Nếu mạng wifi nhà bạn có hiện tượng chồng chéo tín hiệu hoặc tín hiệu bị can nhiễu thì mở rộng phạm vi phát wifi sẽ là ý tưởng tuyệt vời để giải quyết vấn đề.
Mở rộng phạm vi phát wifi giúp bạn có thể phủ sóng toàn bộ góc ngách căn nhà mà bình thường không thể làm được với bộ phát chính trước đó. Nói một cách đơn giản, nó sẽ giúp cho thiết bị di động nằm trong vùng phủ sóng hiệu quả của điểm truy cập không dây hơn.
Nhưng trước hết, chúng ta cần làm rõ một số khái niệm liên quan sau:
Cầu nối và Điểm truy cập
Đây là hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Mặc dù đôi khi có thể dùng thay thế lẫn nhau nhưng cầu nối không dây (wireless bridge) và điểm truy cập không dây (wireless access point – WAP) không phải là một.
Các thiết bị không dây đôi khi được gọi là cầu nối bởi chúng hỗ trợ giao thức cầu nối mạng, nhưng về mặt kỹ thuật cách gọi này lại không chính xác. Đúng nhất phải gọi là điểm truy cập không dây hỗ trợ cầu nối mạng. Và thông tin mô tả dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.
Cầu nối
Cầu nối (bridge) là thiết bị hỗ trợ kết nối không dây của hai mạng riêng biệt. Chẳng hạn, bạn có một hệ thống giải trí tại gia và kết nối của bạn sẽ có dạng: Router > mạng Wi-Fi > WAP > Ethernet tới các thiết bị từ thiết bị cầu nối như TV, hệ thống chơi game, đầu phát Blu-ray hoặc các thiết bị kết nối khác.
Về cơ bản, điểm truy cập không dây (WAP) sẽ “bắt” tín hiệu và chuyển thể thông qua Ethernet để cung cấp kết nối “có dây” mới cho các thiết bị của bạn.
Điểm truy cập
Trái lại, điểm truy cập không dây lại cho phép kết nối không dây từ nhiều thiết bị khác nhau tới “hub” trung tâm (thường là router không dây).
Hiểu một cách đơn giản, router không dây là router kết nối bằng dây có điểm truy cập phủ sóng không dây. Bản thân router sẽ nhận dữ liệu đến và chuyển chúng tới một trong số các cổng của thiết bị. Điểm truy cập không dây cho phép bạn có thể truy cập vào cổng này mà không phải cắm dây vào router.
Lý do tại sao phải nói rõ như vậy bởi tất cả các router hiện đại đều có điểm truy cập nhưng không phải tất cả điểm truy cập lại là router, và không phải lúc nào cũng bắc cầu được. Chẳng hạn, bộ phát không dây có thể là điểm truy cập nhưng không phải là cầu nối. Hiểu được cách thức hoạt động của router sẽ giúp bạn xử ý vấn đề nhanh và chính xác hơn.
Và dưới đây chính là hai cách thức hữu hiệu để mở rộng phạm vi phát wi-fi tại gia đình.
1. Cầu nối không dây
Về cơ bản, cầu nối không dây chính là router này kết nối không dây với router khác. Các thiết bị riêng lẻ được kết nối tới các router này thông qua cáp Ethernet, nhưng hai router lại kết nối không dây với nhau. Khả năng đó giúp 2 router có thể hợp thành một, cho phép tất cả các thiết bị kết nối nằm trên cùng một mạng.
Từ đây, bạn có thể cấu hình theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn dùng kỹ thuật cầu nối có dây để mở rộng mạng bằng cách kết nối 2 router với nhau qua cáp Ethernet. Khi đó, một hoặc cả hai router đều có thể trở thành điểm truy cập không dây, hoặc đơn giản bạn có thể gắn các thiết bị vào cổng kết nối trên từng router.
Hiệu quả đạt được ở đây chính là chất lượng kết nối. Do các thiết bị được nối có dây với router nên tốc độ kết nối sẽ nhanh hơn, ổn định hơn và ít bị can nhiễu hơn Wi-Fi. Tuy nhiên, bạn sẽ phải sử dụng cáp nối nên sẽ lằng ngoằng một chút.
2. Bộ mở rộng không dây
Bộ mở rộng không dây (wireless extender) là thiết bị độc lập nhưng đôi khi một số router không dây cao cấp cũng hỗ trợ khả năng này.
Vấn đề gặp phải đối với 2 router không dây kết nối cùng mạng được gọi là “NAT trùng lặp”, có thể khiến một số chức năng hoạt động còn số khác thì không. Vậy nên, sử dụng bộ mở rộng không dây vẫn được xem là giải pháp nhanh gọn.
Cái lợi lớn nhất của bộ mở rộng không dây chính là không mất thời gian thiết lập, đi dây, tránh sự phức tạp không cần thiết. Các bộ mở rộng hiện đại được thiết kế theo kiểu cắm là chạy nên rất tiện dụng.
Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp này là nếu tín hiệu Wi-Fi yếu sẵn, nó sẽ càng yếu hơn khi phải di chuyển qua bộ mở rộng. Ngoài ra, sẽ có những “vùng chết” tín hiệu bởi bộ mở rộng sẽ không thu được tín hiệu ban đầu từ router tại các vùng này, và do vậy sẽ không có tín hiệu nào phát ra.
(Theo XHTT)