“Đây là trách nhiệm của nhà quản lý chứ không phải bất cứ ai. Các nhà quản lý ở đâu mà không thấy chuyện này?” ca sĩ Ánh Tuyết.
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Nghệ thuật để nó phát triển tự nhiên thì sự sàng lọc cũng sẽ diễn ra tự nhiện. Vì nghệ thuật phát triển theo sự phát triển của xã hội. Tôi đặt câu hỏi ngược: Phải chăng vì chúng ta siết chặt không đều? Giống như trái bóng vậy. Bạn đừng bóp chặt, nó sẽ bung tròn tự nhiên. Nếu bạn cố bóp chặt, trái bóng sẽ có chỗ móp chỗ căng, và căng tới một lúc nào đó thì nổ tung.
Các nhà quản lý của chúng ta đã không nhìn nhận thẳng thắn hơn để âm nhạc bị siết quá. Khi anh chăm chú bên này vô tình lại thả lỏng bên kia.
“Nhạc Bolero” chỉ là cách gọi định chung cho dòng nhạc này. Về bản chất Bolero cũng chỉ là một tiết điệu, giống như bao tiết điệu khác: rumba, waltz, tango, slow, cha cha cha… Song điệu Bolero phù hợp với những câu chuyện bi ai trong đời sống của người Việt. Đặc biệt, âm nhạc miền Nam lại dung hoà với nhạc dân gian, dân ca của Việt Nam. Sự phối hợp này khiến Bolero gần gũi, gắn bó với mọi người Việt. Đó là điều tốt.
Trong quá trình phát triển hiện nay, tôi nghĩ nhà quản lý cần xem lại các nhà kinh doanh. Họ có nghĩ đến trách nhiệm với văn hoá – nghệ thuật không hay chỉ nghĩ làm sao cho thu về tốt hơn, kêu gọi tài trợ nhiều hơn? Âm nhạc hoàn toàn không có lỗi. Vậy thì thực trạng này do đâu mà ra?
Trong một thời gian dài, âm nhạc của giới trẻ đã phát triển những bài hát cóp nhái từ nước ngoài nhưng làm không tới nơi tới chốn. Chúng ta nối đuôi họ không được, giẫm đuôi họ cũng không xong nên công chúng cứ nản dần, chẳng biết nghe gì. Đùng một cái, Bolero bùng nổ trở lại. Khán giả dĩ nhiên “ôm” lấy Bolero để giải sầu một cách rất tự nhiên.
Hiện nay âm nhạc đang mất cân bằng. Tình trạng này rất đáng lo ngại. Không thể trách người nghe, cũng rất khó trách các nhà kinh doanh. Họ phải vì quyền lợi của mình trên hết. Đây là trách nhiệm của nhà quản lý chứ không phải bất cứ ai. Các nhà quản lý ở đâu mà không thấy chuyện này?
Ánh Tuyết quyết nói thẳng, không sợ bị “đập”. |
Chúng ta không chê bai Bolero. Bolero không có lỗi cũng chẳng có tội nhưng bị người làm sai, người định hướng sai. Họ mới là người có lỗi. Thật khó trách những ca sĩ đổ xô nhau hát Bolero. Hát nhạc khác không ai kêu show lấy gì sống? Không có nhà tổ chức nào làm, họ hát ở đâu? Giả sử họ không muốn hát Bolero nhưng vẫn phải hát vì nghề nghiệp, vì cuộc sống. Nghệ sĩ không giàu có đâu. Vài ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam giàu có thôi. Còn ca sĩ phòng trà rất nghèo, thậm chí đói. Những ca sĩ chạy show hàng đêm có khi hát một chỗ chỉ vài trăm nghìn thôi. Không hát thì lấy tiền đâu mà sống? Vậy thì buộc phải hát, phải theo nhà tổ chức.
Lúc Bolero trở lại, nhiều người rất vui vì dòng nhạc này bị siết đã lâu. Cái gì bị siết quá lâu khi được mở cũng sẽ bùng ra. Giống như xả lũ vậy. Bạn có 5 cái đập, nếu khéo điều phối thì xả lũ sẽ khác. Còn bạn xả một loạt thì chỉ có chết người thưởng thức. Âm nhạc nước nhà bây giờ cũng bị cuốn theo cơn lũ và đủ thứ hầm bà lằng trong đó. Người làm nghệ thuật chúng tôi cũng bị lệ thuộc vào đó.
Bolero là nhạc ai cũng hát được nhưng cần sự định hướng thế nào là hát đúng, hát hay. Không thể cứ não nề, sướt mướt, ủ ê mà vẫn cứ tán thưởng được! Người nghệ sĩ phải có hiểu biết để thể hiện đúng tính cách của bài hát cũng như đem đến cái thực sự gọi là văn hoá – nghệ thuật cho người nghe. Ở Việt Nam nghệ sĩ đói nhiều hơn nghệ sĩ giàu. Họ phải tìm mọi cách để ngoi lên nên bị “cơn lũ” cuốn trôi không hay. Họ càng không thể lội ngược dòng nếu không muốn “chết đuối”.
Tôi nói có thể gây mếch lòng nhưng là sự thật. Tôi đã buồn đau đáu từ xưa nay. Buồn lắm nhưng không nói được.
Hồ Quỳnh Hương: Hát bolero vì nợ lời hứa
Tôi nghĩ xu hướng nghe bolero mấy năm nay phát triển và phổ biến là bởi mọi thứ cởi mở hơn, quyền tự do của con người được trân trọng. Chính vì vậy người nghệ sĩ được quyền lựa chọn những cái gì mà họ thấy có nhu cầu. Với khán giả, khi có nhu cầu trở về với quá khứ, trở về với hoài niệm, người ta sẽ nghe bolero. Còn khi người ta muốn tìm đến cái gì mới thì người ta sẽ nghe âm nhạc mới. Tất cả mọi thứ vẫn phải cùng tồn tại, cùng phát triển và tôi nghĩ mọi thứ hãy cứ để nó tự nhiên.
Năm 2016 tôi có thực hiện album nhạc “Hương xưa” với các tình khúc bolero. Cũng có nhiều người thắc mắc thậm chí hỏi thẳng tôi rằng có phải vì “cơm áo gạo tiền” mà tôi chạy đua theo dòng nhạc này? Tôi đã trả lời rất thật rằng, tôi thực hiện sản phẩm âm nhạc giống như mình “nợ lời hứa” với bản thân và thực hiện nó cho khỏi day dứt.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. |
Vì thực lòng, những ngày đầu trước khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, những bản tình ca buồn bolero đã được tôi hát rất nhiều. Một phần tiền thù lao của tôi thủa trẻ là hát dòng nhạc này. Và ở thời điểm đó, tôi vẫn cứ ấp ủ khi nào mình có tiềm lực hãy thực hiện một album hát lại các ca khúc mình từng say sưa hát.
Với tôi, việc thực hiện album bolero chỉ giống như một món quà cho ký ức chứ tôi không có ý định chuyển sang chỉ hát nhạc bolero như nhiều người lầm tưởng. Tôi sẽ chỉ hát các ca khúc bolero với các chương trình phù hợp, với những đề nghị chân thành từ khán giả.
Tôi nghĩ rằng, mỗi dòng nhạc đều có nét đẹp và giá trị riêng. Là nghệ sĩ thì không thể khẳng định nghệ thuật của mình bằng cách phủ nhận nghệ thuật của người khác. Bản thân tôi nghe nhạc thính phòng vẫn thấy yêu, xem một vở nhạc kịch vẫn thấy thích, nghe dòng nhạc mới đầy mới mẻ, sáng tạo thấy khâm phục!
Mỗi ca sĩ theo đuổi dòng nhạc riêng của mình, nên nếu phát triển gì thì cứ phát triển, cần phải giữ gì thì cứ giữ. Mình hãy thật đẹp khi bên cạnh mình tồn tại cả những người khác nữa. Phải đẹp trên cùng cái đẹp của những người người khác nữa thì mới thật sự là đẹp.
Gia Bảo – Sơn Hà