Chuyện của 4 anh em sinh tư cùng được nhận vào Harvard và Yale

Từ trái, Zach, Aaron, Nigel và Nick Wade tại trường trung học Lakota East High School. (Hình: AP/Photo)

OHIO – Trong thời buổi xin được học bổng vào đại học là điều khó khăn, mà lại được đại học danh tiếng nhận vào gần như là điều vô cùng hiếm hoi. Nhưng cả 4 anh em sinh tư từ trường trung học Lakota East ở Ohio vừa được cả hai đại học Yale và Harvard nhận đơn vào cuối tháng Ba vừa qua.

Tỉ lệ nhận sinh viên mới của hai trường này đều ở dưới 10%, Harvard nhận 2,056 trong số 39,000 đơn (5.3%) và Yale nhận 2,272 trong số 32,000 đơn (7.1%).

Đó là bốn anh em sinh tư nhà họ Wade, có tên Zach, Aaron, Nigel và Nick Wade. High School.

Cha của các em, Darrin Wade, một ‘kiến trúc sư’ về lập trình cho General Electric, người được mệnh danh là “bố của bộ tứ,” nói rằng thành quả của các con ông không có bí mật cả: “Họ không có sự lựa chọn chỉ sàn sàn bậc trung.”

Dưới đây là câu chuyện xin vào đại học rất hi hữu này của bốn anh em nhà họ Wade, được ký giả Anemona Hartocollis của tờ New York Times tường trình hôm 6 tháng Tư vừa qua.

* Nộp đơn tập thể, một chiến thuật ăn tiền

Một ngày kia Nick Wade chợt nẩy ra ý tưởng viết về thân phận một người sinh tư. Nghĩ vậy, Nick vào phòng chat của “College Confidential,” một trang mạng tư vấn đại học. Tại đây, học sinh đang chuẩn bị xin vào đại học bàn luận về viết bài luận văn nộp kèm theo đơn xin học, Nick hỏi ý kiến mọi người là đây có phải một đề tài hay hay không.

Một chuyên gia tư vấn đại học, Christopher Hunt, để ý câu hỏi của Nick, trả lời: “Đương nhiên là đề hay rồi.” Nhưng ông Hunt, một cựu phóng viên hiện đang sống tại Boulder, Colorado, cho Nick một số lời khuyên. “Đề tài thì tốt đấy, nhưng không chỉ viết vỏn vẹn chỉ “bạn biết không, tôi là một trẻ sinh tư, mà phải giải thích cho độc giả hiểu, điều đó đã ảnh hưởng đến cuộc đời bạn như thế nào.”

Thế là Nick nghe lời khuyên của Christopher Hunt, và cả ba người anh em sinh tư của Nick nữa. Và họ đã trúng mối.

Cả bốn anh em theo học tại một trường trung học ở ngoại ô Cincinnati, vừa mới được các trường Harvard và Yale, hai đại học trong nhóm hàng đầu nhận vào học.
Như những người sinh đôi, sinh ba, sinh tư khác, anh em họ Wade phải bỏ ra nhiều nỗ lực để cố gắng phát triển mang tính cá nhân. Nhưng đến giai đoạn nộp đơn vào đại học, họ hành xử khác, nộp đơn cùng nhau. Thoạt đầu, họ định viết chung một bài luận văn, nhưng sau đó quyết định mỗi người sẽ viết một bài luận kể tỉ mỉ về kinh nghiệm sống của một người sinh tư.

Trong giải pháp thông minh “đột xuất” này bốn anh em viết những bài luận văn đọc riêng cũng đã đủ nghĩa, nhưng được viết theo kiểu khi gộp lại đọc chung với nhau, sẽ hay hơn nhiều, và ăn khớp như những bốn mảnh của một câu đố. Mỗi bài luận tự nó đều quyến rũ, chinh phục được tuyển sinh, nhưng khi đọc chung thì hay hơn bội phần, và giới tuyển sinh ở các trường đại học đều cùng ý nghĩ là họ không muốn bốn anh em nhà Wade phải chia tay khi lên đại học.

Hãy đọc qua những bài luận ăn tiền của các em.

Bài luận văn của Nick bắt đầu:

‘Wade. Wade. Wade. Wade!” Huấn luyện viên đá banh hô tên họ của tụi tôi 4 lần như thế khi ông điểm danh với một tốc độ chóng mặt. ‘Có mặt’ chúng tôi đồng thanh hét lên.”

Cả đội banh cười như vỡ chợ. Mỗi ngày, huấn luyện viên đều đùa như thế. Và mỗi ngày, cả đội banh đều cười ầm lên như đó là điều buồn cười nhất thế giới. Tôi chẳng bao giờ thấy điều đó buồn cười, nhưng vẫn cười theo, như để lừa mọi người rằng có chung một cái họ với ba anh em, ra đời chỉ cách nhau khoảng mười phút, là điều ngộ nghĩnh nhất trên đời, chứ không phải là điều mà tôi đã phải phấn đấu cả đời để làm quen, chấp nhận…”

… Chẳng ai gọi tôi bằng cái tên Nick, mà họ nói: “một trong những anh em nhà họ Wade…” Hay họ hỏi: “Em là cậu Wade nào vậy?” Người ta không nghĩ đến tôi như một cá nhân mà là một phần của một tập hợp…”

Bài của Aaron:

“Cái gì đó, Nigel?” Tôi cúi đầu và liếc mắt vào cái bàn trống của Nigel. Hôm nay Nigel nghỉ học vì bệnh. Nhận ra mình đã lầm, cô giáo cười một cách ngượng ngùng, “mấy em trong giống y chang nhau.” Cô nói, “chẳng đời nào tôi có thể phân biệt em nào với em nào.”

“Em đeo niềng răng,” Tôi cười cái cười hơi lạnh. “Nick và Nigel keo kính cận. Còn Jack thì cao nhất.”

“Giải thích thế nào thì cũng vậy thôi. Bốn đứa chúng tôi có cùng một khuôn mặt.”

“Nhưng kể ra thì sinh tư cũng có cái lợi. Nghĩ đến chúng tôi, người ta lập tức nhắc đến “anh em nhà họ Wade.” Và họ nghĩ chúng tôi là những chuyên gia về việc dùng chung mọi thứ.
Cùng sinh nhật. Cũng phòng ngủ. Cùng một chiếc xe Toyota Camry 2006. Quan trọng hơn, Nick, Nigel, Zach và tôi cùng chia sẻ một phấn đấu là muốn mọi người thấy sự cá biệt của mình…”

Bài của Nigel:

“0.00000125%. Đó là xác suất mà mẹ tôi sẽ sinh tư.

100%. Là xác suất mà người đàn bà đang bước về phía chúng tôi và sẽ làm tôi thấy cảm thấy mình như một con cừu đen (black sheep – một thành viên khác biệt trong một tập thể).

Người đàn bà ấy quay qua nói chuyện với Aaron trước, “mẹ em bảo em đánh piano y như Beethoven vậy, và em đã sáng tác ba bản nhạc.” Rồi bà đối mặt với Nicholas, “còn em thì sắp đi Morocco để học tiếng Ả Rập!” Bà ta nhìn Zachary bằng một cái nhìn như đánh giá, “Giờ thì tôi hiểu tại sao em đoạt giải nhì về tranh luận trong học khu.” Cuối cùng bà ấy nhìn tôi: “Nigel,” rồi bà ngập ngừng… “rất vui được gặp em…”

“Tôi không trách bà ấy tí nào cả. Thực đấy. Tôi đã quá quen với việc bị so sánh với ba anh em…”

Và cuối cùng, bài luận của Zach bắt đầu:

“Thay cái áo khác đi,” Tôi nói. (Zach và Aaron cùng vào bàn ăn sáng mặc hai cái áo giống hệt nhau).”

“Aaron nhìn qua bàn ăn, qua cả tô cereal của tôi, và chăm chú nhìn vào cái áo T-Shirt trắng đen của Lakota East Highschool. Aaron thở dài, và bước lên lầu để tìm một cái áo khác.”

“Một số người thích là người sinh đôi, vì lúc nào mình cũng có một người bạn, nhưng khi bạn sinh tư thì nó khác. Thầy cô luôn luôn gọi tôi bằng tên của anh/em tôi, ngay cả sau khi đã khai giảng cả tháng. Cuối cùng, thay vì phải cố gắng học tên chúng tôi, thì họ chỉ đơn giản gọi tất cả chúng tôi là “Mr. Wade.” Học tên chúng tôi là điều đòi hỏi quá đáng chăng? Vì chúng tôi sinh tư, chắc vậy!”

* Có chiến thuật nhưng cũng phải giỏi

“Đó không phải là một chiến thuật dễ thực hiện,” Aaron, một nhạc sĩ muốn học ngành trí tuệ nhân tạo. “Cách viết của chúng tôi là thiết lập danh tính mình như một trong những người sinh tư, rồi sau đó, viết về những điểm riêng của mình,” Aaron nói. Tôi nghĩ rằng cách này củng cố cảm nhận của người ta. Khát vọng cá nhân và mục tiêu của từng người khiến chúng tôi làm nổi bật con người riêng của mình, bên cạnh tính cách của một anh em sinh tư.”

Bốn anh em Wade ra đời qua thủ tục hỗ trợ sinh sản (fertility babies), một thành phần ngày càng tăng của lứa tuổi đại học. Vì vậy, có lẽ sau này giới tuyển sinh sẽ chán đọc về những bài luận tương tự, nhưng ngay bây giờ, đây vẫn là những điều khá mới mẻ, trong trường hợp anh em nhà Wades, một phần vì họ sinh tư, phần khác vì cha mẹ họ đã nuôi dậy được bốn đứa con trai có thành tích rất cao.

Thành tích cao của họ không phải tự nhiên mà có, các em cho biết. Thuở ấu thơ, cha các em, Darrin Wade, một kiến trúc sư về lập trình cho General Electric, trừng phạt những em vi phạm kỷ luật bằng cách bắt phải tập thể dục bằng hình thức gập bụng hay chạy quanh khu nhà. Cha và mẹ các em, bà Kim, một hiệu trưởng, bắt các em chơi ô chữ, học thuộc các bảng toán học, và viết bài tường trình ở nhà từ lúc còn rất nhỏ tuổi.

Hai bố mẹ, cũng bắt các em chơi ô chữ, học thuộc lòng các bảng toán học và viết những bài tường trình ở nhà từ khi còn nhỏ.

Ông Wade nói về triết lý dạy con: “Không có ông già Noel, nhưng có một Thượng Đế,” ý muốn nói là không có gì trong đời này là miễn phí cả, nhưng ai chăm chỉ và làm điều thiện sẽ được đền bù.

Hai vợ chồng ông Wade gặp nhau ở lớp toán tại Đại học Jackson State University, một trường đại học da màu lâu đời ở tiểu bang Mississippi. Trường đại học này chắc chắn đã cấp học bổng cho cả bốn cậu bé sinh tư, nhưng đám con trai nhà Wade có những ý nghĩ khác.

Họ không ỷ y là việc xin vào đại học sẽ dễ dàng. Tất cả đều nói rằng các em đã bị sốc khi được nhận vào nhiều trường đại học, đặc biệt là các trường hàng đầu như Harvard và Yale nhận đơn.

Bốn anh em nộp đơn xin học tối đa – Nicholas và Aaron nộp đơn vào khoảng 20 đại học, còn hai người kia nộp vào khoảng hơn mười hai trường, vì tất cả đều cố gắng xin được học bổng càng cao càng tốt. Việc gửi bốn đứa trẻ đến trường đồng thời không phải là chuyện dễ dàng, ngay cả đối với một gia đình tầng lớp trung lưu.

Cho đến giờ, Yale cho họ học bổng cao nhất, và đã hăng say “theo đuổi” các em. Yale cung cấp vé máy bay cho họ đến New Haven để thăm trường, điều mà các em không thể làm được trước khi được nhận. (Yale từng nhận một nhóm sinh tư, hai trai, hai gái, người Mỹ gốc Châu Phi vào năm 2010.)

Các anh em họ Wade không rõ là học bổng của Yale có phải là một hợp đồng trọn gói không, nghĩa là nếu Aaron muốn chọn đi học một nơi khác, thì những người còn lại sẽ mất học bổng không. Aaron thích học ở đại học Stanford, và đã được trường này chấp nhận.

“Một trong những chuyên ngành mà Standford dạy được gọi là “hệ thống biểu tượng,” Aaron nói. “Tôi muốn học ngành trí tuệ nhân tạo. Tôi thích một trường tập trung vào ngành khổng lồ có nhiều liên quan này, khoa học máy tính, khoa học nhận thức, ngôn ngữ học, triết học, toán học – Tôi chỉ thích tất cả những môn đó.”

Nigel, người muốn học về khoa học thần kinh, đang ở trong danh sách chờ, và Zach, người muốn học ngành kỹ thuật hóa học, đã bị Stanford từ chối. Như vậy, đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời họ, lợi ích của người này đi ngược lại lợi ích người khác.

Aaron đã được Ohio State, Miami University (“trường đại học công “ưu tú” của của Ohio), và các trường Case Western, Jackson State, Brown, Pennsylvania University, Vanderbilt, University of California, Berkeley, và University of Michigan (danh sách còn dài), và bị hai trường Northwestern và Tulane từ chối.

Nick, nhà ngoại giao tương lai, là người duy nhất chưa bị từ chối hoặc phải vào danh sách chờ của một trường đại học nào. Cười vui, Nick nói em là người chuẩn bị ít nhất về mặt học thuật, nhưng nghĩ giới tuyển sinh đã bị hớp hồn vì em đã được Bộ Ngoại Giao cấp học bổng đến Morocco. Đó là chuyến đi ra khỏi Mỹ đầu tiên của Nick. Nick học tiếng Ả Rập và thường được gọi đùa là “Obama”, em nói.

Một phát ngôn viên của Đại Học Harvard cho biết họ không ưu tiên em nào trong bộ tứ. Đại Học Yale từ chối bình luận.

Anh em họ Wade yêu cầu không tiết lộ tỉ mỉ chi tiết học bạ của họ. Nhưng nói rằng tất cả đều nằm trong 10% cao nhất lớp. Aaron, nhạc sĩ, cho biết anh là một trong số 25 học sinh hàng đầu trong lớp mình, và điểm ACT của họ nằm khoảng từ 94 đến 99 phần trăm. (HG)

Leave a Reply