Một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tại Boston đã dùng những câu chuyện có thật về các sự kiện diễn ra trong quá khứ để dạy những người trẻ về lòng khoan dung.
Chương trình này có tên gọi “Đối mặt với lịch sử và chính chúng ta”. Có thể nói chương trình này gần như đã bao gộp tất cả những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong tương lai gần đây.
Vào tuần trước, hầu như toàn bộ truyền thông Hoa Kỳ đều đổ dồn về Rachel Dolezal – một người phụ nữ da trắng nhưng lại sống dưới lốt người da đen. Rồi trước đó nữa báo chí bao phủ bởi tin tức về công bố chuyển đổi giới tính của Caitlyn Jenner. Cả hai vụ việc đều trở thành những đề tài gây tranh cãi thu hút nhiều ý kiến của người Hoa Kỳ. Có những ý kiến hài hước cho rằng chủng tộc tuỳ thuộc vào quan niệm cá nhân của mỗi người. Nhưng rồi, vụ nổ súng ở Charleston đã trở thành một hồi chuông đánh thức cả xã hội Hoa Kỳ.
Vụ nổ súng giết người tại nhà thờ Emanuel AME xảy ra hôm thứ Tư vừa qua nhắc nhở cho chúng ta rằng khái niệm về chủng tộc của năm 2015 không còn đơn thuần chỉ là những ranh giới địa lý, hay một tộc người thiểu số. Chủng tộc – đặc biệt là với người Mỹ gốc châu Phi (African – American) – vẫn là một cụm từ mang ý nghĩa như một dấu hiệu để phân biệt trong xã hội. Hay nói cách khác, đôi khi “chủng tộc” trở thành mục tiêu của những tội ác.
Thượng nghị sĩ Rand Paul từng nói rằng trong xã hội chúng ta đang tồn tại một căn bệnh rất nguy hiểm. Đó là một căn bệnh về bạo lực và về tâm thần. Nhưng có một căn bệnh khác thậm chí còn nguy hiểm hơn chính là “thù ghét chủng tộc”. Căn bệnh này càng nguy hiểm hơn với một xã hội mà việc sở hữu súng được xem là hợp pháp. Vụ nổ súng tại Charleston bắt nguồn từ một truyền thống đầy bạo lực chống người da đen, đó cũng là một phần của lịch sử không thể chối bỏ của Hoa Kỳ. Trong quá khứ đã xảy ra quá nhiều sự kiện đau đớn liên quan đến hai chữ “chủng tộc” mà cho đến nay nhiều người Mỹ vẫn tránh nhắc đến. Những vụ đánh bom các nhà thời trong thời đại dân quyền nửa thế kỷ trước; những vụ treo cổ, giết người, đánh bom, bạo động, và hãm hiếp đã trở thành những “cánh tay thực thi pháp luật” của một luật mang tên gọi “phân biệt chủng tộc”. Những người bị thiệt mạng trong vụ nổ súng ở Charleston đã không còn ngày mai nữa. Nhưng chúng ta, những người còn sống ngày hôm nay đang phải đối mặt với quá khứ hôm qua và cả một tương lai dài phía trước. Liệu xã hội chúng ta có thể xoá bỏ được cái ý nghĩa xấu xa của hai chữ “chủng tộc” hay không?
Linh Lan (Theo CNN.com)