Bốn doanh nhân giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba, trùm bất động sản Hứa Bổn Hoà hay người khai sinh ra chợ Bình Tây… là những doanh nhân Việt giàu có tiêu biểu tại Sài Gòn xưa.

Ông Trương Văn Bền

nhung-doanh-nhan-giau-co-bac-nhat-sai-gon-xua

Ông Trương Văn Bền (1883 – 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.

Những năm 1940, ông chuyển sang làm ngành xà bông, lập Công ty đường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5), lấy tên là Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam. Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.

Ở Sài Gòn vào những năm thập niên 40-50, nhãn hiệu Xà bông Cô Ba rất nổi tiếng, không có đối thủ trên thị trường nội địa. Khi ấy, hình ảnh bánh xà bông in hình người phụ nữ Việt đẹp phúc hậu trở thành thương hiệu đình đám khắp cả nước, nổi danh trong mấy thập niên liền, đủ sức đánh bật hàng loạt thương hiệu ngoại thời bấy giờ. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được dùng rộng rãi ở Lào, Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo và một số nước châu Phi.

Điều khá ấn tượng là vị doanh nhân này thành công trên thương trường nhưng lại không hề trải qua trường lớp (mặc dù ông có đi Pháp nhiều lần). Ông là một trong những người được đánh giá có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến.

Trong thương trường, ông Bền chủ trương luôn cải tiến chất lượng và sản phẩm phải hợp với túi tiền người tiêu dùng. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt, ăn xổi ở thì. Mặc dù có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn. Ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mỗi lần có dịp qua Pháp.

Sau 1975, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên Nhà máy xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của “Cô Ba” vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc.

Khi liên doanh với tập đoàn P&G, Nhà máy xà bông Việt Nam buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ. Chỉ xà bông Cô Ba được duy trì nhưng sau một thời gian cũng phải ngừng hoạt động. Mới đây, một doanh nghiệp đã chính thức sản xuất lại sản phẩm này, phân phối cả trong siêu thị lẫn các đại lý bên ngoài.

Trong ký sự một tháng ở Nam Kỳ, nhà văn Phạm Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông…”.

Hứa Bổn Hoà – Chú Hoả

bon-doanh-nhan-giau-co-bac-nhat-sai-gon-xua-1

Một phần dinh thự trong khuôn viên 4.000 m2 của Chú Hỏa nay là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Ảnh: Duy Trần.

Ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901) có tên tiếng Pháp là Jean Baptist Hua Bon Hoa, người gốc Minh Hương (người Hoa, có gốc gác từ triều Minh), tổ tiên sang định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Nhiều giai thoại kể lại rằng từ nghề ve chai, Chú Hỏa nhờ tài làm kinh tế đã tạo dựng cơ nghiệp với khối tài sản khổng lồ.

Ông cũng được mệnh danh là “trùm” bất động sản đất Nam Kỳ với hơn 20.000 căn nhà mặt tiền nằm khắp Sài Gòn – Gia Định xưa. Về độ giàu có của Chú Hỏa, người Sài Gòn xếp ông vào hàng thứ tư: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.

Những ngày cuối đời, ông ước nguyện có một căn nhà chung cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa thực hiện. Sau này, con cháu Chú Hỏa quyết định làm dinh thự này. Tòa nhà được xây năm 1929 và hoàn thành 5 năm sau đó do kiến trúc sư người Pháp tên Rivera thiết kế. Xây kiên cố hình chữ U, dinh thự có 4 tầng, mái lợp ngói âm dương, tường dày 40-60 cm được trang trí theo phong cách kiến trúc Đông – Tây kết hợp.

Dinh thự của chú Hỏa là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, điều cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Là sản phẩm của châu Âu nhưng thang máy lại được làm bằng gỗ, bên trong được bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan. Ngoài dinh này, gia đình Chú Hỏa còn xây khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Sài Gòn…

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển viết trong cuốn Sài Gòn năm xưa: “Hứa Bổn Hòa tuy giàu có nhưng không lấn át người khác, không nâng giá, bắt chẹt người mua, thuê nhà của mình. Gia đình có nhiều con cháu nhưng luôn hòa thuận, cùng làm việc sau đó chia lợi tức nên tài sản không sứt mẻ mà ngày càng đồ sộ. Hơn mười người con của chú Hỏa đều đi du học, nhiều người sau đó định cư ở nước ngoài.

Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa chuyển sang nước ngoài định cư, căn nhà được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Năm 1992, bảo tàng đi vào hoạt động và là nơi trưng bày của hơn 20.000 cổ vật của các thời kỳ. Bảo tàng cũng là địa điểm tổ chức các triển lãm lớn về mỹ thuật trong và ngoài nước. Hiện, nơi này mở cửa tất cả các ngày trong tuần cho khách du lịch tham quan. Trong bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật vốn là đồ dùng của gia đình Chú Hỏa.

Quách Diệm (Quách Đàm)

bon-doanh-nhan-giau-co-bac-nhat-sai-gon-xua-2

Quách Đàm, thương hiệu Thông Hiệp (1863 – 1927, theo ghi khắc tại bệ đá thờ ông trong hoa viên của chợ Lớn.

Ông Quách Diệm, tên thường gọi là Quách Đàm (chú Quách) sinh năm 1863-1927, vốn gốc là người Hoa. Nhiều giai thoại kể lại rằng, cũng từ nghề ve chai, chú Quách nhờ tài làm kinh tế (trải qua khá nhiều nghề như mua da trâu, vi cá sấu, sau đó chuyển qua kinh doanh nông sản, thực phẩm, chủ yếu là thu mua lúa gạo từ các tỉnh miền Tây mang lên) mà đã tạo dựng cơ nghiệp với khối tài sản khổng lồ.

Trong kinh doanh, chú Quách khôn khéo tránh va chạm quyền lợi trực tiếp, hoặc đối đầu với các thế lực khác, nhưng luôn làm chủ tình hình vượt lên chính các đối thủ nên chẳng mấy chốc nhờ tài ngoại giao chú đã được “nhà nước bảo hộ” dành cho đặc quyền mua, xuất khẩu lúa gạo. Khi đã có đặc quyền rồi, chú Quách phát huy lợi thế và trở thành một trùm buôn bán lúa gạo giàu có.

Khoảng năm 1920, khi chính quyền thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn nhận thấy ngôi Chợ Lớn cũ nằm ở chân cầu Chà Và quá cũ và chật chội, không đủ sức đáp ứng phát triển thương mại của cả một vùng nên muốn dời địa điểm. Chú Quách đã xin hiến đất và bỏ tiền ra xây ngôi chợ mới (với điều kiện là cho ông cất hai dãy phố lầu cặp theo hai hông chợ và đặt ngay cửa chợ một bức tượng đồng đúc hình Quách Đàm). Sau hai năm, chợ hoàn thành và đặt tên là chợ Bình Tây nhưng dân gian vẫn quen gọi là Chợ Lớn Mới.

Từ lúc xây xong chợ, công việc làm ăn của Quách Đàm ngày càng khấm khá, cùng với những xảo thuật kinh doanh chẳng mấy lúc đã đưa chú Quách trở nên giàu có bậc nhất đất Sài thành.

Mặc dù không được liệt kê vào danh sách “tứ đại cự phú” những năm đầu thế kỷ 20, nhưng Quách Đàm là một nhân vật đáng nể trong giới “máu mặt” Sài Gòn ngày đó, một người đi lên từ đôi tay trắng bằng sức lao động cần mẫn, kiên trì mà trở nên giàu có…

Ông Nguyễn Tấn Đời

bon-doanh-nhan-giau-co-bac-nhat-sai-gon-xua-3

Cuộc đời tỷ phú Nguyễn Tấn Đời được in thành sách.

Ông Nguyễn Tấn Đời sinh ra và lớn lên ở Châu Đốc (An Giang) trong một gia đình nông dân. Thời trẻ, Nguyễn Tấn Đời làm nghề buôn trâu, bò qua biên giới. Tuy vốn liếng không nhiều nhưng ông là người luôn giữ chữ tín trong làm ăn nên rất được giới thương lái Campuchia tín nhiệm. Vì thế Nguyễn Tấn Đời nhanh chóng tích luỹ một số vốn đáng kể và ông quyết định rời bỏ vùng biên giới quê hương cùng nghề buôn trâu để lên Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1954.

Từ một người không được học hành nhiều, không bằng cấp, Nguyễn Tấn Đời thành đạt theo cách người Mỹ gọi là “self made man” – con người tự đào tạo. Ông bắt đầu công việc kinh doanh từ chỗ thành lập hãng gạch bông Đời Tân và mau chóng vượt lên những đối thủ trong ngành gạch ngói.

Thành công với hãng gạch, ông Đời mua cả khu phố cạnh chợ Bến Thành để xây dựng nhà hàng Mai Loan cao 6 tầng, nổi tiếng sang trọng bậc nhất Sài thành với các tiện nghi lần đầu mới có ở Việt Nam thời bấy giờ như tủ lạnh, máy lạnh, máy nước nóng.

Thành đạt trong kinh doanh khách sạn và cho thuê mướn nhà, nhất là việc cho thuê Building President, Nguyễn Tấn Đời nhanh chóng trở thành một trong số những người giàu có nhất đất Sài Gòn và được gọi là “vua building”.

Sau đó, ông chuyển sang lĩnh vực ngân hàng và cũng trở thành “vua ngân hàng”. Trong một thời gian ngắn, ông thành lập mạng lưới Ngân hàng Tín Nghĩa có 32 chi nhánh ở khắp miền Nam. Tài khoản ký thác trong ngân hàng lên đến 30 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền ký thác của các ngân hàng tư khác chỉ khoảng 18 tỷ đồng.

Năm 1971, Nguyễn Tấn Đời tham gia chính trường với danh vị hạ nghị sĩ quốc hội, đơn vị tỉnh Kiên Giang. Sự lớn mạnh của Ngân hàng Tín Nghĩa, cũng như sự bành trướng thế lực của ông Đời đã gây khó chịu cho các đại gia, quan chức thời đó.

Năm 1974, các cơ sở của Ngân hàng Tín Nghĩa bị niêm phong, ông Đời bị ngồi tù tại Chí Hòa. Theo tin tức đăng tải công khai trên các báo xuất bản tại Sài Gòn thời điểm đó, ông Đời đã phạm vào các tội làm Ngân hàng Tín Nghĩa mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả cho khách hàng; cá nhân ông đã vi phạm việc huy động vốn và đầu tư, kinh doanh… Nhưng theo dư luận bên ngoài, thì ông bị các đối thủ hạ bệ.

Năm 1975, Nguyễn Tấn Đời được tha và lặng lẽ sang Canada định cư. Tại đây, ông mở một số nhà hàng Nhật và qua đời ở tuổi 70.

Hoài Thu

Leave a Reply