Trước khi rời phòng Bầu dục, Tạ Di Đan đề nghị Tổng thống Obama đấm nắm tay và được ông vui vẻ đáp lại.
Ngay lúc đó, cậu biết rằng người đàn ông quyền lực này cũng như một người bạn mà các thanh thiếu niên có thể tìm đến khi cần giúp đỡ.
Tạ Di Đan (thứ 6 từ trái sang) và đoàn hướng đạo sinh chụp ảnh trước Nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: NVCC |
Buổi sáng đầu tháng ba, các hướng đạo sinh ăn sáng ở Nhà Quốc hội Mỹ và chia sẻ với nhau về niềm háo hức khi họ sắp được đặt chân vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Obama. Dĩ nhiên đến thăm Nhà Trắng không giống như cuộc đi chơi thường ngày của họ.
Trước khi lên đường đến Washington, mẹ của Đan đã cẩn thận chuẩn bị cho con trai hai chiếc áo đồng phục Hướng đạo mới, dù cậu nhất định mặc chiếc sơmi cũ gắn bó bấy lâu. Bà bảo rằng cậu bé sẽ gặp mặt tổng thống nên cần phải trông bảnh bao, chỉnh tề một chút.
Dù không tránh khỏi hồi hộp nhưng thực sự trong thâm tâm, Đan nghĩ rằng chắc ông Obama cũng không khác gì nhiều so với những quan chức chính quyền cậu có vinh hạnh gặp gỡ những ngày qua ở quốc hội hay tòa án tối cao.
Suy nghĩ này của Đan hoàn toàn thay đổi khi cánh cửa Phòng Bầu dục mở ra. Nhà lãnh đạo cao lớn đứng trước mặt cậu, cười rất tươi và cúi xuống chào hướng đạo sinh 8 tuổi tên Sean ngồi trên chiếc xe lăn mà Đan đang đẩy. Ông bắt tay Sean rồi bắt tay Đan.
Giây phút đó với cậu thật khó diễn tả. “Wow, mình đang gặp người đàn ông quyền lực nhất thế giới”, Đan nghĩ.
“Em thấy mình thật may mắn khi được gặp ông Obama, người nắm trong tay số phận và vai trò lãnh đạo cường quốc này”, Đan chia sẻ vớiVnExpress. “Và em tự hào là người Mỹ gốcViệt đầu tiên đại diện cho Hội Nam Hướng đạo (BSA) có mặt ở đó”.
Giống như các tổng thống trước, ông Obama là chủ tịch danh dự của BSA, tổ chức thanh thiếu niên lớn nhất nước Mỹ hiện đã 106 tuổi. Đan cho hay ông Obama dường như biết rõ từng thành viên trong đoàn hướng đạo sinh xuất sắc gồm 10 người, đại diện cho BSA toàn quốc trao bản phúc trình thường niên lên tổng thống.
“Ông ấy được cung cấp tiểu sử của từng thành viên nhưng thật ngạc nhiên là ông ấy đã đọc chúng và nhắc đến các chi tiết đó khi trò chuyện. Ông ấy làm chúng em cảm thấy mình thật đặc biệt”, Đan kể.
Tạ Di Đan (ngoài cùng bên phải) và đoàn hướng đạo sinh trao bản phúc trình thường niên lên Tổng thống Obama. Ảnh: NVCC |
Câu chuyện giữa tổng thống và các thanh thiếu niên trong 10 phút xoay quanh các hoạt động của BSA. Những lời khen của ông dành cho các hướng đạo sinh như Đan, những nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ, khiến cậu bé càng thấy ý nghĩa khi được là một hướng đạo sinh.
Trước khi rời khỏi Phòng Bầu dục, Đan mạnh dạn đề nghị tổng thống đấm nắm tay và ông bất ngờ đáp lại một cách vui vẻ.
“Việc ông ấy đấm nắm tay với em khiến em tự tin hơn. Nếu Tổng thống Obama có thể trao em một cái đấm nắm tay thân thiện như thế thì các lãnh đạo khác cũng có thể”, Đan nói. “Em hy vọng hành động này sẽ giúp thanh thiếu niên nhận ra rằng các nhà lãnh đạo cũng giống như chúng ta, là cha mẹ, là chú bác, là bạn bè, những người mà chúng ta có thể tìm đến khi cần giúp đỡ. Chúng ta kính trọng và quan tâm đến họ vì họ cũng quan tâm đến chúng ta”.
Chuyến đi 6 ngày ở Washington, được tiếp xúc trực tiếp với những nhà quyết sách của Mỹ là một trải nghiệm quý giá đối với cậu bé 16 tuổi. Nhớ lại cuộc gặp sau hơn một tháng, Đan vẫn còn bồi hồi.
“Em nhận ra không phải ai cũng có thể trở thành tổng thống. Em từng nhìn thấy những bức ảnh chụp thượng nghị sĩ Obama với mái tóc đen và gương mặt rất trẻ. Chỉ 7 năm sau khi trở thành tổng thống, khi đứng ngay gần ông, em nhận ông ấy như già đi tới 20 tuổi, đầu tóc lốm đốm bạc và gương mặt xuất hiện những nếp nhăn”, Đan nói. “Đó là do ông ấy phải đối mặt với áp lực khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng không chỉ tới nước Mỹ mà còn cả thế giới. Thu nhập của ông ấy không cao như nhiều người em biết nhưng ông ấy sẽ để lại cho các thế hệ sau một di sản vô giá. Em cảm thấy kính trọng tổng thống hơn và được truyền thật nhiều cảm hứng”.
Đan từng có cơ hội về Việt Nam, thăm ông bà và họ hàng ở Bến Tre. Tại đây, em đã được chứng kiến họ nhặt vỏ dừa để đốt lên nấu cơm do không có bếp ga, điều mà em chưa bao giờ nhìn thấy ở Mỹ.
“Dù không thể hiểu hết những khó khăn mà mọi người đã trải qua nhưng em rất muốn giúp đỡ họ. Tinh thần hướng đạo nhắc nhở em trở thành một người tốt, đóng góp cho xã hội và trên tất cả là trở thành một nhà lãnh đạo tốt”, Đan nói.
Đan cho rằng thanh thiếu niên Mỹ có lợi thế khi tại nước này có rất nhiều hội đoàn như Hội Hướng đạo để học hỏi và rèn luyện các kỹ năng, từ đó xây dựng tính tự lập, tự tin và khát khao cống hiến. Cậu đã giành được 33 phù hiệu về các kỹ năng sống như diễn thuyết, quản lý tài chính, luật, kỹ thuật, bơi lội… Ngoài ra, Đan còn tham gia Thiếu sinh Hải quân Mỹ, có bằng lái thuyền và máy bay.
Di Đan trong chuyến thăm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Washington. Ảnh: NVCC |
Theo Đan, thanh thiếu niên Mỹ cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và suy nghĩ đối lập, khiến tâm hồn họ rộng mở hơn, không e ngại thất bại để thử nghiệm những điều mới mẻ. Nhờ trải nghiệm, họ vượt lên trên nhiều bạn bè cùng trang lứa trên thế giới trong tiến trình toàn cầu hóa.
“Em may mắn được lớn lên trong một gia đình gốc Việt. Cha mẹ đã giúp em phát huy những đức tính đáng quý của người Việt là cần cù, chăm học hỏi và biết kính trọng người lớn tuổi. Đồng thời em cũng có được tự do để sáng tạo trong suy nghĩ, được khuyến khích hỏi đáp và có nhiều cơ hội để theo đuổi”, Đan nói.
Đan vẫn nhớ một trong những hoạt động thú vị nhất trong chuyến đi Washington là đến thăm Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên, được sờ tận tay những bộ xương người tuổi đời hàng trăm năm.
“Thông qua đó, em biết được loài người đã tiến hóa và phát triển như thế nào trên thế giới. Em cũng hiểu rằng cuộc sống rất ngắn ngủi, rồi một ngày, chúng ta sẽ trở thành những mảnh xương kia”, Đan nói. “Nhưng như cha em vẫn nói, cuộc sống này rất ngắn vì thế hãy để lại những điều tốt đẹp trước khi ra đi”.
Đan cho hay hiện giờ em chỉ có một điều hối tiếc là chưa giỏi tiếng Việt. “Mẹ nói rằng khi nào có cơ hội sẽ đưa em trở lại Việt Nam để được sử dụng tiếng Việt nhiều hơn. Em mong ngày đó sẽ sớm đến”, Đan nói.
Anh Ngọc