Bùa yêu kỳ bí xứ Mường

‘Nèm’ là một thứ bùa yêu của người Mường, khiến những đôi vợ chồng hục hặc đột nhiên trở lại êm ấm, thích một người là có cách để lấy.

Đến thị trấn Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) hỏi thầy bùa Hà Xuân Nhã thì ai cũng biết. Ông Nhã là người Mường gốc, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, dẻo dai. Ông Nhã vừa tiễn một vị khách ở tận Hà Nội đi ôtô về chơi. Theo lời kể của ông, người khách vừa đến là một ông bố có con trai vừa lấy vợ.

Chuyện lạ là mấy năm yêu nhau trước ngày cưới thì đôi nam nữ rất thuận hòa và yêu thương nhau. Nhưng không hiểu sao vừa cưới được một ngày thì cậu con trai đùng đùng bỏ ra ngoài thuê phòng trọ ở riêng một mình. Không tìm được nguyên nhân và cũng không cách nào giải quyết nổi, ông bố vốn làm kinh doanh đi nhiều nơi được bạn bè giới thiệu mới tìm lên nhờ cậy ông Nhã.

Sau khi dặn người bố mang lên một cái áo của cô con dâu và một cái áo của cậu con trai, ông Nhã lấy một củ gừng chà vào 2 chiếc áo rồi hà hơi làm phép. Ông bố mang áo về cho các con mặc và thật lạ lùng là chỉ một tuần sau, cậu con trai đã mang đồ đạc về đoàn tụ với gia đình. Từ đó, cứ mỗi lần có việc đi qua Tân Sơn là ông bố lại rẽ vào chơi và biếu quà cho người đã giúp ông hàn gắn hạnh phúc gia đình.

Ông Nhã cho biết ông bắt đầu học “nèm” từ năm 22 tuổi. Ông có 2 vị sư phụ là bà Hà Thị Nghi và Hà Thị Tám (bà Tám là vợ hai của bố ông Nhã). Hàng năm, bắt đầu từ mùng 1 cho đến mùng 10 Tết, ông Nhã cùng các học trò lại đến nhà sư phụ để nghe truyền dạy các khẩu quyết và cách thức “nèm”.

Đầu tiên phải nói được nguyên văn 10 câu thần chú mà không sai một từ, cứ thế học trong vài năm thì có thể “hạ sơn” để hành nghề. Ông Nhã tự nhận mình chỉ giỏi ở mức… trung bình, làm được những việc đơn giản, còn tuyệt kỹ thì phải kể đến bà Lam ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn; ông Hà Văn Phin ở xã Dịch Giáo (Tân Lạc, Hòa Bình) hay ông Minh ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). Nhưng ông cũng tự tin để nói rằng, bản thân ông từ lúc hành nghề cũng chưa bao giờ thất bại.


Ông Hà Xuân Nhã hà hơi, đọc khẩu quyết để làm “nèm”.

Ở thị trấn Tân Sơn, người Mường rất tin vào sức mạnh và sự hiệu nghiệm của “nèm”. Những người có khả năng làm “nèm” đều được mọi người trọng vọng, tin tưởng. Đổi lại, người làm nghề “nèm” phải luôn giữ được chữ tâm trong sáng nếu không sẽ bị quả báo nặng.

Một câu chuyện về thầy “nèm” Hà Văn Ty xảy ra chưa lâu và vẫn thành đề tài bàn tán của người dân Tân Sơn mỗi khi rảnh rỗi. Thầy Ty ở khu 4, thị trấn Tân Sơn có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu được bến đậu. Ông Ty đã quyết định “nèm” cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng, dù anh ta đã có gia đình.

Một thời gian sau ông Ty mất, cuộc đời cô con gái cũng từ đó bám chặt với người đàn ông có vợ kia, bất chấp gia đình anh ta phản đối, ngăn cấm. Nhiều người cho rằng đó là việc làm không có đức và rất nhiều người ở thị trấn đã chứng kiến thi thể của thầy Hà Văn Ty vẫn tươi nguyên dù sau mấy năm chôn cất. Vì thế gia đình thầy Ty lại phải chôn lại và cũng chưa biết ngày nào có thể cất mả được.

Nhà văn hóa Trần Hữu Nhàn cho rằng, “nèm” tồn tại được đến ngày hôm nay thì chứng tỏ bản thân nó phải chứa đựng một sức mạnh và bí ẩn kỳ diệu nào đó. Điều này rất mong một ngày nào đó sẽ được các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa mổ xẻ và giải mã.

Ông Trần Duy Thái – Trưởng phòng VHTTDL huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết: “Bản thân tôi tin chuyện “nèm” là hoàn toàn có thật. Ngay tại cơ quan tôi cũng có một nhân viên quê ở Phù Yên (Sơn La) mà người nhà của cậu ấy có thể làm được “nèm”.

“Nèm” thường chia làm hai loại, cứ tạm gọi là “tốt” và “xấu”, nhưng dân gian vẫn thường ủng hộ những người làm “nèm” mà mang lại điều tốt điều hay cho người khác và ngược lại lên án những ai “nèm” để đem lại tai họa, điều không lành cho bà con nhân dân. Tôi nghĩ rằng đây là một nét văn hóa rất đáng quý của người Mường và cần được bảo lưu, gìn giữ”.

Theo Dân Việt

Leave a Reply