viên của Tamerlan từ năm 16 tuổi, cho biết y là một võ sĩ giỏi, cao hơn 1m8, với cánh tay dài và rất có nghị lực. Y từng thi đấu tại một giải vô địch New England trong tình trạng bị sốt và các mụn nước nổi trên môi nhưng vẫn giành chiến thắng.

Tamerlan theo đấm bốc từ bé và được cha huấn luyện từ khi họ còn sống ở Kavkaz. Em trai Dzhokar bắt đầu đến phòng tập thể thao từ lúc 10 tuổi và quấn anh trai như “một chú cún con”, McCarthy nói. Cậu em chỉ đứng sau anh trai và tập các động tác nhẹ nhàng.

Tamerlan bỏ uống rượu và hút thuốc để phù hợp với các giá trị của Hồi giáo. Dì của y cho hay y bắt đầu trở nên sùng đạo cách đây vài năm và cầu nguyện 5 lần một ngày.

Bà Zubeidat kể rằng con trai cả theo đạo Hồi nhưng chưa bao giờ nói gì cực đoan, chưa bao giờ nói rằng y theo phe thánh chiến. Y cũng không bao giờ giấu mẹ điều gì. Nếu y liên quan đến các hoạt động không lành mạnh, bà sẽ biết.

Tuy nhiên, bà cho hay FBI đã theo dõi con trai mình, sau khi y có những động thái khả nghi trên Internet. “Làm sao điều này có thể xảy ra được? Họ theo dõi từng bước đi của nó và bây giờ bảo đó là một hành động khủng bố”, bà nói.

FBI từng thẩm vấn Tamerlan hai năm trước và cũng kiểm tra lịch sử đi lại của y, các dữ liệu thông tin vi phạm và các bài viết trên web, nhưng không phát hiện dấu hiệu liên quan đến các nhóm khủng bố.

Tamerlan từng đến Sheremetyevo, Nga, vào tháng 1/2012 và trở lại 6 tháng sau đó với một bộ râu. Trang Youtube có tên y chứa các đường dẫn đến các trang web Hồi giáo, video từ một nhà truyền giáo cực đoan người Australia và nhạc rap. Y đã bỏ học, kết hôn và có một con gái hai tuổi.

Ông Anzor cho hay từng cố gắng điện cho Dzhokar nhưng y tắt máy. Ông cũng có nói chuyện với Tamerlan một ngày trước đó và dặn dò cậu anh chăm lo cho em trai, nhắc nhở chuyện học hành. Quan điểm của ông là nếu các con không chú trọng học hành thì chúng sẽ phải tự lo liệu toàn bộ cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy không phải mọi thứ đều suôn sẻ với Tamerlan ở đất nước mới. Trong một bức ảnh, y viết rằng “tôi không có người bạn Mỹ nào cả. Tôi không hiểu họ”.

Năm 2009, khi 22 tuổi, Tamerlan từng bị bắt vì tội hành hung bạn gái của y.

Cậu em dễ mến

Dzhokar khi tốt nghiệp trung học. Ảnh: Twimg

Tuy nhiên, trái với cậu anh, Dzhokar, lại có rất nhiều bạn. Torrie Martinez, 20 tuổi, là một trong số đó. Martinez bắt xe buýt đi học với Dzhokar hàng ngày và cùng đội vật với y.

“Tôi ước rằng mình có thể nói đó là một đứa trẻ hư hỏng”, Martinez nói, cố gắng tin vào sự thật. “Như những gì tôi biết thì cậu ấy là một người tốt. Tôi nói chuyện với cậu ấy hàng ngày và luyện tập với cậu ta”.

Hai người quen nhau khi Dzhokar học năm nhất còn Martinez học năm hai. Cả hai thường nói chuyện về những đề tài thường thấy của các cậu học sinh trung học, chứ ít đi sâu về đề tài cá nhân. Martinez còn không biết Dzhokar là người Chechnya.

“Tôi đã khóc khi họ công bố tên cậu ấy”, nụ cười biến mất trên gương mặt của Martinez. Sẽ rất khó để tin ai một lần nữa.

Larry Aaronson, một cựu giáo viên, mô tả Dzhokar là một cậu thanh niên “dễ mến, đam mê, quan tâm mọi người và rất vui vẻ”. Robin Young, một phát thanh viên, cho biết Dzhokar là bạn tốt nhất của cháu bà và gọi cậu là một anh chàng điển trai.

Dzhokar cởi mở hơn anh trai. Hôm qua, nhiều người chia sẻ về quan hệ của họ với y hơn là Tamerlan. Dzhokar có một trang mạng xã hội tiếng Nga, trong đó y thể hiện quan điểm về Hồi giáo.

Dzhokar cũng dùng Twitter và thậm chí còn cập nhật tình hình sau vụ đánh bom. “Không phải không có tình yêu thương ở trái tim của thành phố. Bình an nhé mọi người”, Dzhokar tweet chỉ vài giờ sau vụ đánh bom.

Hôm 16/4, y chế nhạo câu chuyện về một người phụ nữ chết trong vụ nổ bom và được bạn trai tìm thấy là giả. “Thật nực cười, những người này đã dựng chuyện”, y viết.

Dzhokar từng có thời gian làm nhân viên cứu hộ tại một bể bơi của trường Harvard. George McMasters, người thuê y hai năm rưỡi, cho hay rất ấn tượng với thái độ làm việc nghiêm túc và sự nhanh nhẹn của y.

‘Những kẻ thua cuộc’

Tuy nhiên, không phải mọi người đều dành những lời tốt đẹp cho hai anh em Tsarnaev. Những lời lẽ khắc nghiệt nhất lại đến từ người chú Ruslan Tsarni, sống ở bang Maryland. Ông nói rằng đã không gặp gia đình Tsarnaev từ tháng 12/2005 và lần cuối nói chuyện với họ là năm 2009.

Khi được hỏi về động cơ khiến các cháu trai tiến hành vụ tấn công, ông nói: “Bị thua cuộc, hận thù những người khả năng an cư. Đó là lý do duy nhất tôi nghĩ ra”.

Dù gia đình Tsarnaev theo Hồi giáo, tôn giáo không có vai trò gì trong vụ đánh bom Boston, người chú khẳng định.Ông mô tả gia đình này là những người Chechnya yêu hòa bình và có đạo đức.

“Ai đó đã cực đoan hóa chúng, chứ không phải anh trai tôi”, ông nói. “Gia đình tôi không có liên hệ gì với gia đình họ. Tất nhiên, chúng tôi vẫn thấy xấu hổ, vì chúng là con của anh trai tôi”.

Tsarni cũng nói rằng anh em Tsarnaev đã khiến cả người dân Chechnya phải xấu hổ.

Anh Ngọc (theo CNN)

Leave a Reply