Ông Trump và bà Clinton đang cạnh tranh quyết liệt từng điểm phần trăm sự ủng hộ của cứ tri, nhất là những người còn phân vân chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Ảnh: AP |
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Trong những ngày cuối cùng trước bầu cử, với tình hình ngang ngửa giữa hai ứng cử viên tổng thống, cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump cũng như bà Hillary Clinton chỉ còn đủ thời gian nhắm vào những tiểu bang được coi là chiến trường tranh chấp, nghĩa là chưa thể biết cử tri sẽ bỏ phiếu cho Cộng Hòa hay Dân Chủ.
Vụ giám đốc FBI loan báo mở lại cuộc điều tra về email có vẻ tác hại đáng kể cho bà Clinton. Trong các thăm dò dư luận toàn quốc, nói chung bà vẫn dẫn trước nhưng chỉ trong khoảng sai số 3% của thăm dò.
CBS News/NY Times: Clinton 45%-Trump 42%; ABC/Washington Post Tracking: Clinton 47%-Trump 45%; LA Times/USC Tracking: Trump 48%-Clinton 43%; FiveThirtyEight tổng hợp tất cả các thăm dò chính: Clinton 48.4%-Trump 45.2%, đồng thời cũng hạ bớt tính toán về xác suất thắng cử; Clinton 65.8% – Trump 34.2%.
Năm tiểu bang chiến trường đang được chú ý hiện nay là Pennsylvania, Nevada, Florida, North Carolina, và Ohio.
Florida là tiểu bang mà ông Trump buộc phải thắng để có thể hy vọng vượt quá con số 270 đại cử tri và đắc cử. Ông đến vận động ở tiểu bang này liên tiếp trong ba bốn ngày liền, nhưng dường như bà Clinton đang thắng thế ở đây. Ngược lại thì ông củng cố được vị thế ở Nevada và Ohio, một chiến trường quan trọng nhưng phía Dân Chủ có vẻ không nắm chắc thắng lợi nên chỉ vận động vừa đủ.
Còn nếu bà Clinton không giữ được Pennsylvania thì triển vọng tới tòa Bạch Ốc sẽ trong tình thế rất bấp bênh. Colorado là tiểu bang Dân Chủ vẫn nắm ưu thế nhưng hiện nay thăm dò cho thấy Clinton-Trump ngang ngửa, tuy nhiên ở đây chỉ có 9 đại cử tri.
Phía Dân Chủ vẫn nắm chắc ba tiểu bang lớn, California 55 đại cử tri, New York 29 và Illinois 20 trong khi đảng Cộng Hòa giữ vững Texas, 38 đại cử tri. Chiến lược của hai bên hiện nay còn là tìm cách lấn chiếm qua những tiểu bang của đối phương mà mình không nhiều hy vọng thắng, chẳng hạn Pennsylvania của Dân Chủ và Arizona của Cộng Hòa.
Khác với bà Clinton có nhiều nhân vật ủng hộ tham gia vào những chuyến vận động, ông Trump từ trước đến nay chỉ đi vận động một mình, không có người nào khác hỗ trợ ngoài ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence. Ban tranh cử của ông bây giờ đưa ra người đầu tiên tham gia vào cuộc vận động ở Pennsylvania là bà vợ Melania Trump, mặc dầu việc ấy có lẽ chỉ mang tính cách tượng trưng vì đảng Dân Chủ mạnh hơn nhiều ở tiểu bang này.
Ông Trump tiếp tục nhắm mũi tấn công vào chuyện email và tỏ ra lạc quan với tình hình. Lần đầu tiên ông nói với những người ủng hộ: “Hãy nhìn vào các thăm dò,” mặc dầu trước kia ông không ngớt than thở là “truyền thông có thành kiến” và “đừng tin ở các thăm dò.”
Nhưng yếu tố quan trọng nhất cho kết quả là số cử tri đi bầu. Mục tiêu chính mà Tổng Thống Obama nhắm tới khi đến vận động cho bà Hillary Clinton ở North Carolina và Florida là kêu gọi các khối cử tri ủng hộ Dân Chủ tích cực tham gia bỏ phiếu. (HC)
Vì sao Donald Trump trỗi dậy, đe dọa bà Clinton?
“Không ai trong chúng ta ở đây hoảng loạn. Chúng ta luôn chuẩn bị cho một cuộc đua sát ván”, thư vận động gây quỹ cho bà Clinton viết.
“Tôi thực sự bồn chồn. Làm sao mà một kẻ như Donald Trump lại có khả năng đánh bại bà Hillary Clinton cơ chứ?”, một nữ cử tri gốc Việt ở Quận Cam bức xúc nói với Zing.vn.
Mới chỉ tuần trước, hầu hết cử tri đảng Dân chủ mà tôi gặp đều tỏ ra rất tự tin. Họ khẳng định không thể có chuyện tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11. Ở thời điểm đó tưởng như chiến dịch tranh cử của ông Trump đã trượt tới sát bờ vực của sự sụp đổ vì những lời tố cáo ông sàm sỡ phụ nữ.
Nhưng chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử, khảo sát của RealClearPolitics cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump chỉ kém bà Clinton dưới 2%.
Giờ đây, tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump chỉ kém bà Clinton khoảng 2%, theo khảo sát của RealClearPolitics. |
Cuộc đua sát ván
Chiều 2/11 giờ địa phương, các cử tri ủng hộ bà Clinton nhận được thư từ phe Dân chủ bàn về phiếu đại cử tri và kêu gọi ủng hộ quỹ để phe Dân chủ có thể rót nhiều tiền hơn cho quảng cáo và giành sự ủng hộ.
Trong thư, phe Dân chủ thừa nhận sự thắng thế của Trump ở một số bang chiến trường quan trọng: Ohio, Iowa, Floria cũng như xu hướng ủng hộ gia tăng ở một số bang khác như North Carolina.
“Giờ đây, Trump có được 259 phiếu đại cử tri. Điều này đồng nghĩa với việc ông ấy chỉ cần thêm 11 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng, điều mà ông ấy có thể có được tại các bang chiến trường nơi mà sự thắng thế của chúng ta chưa rõ ràng”, lá thư viết.
“Tuy nhiên, không ai trong chúng ta ở đây hoảng loạn. Chúng ta luôn chuẩn bị cho một cuộc đua sát ván”, thư vận động gây quỹ cho bà Clinton viết. “Chúng tôi biết phải giương cung thế nào để giành chiến thắng, nếu chúng tôi buộc phải làm thế”.
Điều gì đang xảy ra vậy? Cử tri đã quên sạch những scandal của ông Trump ư? Cuộc điều tra của FBI đối với bà Clinton là cú sốc quá lớn?
Cần nhớ rằng từ trước khi Giám đốc FBI James Comey tuyên bố điều tra thư điện tử của bà Clinton, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump đã âm thầm tăng trở lại. Tỷ phú New York chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ sớm rời cuộc đua. Bởi trên thực tế, rất nhiều cử tri đã đưa ra quyết định từ lâu rồi, và không một cú sốc nào có thể làm họ thay đổi điều đó.
Không quan tâm tới scandal của Trump?
Những cử tri Cộng hòa mà Zing.vn tiếp xúc, dù là người gốc Việt hay người Mỹ da trắng, đều không quá bận tâm với những vụ scandal liên tiếp của người đàn ông nổi tiếng tay chơi này. Cái họ quan tâm là nền kinh tế và công ăn việc làm. Đó là những vấn đề sát sườn, thiết thực với cuộc sống.
Những cử tri Cộng hòa mà Zing.vn tiếp xúc, dù là người gốc Việt hay người Mỹ da trắng, đều không quá bận tâm với những vụ scandal liên tiếp của người đàn ông nổi tiếng tay chơi này. Ảnh: Getty Images. |
Quan điểm của họ rất đơn giản: Các chính sách của đảng Cộng hòa mà ông Trump là đại diện hỗ trợ giới doanh nghiệp, những tổ chức và cá nhân tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Họ e ngại đảng Dân chủ của bà Clinton tăng thuế, buộc họ phải gánh cái gánh nặng bảo hiểm y tế, an sinh xã hội của người nghèo.
Các cử tri ủng hộ ông Trump, ngay cả người gốc Việt, cũng lo ngại làn sóng nhập cư vào Mỹ, bao gồm hàng triệu người không có giấy tờ. Đối với họ, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang “nuôi báo cô” những người này và bà Clinton sẽ tiếp tục chính sách đó.
Khi báo chí “làm thịt” ông Trump vì scandal huênh hoang chuyện “tóm chỗ kín” phụ nữ, các cử tri ủng hộ ông ta âm thầm lùi lại phía sau, không lên tiếng. Họ ngại không muốn công khai rằng mình tin tưởng vào một tỷ phú lắm trò lố như vậy.
Chính vì thế, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump qua các cuộc khảo sát sụt giảm thảm hại. Nhưng trong đầu họ, lá phiếu bầu đã ghi tên Donald Trump rồi.
Một số cử tri nói thẳng với Zing.vn rằng những rùm beng mà ứng cử viên đảng Cộng hòa hứng chịu trong thời gian qua là do giới truyền thông thiên kiến, cố tình thao túng cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho bà Clinton.
4 năm trước, khi tới Mỹ đưa tin về cuộc đối đầu giữa Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney, tôi đã cảm nhận được khá rõ sự phân hóa sâu sắc giữa cử tri Dân chủ và Cộng hòa. Có những thành phần cực đoan đến mức không coi đối phương là đồng bào, mà là những kẻ ngu dốt, kém cỏi, tầm thường, đang hủy hoại đất nước.
Tình trạng đó càng trở nên nghiêm trọng và nặng nề hơn trong mùa bầu cử năm 2016 này. Về phía phe ủng hộ Trump, tâm lý “bị vây hãm” là rất rõ rệt. Rất nhiều người coi cuộc bầu cử ngày 8/11 là cơ hội cuối cùng để “giải cứu” một nước Mỹ đang bị giới chính trị gia và cử tri cánh tả hủy hoại đến tận gốc rễ.
Do đó, đừng quá ngạc nhiên nếu sau ngày 8/11, một Donald Trump ngạo mạn, ngông ngênh, coi thường phụ nữ, trốn thuế… lại đàng hoàng, ngang nhiên bước vào Nhà Trắng, trung tâm quyền lực của nước Mỹ.