Câu chuyện cảnh sát trưởng gốc Việt đầu tiên ở thành phố San Jose

Cali Today News – Đối với cậu bé 7-8 tuổi thì những ngày cuối tháng tư năm 1975 là mảnh ký ức kinh hoàng.

Cô chú, 4 người trong gia đình đã dẫn cậu bé lên sân thượng một toà nhà, chờ trực trăng Mỹ tới đón. Đông người tại đây, mọi người được xé ra thành từng nhóm nhỏ, họ lật bàn ghế che chắn, chờ đợi cả đêm dài trong bất an, hãi sợ. Bên dưới, Sài Gòn hỗn loạn, tiếng súng nổ đó đây.

42 năm sau, cậu bé ngày nào giờ đã trở thành Chỉ huy Trưởng lực lượng Cảnh sát, Cứu hoả và Cứu thương khẩn cấp hay còn gọi là Sở An toàn Công cộng thành phố Sunnyvale. Hành trình tới Mỹ ngày nào chưa bao giờ phai trong tâm trí anh.

Tôi có dịp trò chuyện với Phan Ngô vào một buổi chiều tại văn phòng mới của anh ở Sunnyvale. Chuyện một cảnh sát trưởng nhậm chức là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng Cảnh sát trưởng gốc Việt đầu tiên ở Mỹ thì chắn chắn là “chuyện lớn” nếu nhìn vào con số khiêm tốn của cộng đồng người Việt tị nạn.

Câu chuyện của chúng tôi nêm chặt những ký ức.

Phan chưa bao giờ nhìn thấy mặt cha, người y sĩ Việt Nam Cộng hoà hy sinh khi anh vừa mới chào đời. Anh lớn lên bằng tình thương yêu và bảo bọc của ông bà nội và các cô chú. Sự biết ơn, trân trọng của anh đối với gia đình lớn hàm chứa trong từng câu, từng chữ khi anh nhắc về họ. Có rất ít người hiểu tại sao Phan rất cẩn thận lời ăn, tiếng nói, và cả cách hành xử, ở anh luôn có sự đúng mực, chỉ bởi vì, “Từ nhỏ, tôi đã không muốn người khác nghĩ vì tôi là đứa con không cha,” anh giãi bày.
Đối với cậu bé Phan, tháng đầu tiên khi từ Arkansas chuyển tới San Francisco chung sống với gia đình bảo trợ là quãng thời gian tươi đẹp nhất. Nhưng chẳng bao lâu sau thì họ phải đối diện với thực tế cuộc sống của những người tị nạn chân ướt chân ráo. Gia đình anh sinh sống trong khu vực đường Franklin và Mission đầy tệ nạn xã hội. Sau đó, họ dọn về Mountain View, lúc này mọi việc mới dễ thở vì gần khu Á châu hơn. Mặc dù phải gồng mình mỗi ngày đến lớp vì luôn bị bắt nạt do màu da sắc tộc nhưng cậu bé Phan vẫn nhiều phấn khích “Vì dễ kiếm bạn gái hơn!” Phan cười lớn.

Đối với anh, đoạn đời đó giống một cuộc phiêu lưu trộn lẫn hồi hộp, phấn khích và hãi sợ nhưng đã giúp anh rèn bản lãnh cứng rắn và không chịu lùi bước. Phan luôn tin vào bản thân cũng như người thân tin vào anh vậy. “Tất cả mọi đứa trẻ cần có một người lớn đặt niềm tin vào chúng, điều này đem lại sức mạnh lớn hơn bất cứ thứ gì,” Phan chia sẻ khi tôi hỏi điều gì đã giúp anh bước đến được vị trí hôm nay.

Hơn 27 năm gắn bó với lực lượng thực thi công lực, khó ai có thể hình dung con đường anh đến với nghề cảnh sát. Cũng giống như các bậc phụ huynh Việt Nam điển hình, cô chú của Phan muốn cháu mình trở thành bác sĩ, nha sĩ, hay luật sư trong khi nghề cảnh sát lại bị xem thường. Anh được UC Davis nhận nhưng bí mật xé thư, nói xạo với họ mình không được nhận để có thể theo học ngành Criminal Justice tại Đại học San Jose State. Phan ban đầu chỉ vì tò mò vì lúc bấy giờ cảnh sát gốc Việt rất hiếm, hơn nữa anh lại là người khá nhút nhát. Nhưng khi vào nghề, anh bị “hút hồn” lúc nào không hay do bản tính thích “giải quyết vấn đề” bên cạnh việc được học hỏi, gặp gỡ và giúp đỡ nhiều người. Từ một cảnh sát tuần cảnh, đến thám tử điều tra cướp giật, đàm phán con tin, lực lượng đặc nhiệm chống băng đảng, … anh đều đã trải qua cho đến khi lên Phó Cảnh sát trưởng phụ trách bốn Ban quan trọng (Investigation, Field Operation, Technical Service, Administration) trong Sở Cảnh sát thành phố San Jose nơi có hơn 1 triệu dân và từng được xem là một trong những thành phố an toàn nhất nước Mỹ.

Có lẽ vụ án ám ảnh nhất xảy ra vào năm 1995, lúc này anh chưa tham gia điều tra, chỉ đóng vai trò thông dịch viên. Một người phụ nữ gốc Việt cùng con 6 tuổi bị sát hại trong căn chung cư ở khu Đông San Jose. Cảnh tượng tại hiện trường máu me đầy bạo lực cứ bám chặt lấy tâm trí anh trong khi vụ án “máu lạnh” nằm yên nhiều năm trời vì không tìm ra manh mối. Suốt hơn 20 năm, Phan vẫn để mắt tới hồ sơ này, và anh đã làm việc với nhiều thám tử khác nhau, thúc đẩy việc điều tra, cuối cùng nhà chức trách cũng tìm ra nghi can, trả lại công bằng cho gia đình nạn nhân. Đến lúc đó Phan mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Đối với Phan, giữ vị trí Chỉ huy trưởng lực lượng an toàn công cộng thành phố Sunnyvale không phải “chuyện lớn” mà là một thách thức. Tuy thành phố nhỏ hơn, ít vấn đề về an ninh hơn nhưng anh chưa có kinh nghiệm về cứu hoả và cứu thương khẩn cấp. “Tôi phải xắn tay áo lên học hỏi,” anh thổ lộ.

Dẫu đã rời xa nơi gắn bó 27 năm, rời xa cộng đồng gốc Việt tương đối “phức tạp, bảo thủ” nhưng “phát triển, chịu khó, đa dạng ý tưởng, chuẩn mực xã hội và có tiếng nói chính trị rất mạnh,” Phan vẫn dõi mắt về San Jose. Anh nhớ con người, đồng nghiệp, nhớ những mối quan hệ, nhớ nơi chốn, và không quên nhắc nhở các bậc phụ huynh nên để mắt tới con cái vì “trẻ nhỏ ngày nay quá dễ trượt vào con đường băng đảng.”

Phan không nghĩ nhiều về “chuyện lớn” hay “chuyện nhỏ” nhưng chưa bao giờ thôi tự hào mình là người gốc Việt. Anh ý thức được con đường mình đi đến ngày hôm nay chẳng dễ dàng gì vì nhiều rào cản đối với cảnh sát Á châu hay bất cứ trong ngành nghề nào vẫn còn đó mặc dù chẳng ai thừa nhận. Nhưng anh luôn tâm niệm, dù ở trong hoàn cảnh nào, vị trí nào cũng luôn luôn làm việc hiệu quả, nghiêm túc, chính trực, lạc quan và không bỏ cuộc.

Mặc dù tỏ ra rất nhẹ khi nói về bản thân nhưng tôi cảm nhận được niềm đam mê công việc, tham vọng của anh. Sẽ còn nhiều điều ở phía trước, như anh nói, “mỗi người đều có số mạng, trách nhiệm riêng.”

Câu hỏi cuối cùng trước khi tôi chào tạm biệt vị Cảnh sát trưởng, “Trong suốt câu chuyện hôm nay, không thấy anh nhắc đến mẹ? Phan đáp, “Tôi được gia đình bên nội nuôi từ bé nên không nhắc đến mẹ vì không muốn các cô chú, những người không có công sanh nhưng có công dưỡng, buồn!”

Chia tay Phan, tôi xin mạn phép “nhiều chuyện,” hy vọng mẹ của anh dù ở phương trời nào, vô tình đọc báo sẽ nhận ra và hãnh diện về con trai.

Cuối cùng, phải mất một thời gian tôi mới đặt bút viết bài này vì muốn dành tặng linh hồn người y sĩ VNCH đã khuất. Tôi tin, mỗi một viên gạch cộng đồng gốc Việt xây nên đều nhờ động lực vô hình từ những người đi trước, những chiến sĩ VNCH đã xả thân. Vào những ngày cuối tháng tư, xin dành lời tri ân cho những người còn sống cũng như những người đã khuất, những người đã góp tay xây dựng một cộng đồng tị nạn gốc Việt vững mạnh.

Hương Giang

Leave a Reply