Ca sĩ – diễn viên: Người ‘nhặt’ trăm ngàn, kẻ tiêu trăm triệu

Trong làng giải trí Việt Nam hiện nay thì không khó để nhận thấy sự chênh lệch đáng kể giữa nghiệp hát và nghiệp diễn.

Ca sĩ và diễn viên là hai nghề “anh em” trong ngành công nghiệp giải trí. Nếu nhìn ra thế giới thì hai nghề này luôn có sức hút và độ “hot” ngang bằng nhau với bằng chứng là vị trí của các diễn viên và ca sĩ trong lòng khán giả.

 

Tuy nhiên, trong làng giải trí Việt Nam hiện nay thì không khó để nhận thấy sự chênh lệch đáng kể giữa nghiệp hát và nghiệp diễn. Tình trạng các diễn viên đổ xô sang làm ca sĩ cũng là một trong những minh chứng nói lên sự khác biệt đẳng cấp giữa hai nghề vốn cùng chung ánh hào quang và cũng lắm thị phi này.

 

Sự trùng hợp ngẫu nhiên khi scandal hét giá cát- xê hơn 100 triệu của ca sĩ Mỹ Tâm xảy ra đúng lúc báo giới đang đưa tin về cuộc sống khốn khó của diễn viên Trần Hạnh khiến nhiều người thấy rõ hơn sự chênh lệch thu nhập giữa ca sĩ và diễn viên.

 

 

Người “nhặt”trăm ngàn, kẻ tiêu trăm triệu

 

Có lẽ có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi scandal hét giá cát-xê hơn 100 triệu đồng của ca sĩ Mỹ Tâm lại xảy ra đúng lúc công chúng cả nước đang quan tâm tới cuộc sống khốn khó của diễn viên, NSƯT Trần Hạnh.

 

Sự đối lập hình ảnh giữa một diễn viên ngoại bát tuần có hơn 50 năm trong nghề với bộ quần áo bạc màu trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ đồ đạc và một ca sĩ mới hơn 30 tuổi (đời và nghề) với nhà lầu, xe hơi, thu nhập một đêm diễn tính bằng con số vài chục triệu đồng làm mọi người chú ý hơn tới sự chênh lệch mức thu nhập, mức sống của hai nghề vốn được cho là có quan hệ “anh em” trong ngành giải trí.

 

“Việc chênh lệch thu nhập giữa ca sĩ và diễn viên không còn là chuyện lạ nữa. Tôi đã nhiều lần đi diễn chung sân khấu với ca sĩ và thấy rằng cát-xê của họ bao giờ cũng cao hơn chúng tôi rất nhiều.

 

Có những ca sĩ nổi tiếng, một đêm diễn họ chỉ hát vài ba bài nhưng được trả tới vài chục triệu đồng; trong khi đó một diễn viên xuất hiện trong suốt một vở kịch dài cũng chỉ được trả thù lao mấy trăm nghìn đồng.

 

Sự quan tâm của khán giả dành cho các ca sĩ cũng khác, họ càng nổi tiếng thì càng được săn đón. Đây là một thực tế mà nếu so sánh thì những người theo nghiệp diễn đều cảm thấy chạnh lòng”, diễn viên Hán Văn Tình chia sẻ.

 

Trên thực tế thì ở Việt Nam, ánh hào quang của môn nghệ thuật thứ bảy cũng kém sức hút hơn ánh hào quang trên sân khấu ca nhạc rất nhiều. Bằng chứng là ngày càng có nhiều diễn viên sẵn sàng từ bỏ nghiệp diễn để đi theo nghiệp ca hát, mặc dù họ rất có tài năng.

 

Khi mới chào làng điện ảnh, những diễn viên trẻ như “cá sấu chúa” Quỳnh Nga, Hoàng Thùy Linh, Minh Hằng, Phi Thanh Vân, Angela Phương Trinh… đều được cho là những diễn viên tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi ghi dấu ấn trong lòng công chúng ở một vài bộ phim thì họ lại quyết định rẽ lối sang ca hát. Khi được hỏi, ai cũng trả lời rằng vì theo đuổi đam mê nhưng rõ ràng, sức hút từ những thứ hào nhoáng được gắn mác hai từ “ca sĩ” thì không ai có thể phủ nhận.

 

Sự chênh lệch rõ ràng

 

Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, lớp trẻ lại ùn ùn kéo nhau đi làm ca sĩ chứ không phải là nghề diễn mà họ đã được đào tạo. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc thì nhan nhản mà các cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn xuất lại không thể nhiều hơn một. Ngoài những thị phi không tránh khỏi thì cái nghề được cho là “xướng ca vô loài” lại nằm trong top những nghề mang lại danh vọng nhiều nhất và nhanh nhất.

 

Có thể chỉ cần sau một cuộc thi ca hát, một bài hát “gây sốt” trên mạng là từ một người bình thường vô danh có thể trở thành một ngôi sao sáng giá, có hàng triệu người hâm mộ. Những hiện tượng ca sĩ trẻ mới đây như Bùi Anh Tuấn, Hương Tràm, Hương Giang Idol, Yasuy… chính là những minh chứng sống động cho sự nổi tiếng nhanh chóng này.

 

Bước ra từ những cuộc thi ca hát, họ có thể chỉ gây ấn tượng với khán giả bằng một bài hát như Bùi Anh Tuấn; hoàn cảnh gia đình như chàng trai dân tộc Yasuy hay câu chuyện chuyển giới như Hương Giang Idol.

 

Nhưng, họ đã được các phương tiện truyền thông săn đón, được xuất hiện ở các sự kiện lớn, nhỏ… với mức thù lao hấp dẫn. Quan trọng hơn, họ được hàng triệu khán giả biết mặt, biết tên; có những fan “cuồng” sẵn sàng bảo vệ thần tượng trong mọi hoàn cảnh.

 

 

Ngược lại, những diễn viên có thể thành danh sau một bộ phim lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Điều đơn giản là nghề diễn đòi hỏi một quá trình học tập, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm diễn xuất lâu dài và phải xuất hiện thật nhiều trên sóng truyền hình mới có thể khiến khán giả quen mặt được.

 

Hơn nữa, ở Việt Nam, thu nhập từ nghề đóng phim luôn bị cho là quá thấp. Tính trung bình mỗi tập phim truyền hình, cát-xê của diễn viên chính cao nhất cũng chỉ khoảng 5-10 triệu đồng, trong khi đó công sức mà họ bỏ ra cho mỗi tập phim như vậy thì không đơn giản như việc cầm míc trên sân khấu và cất giọng hát.

 

Ngoài việc mất thời gian học kịch bản, họ còn phải thức khuya, dậy sớm, ăn ngủ cả tuần trời với đoàn làm phim trong các bối cảnh khó khăn. Với dòng phim điện ảnh cũng vậy, mức thù lao mà các diễn viên nhận được cũng không quá được con số 80 triệu đồng.

 

“Đả nữ” Ngô Thanh Vân được cho là một trong những gương mặt sáng giá của dòng phim võ thuật. Tuy nhiên, với vai nữ chính trong bộ phim điện ảnh Dòng máu anh hùng, cô cũng chỉ nhận được 75 triệu đồng cát xê. Có lẽ vì mức cát-xê quá “bọt bèo” như thế mà thời gian gần đây ít thấy Ngô Thanh Vân xuất hiện trong các dự án điện ảnh. Thay vào đó, cô dành nhiều thời gian cho việc ca hát và đầu tư công ty âm nhạc.

 

Tham vọng trở thành ca sĩ của Phi Thanh Vân trở thành “thảm họa”.

 

 

Diễn viên thì phải “có tài”, ca sỹ chỉ cần “người đẹp”?

 

Quỳnh Nga, Phi Thanh Vân, Angela Phương Trinh… đều là những cái tên khá thành công khi đóng phim. Nhưng sự thành công lại không mỉm cười với họ ở lĩnh vực ca hát. Sau vai diễn Vũ Vũ ấn tượng trong bộ phim Lập trình cho trái tim, nhiều người kỳ vọng cá sấu chúa Quỳnh Nga sẽ trở thành một diễn viên triển vọng trong nền điện ảnh nước nhà nhưng cô lại thay đổi đột ngột và chọn “ca hát mới là sự nghiệp chính của tôi”.

 

Những tưởng con đường âm nhạc của Quỳnh Nga cũng rộng mở như con đường diễn xuất nhưng tới nay, đã gần năm năm rồi mà cô vẫn chỉ dừng lại ở hình ảnh “ca sĩ hội chợ”. Người ta thấy Quỳnh Nga xuất hiện nhiều ở các sự kiện giới thiệu sản phẩm, các hội chợ tỉnh lẻ… hơn là trên các sân khấu chuyên nghiệp.

 

Album hoành tráng từ số tiền mà cô dành dụm cộng thêm tiền bán đất mới đây cũng chỉ làm cho cái tên Quỳnh Nga nổi hơn một chút trong làng ca nhạc. Nhắc đến Quỳnh Nga, người ta vẫn phải đệm thêm biệt hiệu “cá sấu chúa” – biệt hiệu gắn liền với thời gian cô tham gia đóng Lập trình cho trái tim.

 

Cũng rẽ lối như Quỳnh Nga nhưng con đường âm nhạc của Phi Thanh Vân và Angela Phương Trinh lại thê thảm hơn rất nhiều. Khi nghe những sản phẩm âm nhạc của Phi Thanh Vân như Da nâu, Tâm hồn là vĩnh cửu…, ai cũng phải ngao ngán thốt nên rằng cô nàng có “vẻ đẹp phồn thực” này nên yên phận làm diễn viên hơn là “tra tấn” khán giả bằng giọng hát thảm họa của mình…

 

Giọng hát của Angela Phương Trinh thì không thảm họa như đàn chị Phi Thanh Vân nhưng việc thay đổi hình ảnh trong sáng, ngây thơ của cô diễn viên tài năng trong Mùi ngò gai, Bà mẹ nhí ngày nào, để hướng đến hình ảnh một cô ca sĩ sexy, nóng bỏng với những scandal ầm ĩ như cặp đại gia, khoe thân, phẫu thuật thẩm mỹ… lại khiến Phương Trinh mất quá nhiều điểm trong lòng khán giả.

 

“Việc lựa chọn ngành nghề nào để khẳng định chỗ đứng trong xã hội là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, sự lựa chọn phải dựa trên tài năng và chuyên môn. Nếu chỉ chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài mà gượng ép tài năng thì sẽ không dễ dàng đạt được thành công”, nghệ sĩ Hán Văn Tình cho ý kiến.

Theo Soha

Leave a Reply