Từng bị “ghẻ lạnh” trong một thời gian rất dài, nay Bolero đã trở lại. Sự ngọt ngào, suông tai, chất trữ tình mượt mà của Bolero đã tạo nên một cơn sốt.
Không những khuynh đảo “giờ vàng” trên sóng truyền hình, cực thịnh tại các phòng trà, tụ điểm nhạc xưa, … Bolero còn dần chiếm được cảm tình của khán giả trẻ – mà phần đông từng “gán tội” cho Bolero là “não tình”, “sến súa”, “lạc hậu”.
Bất ngờ từ “Solo cùng Bolero”
Trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với sự thịnh hành của các bài hát mang âm hưởng dân ca, Bolero cũng dần sống dậy. Nhận thấy sự “cựa mình” của một dòng nhạc bấy lâu vẫn ngủ yên, một loạt các chương trình âm nhạc đã lựa chọn Bolero làm chủ đề, và không ngờ … thắng lớn. Ấn tượng nhất phải kể đến “Solo cùng Bolero” của Đài truyền hình Vĩnh Long. Bắt nguồn từ ý tưởng tạo nên một sân chơi nho nhỏ cho những người yêu thích nhạc sến, đặc biệt là người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cho đến nay “Solo cùng Bolero” đã có sức ảnh hưởng rộng khắp trên cả nước. Trở thành một chương trình giải trí với format thuần Việt hấp dẫn mọi lứa tuổi.
Chính những người tạo nên chương trình cũng không thể lường được sức hút quá mạnh mẽ của Bolero. Ở mùa đầu tiên vào năm 2014, Solo cùng Bolero nhận hơn 6000 hồ sơ tham gia chương trình. Và ở mùa thứ 2 mới kết thúc chưa lâu, con số thí sinh tham dự đã cán mốc hơn 20.000 người, tương đương với lượng thí sinh đăng ký tại các cuộc thi âm nhạc đình đám khác như Vietnam Idol hay The Voice. Ban tổ chức đã chứng kiến nhiều bác xe ôm tranh thủ giờ nghỉ trưa đến đăng kí, các bà, các chị bán hàng rong cũng hồ hởi mong được khoe giọng, em học sinh cấp 2 muốn thử sức cùng nhạc sến, hay cụ già quá độ tuổi quy định ngồi tặc lưỡi tiếc rẻ vì không được thi, … Kể cả các thí sinh miền Bắc, vốn dĩ không gần gũi lắm với Bolero vẫn lặn lội vượt hàng ngàn cây số để thỏa khát khao được hát; thí sinh dân tộc ít người vẫn thừa sức nhả chữ ngọt lịm, rặt chất miền Tây cho đúng chất Bolero. Không ai trở nên lạc lõng với Bolero, nên những tâm sự như “nghèo quá muốn được đổi đời”, anh chăn bò yêu ca hát, hay cô “hotgirl” xinh đẹp nức tiếng, … tưởng chừng khó ăn nhập vào nhau nhưng vẫn hòa quyện và tạo nên sức hút rất riêng của “Solo cùng Bolero”.
Thừa thắng xông lên, “Solo cùng Bolero” mùa thứ 2 đã nâng số thí sinh lọt vào vòng chung kết lên đến 14 người, và kéo dài thêm chương trình. Khâu trang phục, hình ảnh thí sinh được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, các nhân tố trẻ được phát hiện và tạo sự chú ý lẫn yêu mến từ công chúng. Một cái tên gây nhiều tranh cãi chính là cô bé Thiên Vũ – thí sinh nhỏ tuổi nhất chương trình, đồng thời là Á quân cuộc thi Giọng hát Việt nhí. Vốn sở hữu chất giọng pop balad nhẹ nhàng, lứa tuổi cũng phù hợp để đeo đuổi dòng nhạc trẻ, nhưng Thiên Vũ lại tìm kiếm chỗ đứng với Bolero. Vướng phải nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng Vũ được giám khảo “ưu ái”, nhưng công bằng mà nói giọng ca của Thiên Vũ, sự non nớt nhưng rất cố gắng của em đã thực sự đi vào lòng người. Tuy phải dừng lại tại đêm chung kết 9, cô gái nhỏ này vẫn có một lượng khán giả riêng. Đáng mừng hơn, khi Thiên Vũ bước ra khỏi “Solo cùng Bolero” và tâm sự rằng: “Em sẽ cố gắng học tập và luôn cố gắng để đủ sức bước trên con đường rất dài theo đuổi dòng nhạc Bolero”. Những gương mặt trẻ thành công từ “Solo cùng Bolero” như Thu Hằng, Thúy Huyền, Tuấn Hoàng, Tố My hay Thiên Vũ, … khiến người ta tin rằng đã đến thời đại huy hoàng của một dòng nhạc tưởng chừng như đã bị lãng quên.
Đơn giản mà hiệu quả, Đài truyền hình Vĩnh Long đã góp một phần rất lớn khiến Bolero một lần nữa sống lại. Và bắt nguồn từ “Solo cùng Bolero”, VTV3 đang tiến hành thực hiện chương trình “Thần tượng Bolero”, hứa hẹn mang lại cơ hội và một không gian âm nhạc đa dạng cho những người yêu thích Bolero. Có thể nói, chưa bao giờ Bolero lại được “sủng ái” như thế, những Chế Linh, Duy Khánh, Phương Dung, … Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, … đã không còn lạc điệu giữa xô bồ phố thị.
“Nhạc sến” vẫn rất sang
Theo các tài liệu âm nhạc, Bolero bắt nguồn từ một loại nhạc khiêu vũ cổ điển của Tây Ban Nha. Khi du nhập vào Việt Nam trong khoảng những năm 1950, Bolero đã được chuyển hóa thành một thể thức mới với nhịp điệu chậm rãi, lặp lại, dặt dìu và dễ chịu hơn. Ngay lập tức, Bolero được ưa chuộng và mau chóng thịnh hành, đặc biệt là tại miền Nam. Vào giai đoạn rực rỡ 1960 – 1970, thậm chí người ta ví von có hơn một nửa ca sĩ tại miền Nam chỉ hát Bolero và phần còn lại dành cho các thể loại nhạc khác. Bolero đặc biệt ở chỗ phần lớn các ca khúc đều có câu chuyện rất riêng, chủ yếu là tâm sự chuyện lòng, các cảnh đời, nói lên nỗi u sầu về thân phận con người, … Cùng với giai điệu dễ nghe, chuộng chất giọng mượt mà, cách hát phóng khoáng không câu nệ nhiều kỹ thuật, Bolero đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống phố thị lẫn thôn quê. Bolero được hát khắp mọi nơi, từ phòng trà sang trọng, đến chiếu nhậu bình dân, từ dàn nhạc tối tân hay đơn giản là chỉ ngón tay gõ nhịp, … Bolero đã tạo nên một không gian âm nhạc rất đặc biệt và đầy xúc cảm.
Cùng với phong trào Tây học rộ lên ở miền Nam vào khoảng những năm 60 – 70, những tâm tình ướt át của Bolero bị một số người “tân thời” cho là “sến” và không được sang như những dòng nhạc “hàn lâm” khác. Đã có rất nhiều tranh cãi nổ ra giữa “sến” và “sang”, nhưng mặc kệ, Bolero vẫn hồn nhiên chiếm lĩnh vị trí đỉnh cao tại các phòng trà, sân khấu âm nhạc, kệ băng cassete, đĩa nhựa… thời bấy giờ Nhiều cái tên thành danh từ Bolero và trở nên bất hủ như Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Thanh Sơn hay thế hệ gần đây nhất là “ông hoàng nhạc sến” Vinh Sử.
Theo thời gian, từ “sến” không còn ý nghĩa miệt thị, hay phân biệt đối xử với Bolero. Giới trẻ cũng dần công bằng với nhạc sến, và gọi “sến” vì thói quen nhiều hơn là cho rằng nó “hạ cấp” một định nghĩa của Hoàng Phủ Ngọc Phan: “sến” là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới mức trung bình”. Nếu vậy, quả có chút khắc nghiệt khi gọi Bolero là nhạc sến. Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Vinh Sử – “ông hoàng nhạc sến” nêu ý kiến: “Quả thật, một người sống cả đời với Bolero như tôi khi thấy dòng nhạc máu thịt của mình sống lại thì vô cùng vui mừng và xúc động. Với tôi, sến hay sang không hề có nghĩa lý gì cả, mỗi dòng nhạc đều có vẻ đẹp riêng, cái hay riêng như mỗi loài hoa mỗi sức hút, mọi so sánh đều khập khiễng. Bolero cũng vậy, khi nào Bolero vẫn còn lay động lòng người, lúc đó nó vẫn còn sức sống”.
Khi hàng loạt các sân chơi truyền hình, sân khấu âm nhạc lựa chọn Bolero, khán giả đổ xô theo dõi, bình luận, khóc cười vì một nhạc phẩm một giọng ca, … khi các danh ca Bolero trở thành thần tượng, và thứ giai điệu mượt mà, dặt dìu vang lên khắp các ngóc ngách, … thì chính nhạc sến đã tự khẳng định mình vẫn rất hợp thời, vẫn rất sang. Giản dị như “Duyên kiếp”, bi kịch như “Màu tím hoa sim” hay ngọt ngào tình tứ như “Phải lòng con gái Bến Tre” … đều dễ nhớ, khó quên và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người mộ điệu. Bolero là thế.
Bền bỉ và lặng lẽ, Bolero đã vượt qua “hàm oan” lẫn bao nhiêu thăng trầm để tiếp tục trở thành liều thuốc xoa dịu những tâm hồn cần điểm tựa. Với nhiều người Bolero là hồi ức, nghe Bolero là kể lại câu chuyện đời mình … Một dòng nhạc ăn sâu vào tiềm thức, đồng cảm đến lạ lùng, khiến những người tưởng mình lầm lũi vẫn tự tin đứng trước ánh đèn sân khấu, những người tưởng mình đã quên bỗng nhiên thấy nhớ đến xác xơ, những người đã qua dường như trẻ lại, … thứ âm nhạc đạt đến độ rung cảm mạnh mẽ như thế dễ gì mai một.
HỒ NGỌC GIÀU/DDVN