Chuyện gia đình người Bắc nhập cư ở Sài Gòn

Khi chúng tôi viết bài này, cả gia đình người giao nước đá được kể dưới đây đã dọn về quê Bắc.

Với hàng triệu người nhập cư nghèo từ các tỉnh tới Sài Gòn, một gia đình nào đó không thể trụ được ở thành phố lớn nhất nước, phải bỏ về quê là chuyện ít ai quan tâm.

Nhưng vì gia đình người giao nước đá này hồi hương với lý do anh chồng phát hiện mình bị bệnh nan y phải về quê để chạy thuốc chờ ngày, nên hàng xóm anh thắc mắc, vì sao anh không ở lại Sài Gòn để được các bệnh viện lớn với đủ phương tiện điều trị?

Công việc hàng ngày ở Sài Gòn của người đàn ông giao nước đá lúc anh còn khỏe.
(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Phận người nghèo tha hương kiếm sống ở đất nước này họp thành những nhóm thiểu số tạm trú vất vưởng không có bất kỳ tiêu chuẩn an sinh xã hội, y tế… nào. Cả gia đình anh dọn đi không để lại một dòng địa chỉ, họ dọn về quê như người chạy trốn. Chạy trốn khỏi nơi mình hy vọng trị được bệnh hiểm nghèo bởi họ không đủ tiền để trả chi phi điều trị, việc đó, chính là sự ác nghiệt của thân phận người nhập cư nghèo ở các đô thị Việt Nam lúc này.

Câu chuyện của gia đình người giao nước đá này được kể dưới đây là lúc anh chồng còn khỏe mạnh, cần cù hàng ngày kiếm sống dù phải chấp nhận những nghiệt ngã của đời người nhập cư phải xa con, xa cha mẹ… nhưng ít ra họ cũng có hy vọng với giấc mơ Sài Gòn sẽ đổi đời họ.

Căn nhà “cấp 4,” khoảng 20 mét vuông, dưới chân chúng cư 162 đường Nguyễn Thị Nhỏ có thể sập bất cứ lúc nào vì đã nhiều năm hơi lạnh nước đá làm cho ẩm mục. Trong căn nhà này hai vợ chồng trẻ từ xứ Bắc vào làm nghề giao nước đá lẻ đã thuê ngôi nhà đầy rêu ẩm đó để mưu sinh.

Anh chồng lúc rảnh thường ôm cái điếu cầy dài, rít vài hơi thuốc lào, còn chị vợ hầu như không lúc nào lơi tay cưa nước đá, đóng bao và chở đi giao cùng chồng. Những tháng Sài Gòn nóng kinh khủng, những cây nước đá giao từ hãng cứ đêm đêm chất cao gần tới sàn gác gỗ. Hàng xóm thường nói đùa với họ rằng. Nhà tụi bây không tốn tiền điện vẫn mát như có máy lạnh, thế thì đẻ hoài nuôi cho toát mồ hôi lạnh luôn.

Người miền Nam, trước đây thường nghe người miệt ngoài nói cụm từ “hay lam hay làm,” nay mới tận mắt thấy hai vợ chồng trẻ này đúng là làm việc cần cù hết mực.

Hôm anh chồng kéo chiếc xe ba gác giao nước đá cùng đôi chân bị thương đầy máu me về, gặp tôi anh nói, “Chúng nó đâm cháu bác ạ.” Anh mở miệng cười để che giấu cơn đau. Vậy mà ngay ngày hôm sau, tôi lại thấy anh ngồi trên ghế thấp, mím môi, cắn răng cố gắng nông cái chân bị thương sưng vù và vết thương đỏ lóe vào đôi ủng cao su.

Anh nói, “Nhà cháu mới sinh non ngày. Phải chạy để cô ấy nhẹ việc.” Tôi gật đầu khen anh giỏi và dặn, “Ê bạn, nước đá cây có chất axit, độc lắm, cẩn thận kẻo cái chân bị thương của mày bấy nhầy là khổ đời nghe.”

Tôi lo phần anh nhưng những người phụ nữ hàng xóm của anh lại lo chuyện chị vợ mới sinh con chưa tròn tháng mà tay chân cứ phải dầm nước đá lạnh buốt. Bà Hai, người lao công trường học TT đã nghỉ hưu nói, “Cái con đó ỷ y quá, người ta sinh trong tháng phải nằm than, hơ lửa, xông thuốc… làm đủ chuyện để giữ sức khỏe hậu sản, còn nó cứ đâm đầu dầm nước đá, sao mà liều quá trời.”

Không phải chỉ bà Hai kêu rêu mà phụ nữ cả xóm tôi ai cũng góp tiếng khuyên, nhưng tuyệt nhiên không hề nghe chị vợ anh giao nước đá than thở tiếng nào.

Chừng non năm sau, hàng xóm lại thấy cái bụng chị vợ to lên. Bà xã tôi nói, “Nó lại có bầu nữa rồi, khổ thiệt. Tôi không muốn tìm hiểu chuyện phụ nữ, nhưng vợ tôi cứ nói.” Bà Hai hỏi thăm, “Nó sinh ba đứa rồi, kỳ này mang bầu là đứa thứ tư. Ba đứa kia đều là con gái, chắc là do áp lực nhà chồng muốn có cháu trai nên nó phải chịu sinh năm một. Cầu cho nó kỳ này sinh được con trai cho hết khổ.”

Tôi nhìn cái cảnh chị vợ bụng bầu to tướng mà phóng xe honda, kéo thùng nước đá cồng kềnh đi giao hàng cho đến sát ngày sinh, mới thấy người mẹ trẻ xứ Bắc khiến người ta vừa nể phục nhưng vừa không thể chấp nhận sự liều lĩnh.

Vậy rồi chị vợ lại sinh, phước thay được cậu con trai. Hàng xóm chia vui rằng: Ước gì có nấy rồi nghe, đừng có dại mà sinh thêm nữa. Bây mang bầu, sinh con, nuôi con mà cả xóm hồi hộp cho bây.

Sáng nay, vừa bước xuống cầu thang chúng cư, tôi gặp bé gái đang khóc chia tay mẹ. Bé gái xinh lắm, cái ba lô nhỏ trên vai mới tinh nhưng đôi mắt bé buồn vô kể. Bé sẽ theo ông về Bắc, bé chỉ bốn năm tuổi thôi mà mỗi năm chỉ gặp bố mẹ có mươi ngày. Bé đứng bên mớ hành lý chờ cột lên xe honda chở ra bến xe.

Mẹ bé ôm em trai mới sinh đứng tựa cửa, hơi nước đá từ trong nhà tỏa ra cùng với trời mù chuyển mưa khiến tiết trời ớn lạnh. Bé đưa mắt nhìn mẹ, mắt đỏ hoe nhưng bé không dám khóc, đến khi mẹ bé nhìn con òa khóc thì bé khóc ngất. Nhưng bé vẫn không dám chạy về bên mẹ.

Phải chăng đầu óc thơ ngây như bé cũng hiểu mình có bổn phận phải xa bố mẹ! Phải chăng tâm hồn non nớt như bé cũng đang học cách chịu đựng nỗi buồn xa bố mẹ! Nhiều năm rồi bố mẹ bé không về Bắc, cái nghề giao nước đá lơi tay là đói. Bé là con gái thứ hai, em gái bé chưa biết đi mà mẹ bé đã nằm ổ ôm đứa em trai.

Thôi thì tôi viết đôi dòng, chỉ để tôi đọc để nhớ đôi mắt đẫm lệ của bé. Sang năm bé vào, rồi bé và em gái bé sẽ lại cùng khóc chia tay mẹ, năm tới nữa bé sẽ có thêm nước mắt của em trai chia tay mẹ và năm kia, năm kìa nữa những đứa em khác cùng bé phủ nước mắt tuổi thơ lên buổi sáng Sài Gòn chia ly.

Ông nội bé bắt tay tôi nói, “Anh ở lại có gì bảo ban giúp con trai, con dâu tôi.” Tôi không thể, vì tôi hiểu nước mắt của từng đứa bé, con của người tha hương đang là mưa Sài Gòn bao dung cho chính bố mẹ chúng.

 

Leave a Reply