22h ngày 31/10/1987, Kristen (4 tuổi) theo mẹ Mary đi rửa ôtô ở một tiệm rửa xe tự phục vụ tại thành phố Huntsville, bang Texas. Khi Mary đang rửa xe, Kristen trông thấy một người đàn ông lái xe bán tải vào khoang rửa xe bên cạnh.
Bất ngờ, gã rút dao và định lôi Mary lên xe bán tải. Bị Mary chống cự quyết liệt, gã liền đâm và cứa cổ Mary. Trong phút chốc, hắn lên xe bỏ trốn, để lại sau lưng tiếng khóc của bé gái mồ côi mẹ.
Khi cảnh sát tới hiện trường, thi thể Mary (36 tuổi) nằm sấp dưới đất trong vũng máu, Kristen đã kịp trốn lên xe và khóa cửa. Cửa xe vừa mở, Kristen ôm chầm lấy cảnh sát, miệng van xin: “Hãy bảo vệ cháu khỏi kẻ xấu”.
Tại hiện trường, cảnh sát không tìm được hung khí hoặc dấu vết của hung thủ. Nhân chứng duy nhất chứng kiến vụ tấn công là bé gái nhỏ tuổi vừa trải qua cơn chấn động mạnh về tâm lý.
Năm 1987, thời điểm vụ án xảy ra, công nghệ chưa phát triển nên cảnh sát không thể thu thập ADN từ hiện trường, camera ghi hình khi ấy không có. Không có manh mối để kết luận đây là vụ tấn công ngẫu nhiên hay Mary quen biết hung thủ. Cuộc điều tra cái chết của Mary mau chóng trôi vào quên lãng.
Một năm sau, tháng 10/1988, tại khuôn viên Đại học A&M Texas, cách thành phố Huntsville khoảng 50 dặm, cô sinh viên Wendy Gant vừa mở cửa ôtô chuẩn bị rời trường đi ăn trưa thì bị một gã cầm dao tiếp cận từ sau. Rất thuần thục, gã dùng dây thừng trói tay Wendy sau lưng rồi cột chặt vào dây đai an toàn trên xe.
Wendy bị đưa tới rừng cây ở rìa thị trấn và bị tấn công tình dục. Xong xuôi, nữ sinh viên tiếp tục bị kẻ hiếp dâm trói vào cây, bị đâm và cứa cổ. Wendy vội nín thở giả chết, nhắm nghiền mắt chờ hung thủ rời đi.
Khi không còn nghe tiếng bước chân, Wendy tự cởi trói tay, vừa ôm vết thương cầm máu vừa cố mò ra giữa đường lớn. Cô gái may mắn được công nhân sửa đường phát hiện và gọi cấp cứu.
Tiếp nhận vụ án, cảnh sát thấy kẻ tấn công Wendy có thủ đoạn tương tự như vụ án của Mary, cũng như trong hai vụ án khác chưa có lời giải. Trong hai vụ án xảy ra vào tháng 2 và tháng 7/1987 quanh khu vực Huntsville, Alice Martin (72 tuổi) và Debra Ewing (26 tuổi) đều bị bắt cóc, xâm hại tình dục, và đâm chết ở nơi vắng vẻ. Cảnh sát tự hỏi đây có phải tên sát nhân hàng loạt nhắm vào phụ nữ.
Vừa bình phục, Wendy liền ra dấu cho người khác lấy giấy bút vì không thể nói được do vết thương sâu ở cổ. Trên giấy, Wendy yêu cầu được gặp họa sĩ phác họa chân dung.
Họa sĩ phác họa chân dung phải rất vất vả làm việc vì nhân chứng không thể nói. Để gợi lại trí nhớ của Wendy, họa sĩ cho xem tài liệu của FBI chứa các dạng khuôn mặt người, sau đó dần chuyển sang bộ phận cụ thể như mắt, mũi, miệng. Chân dung nghi phạm thành hình sau những lần gật hoặc lắc đầu của Wendy.
Sau nhiều tiếng phối hợp giữa nạn nhân và họa sĩ, chân dung nghi phạm cuối cùng cũng được hoàn thiện và công khai cho báo chí. Chỉ sau một tiếng ảnh được đăng tải, một cán bộ trại giam gọi cho cảnh sát báo tin người trong ảnh là phạm nhân mình từng cai quản trong nhà tù địa phương.
Cựu phạm nhân này là Daniel Lee Corwin, sinh năm 1958, có tiền án xâm hại tình dục phụ nữ. Gần 15 năm trước, Daniel từng xâm hại tình dục và cố thủ tiêu một bạn nữ cùng lớp cấp ba. Nạn nhân cũng bị cứa cổ nhưng sống sót nhờ giả chết, giống trường hợp của Wendy. Lần đó, Daniel bị kết án 40 năm tù nhưng được ra tù sớm sau 9 năm. Anh ta làm cho xưởng sản xuất tủ gỗ.
Vì chủ xưởng từng dạy lớp mộc trong tù, ông quen biết Daniel và muốn cho anh ta cơ hội làm lại từ đầu. Nhưng khi một số phụ nữ trong vùng bị tấn công, chủ xưởng gỗ bắt đầu nghi ngờ Daniel đứng đằng sau các vụ án. Lúc này, chủ xưởng cũng nhớ lại sau ngày Wendy bị tấn công, Daniel tới làm việc trong tình trạng trên tay có vài vết cắt.
Đã có nghi phạm, quá trình thu thập chứng cứ bắt đầu. Cảnh sát cho ảnh của Daniel trong bộ ảnh để Wendy nhận diện, nhưng cô gái không thể chắc chắn.
Vì hung thủ từng lái xe của Wendy, chiếc xe được cảnh sát thu giữ làm chứng cứ. Quá trình rà soát cho thấy có dấu vân tay lạ trên cửa xe. Dấu vân tay lập tức được gửi cho cảnh sát địa phương nơi lưu giữ hồ sơ tiền án của Daniel để đối chiếu. Kết quả xác nhận Daniel là chủ nhân mẫu vân tay trên cửa xe của Wendy. Hắn lập tức bị bắt giữ.
Trước chứng cứ không thể chối cãi, Daniel thừa nhận tội trạng nhưng không nói rõ động cơ gây án là gì ngoài “thứ áp lực không thể kiểm soát được trong đầu”. Với chứng cứ dấu vân tay và lời thú tội, Daniel bị kết án 99 năm tù trong vụ tấn công Wendy.
Theo điều tra viên, nếu không nhờ bức phác họa do Wendy cung cấp, với công nghệ tại thời điểm ấy, có lẽ Daniel sẽ không bị bắt và tiếp tục gây án.
Những năm tiếp theo, Daniel nhận trách nhiệm lần lượt trong ba vụ án mạng của Alice Martin, Debra Ewing và Mary Risinger, lãnh án tử hình. Daniel sau đó bị tử hình bằng cách tiêm thuốc độc ở tuổi 40.
Trước khi bị thi hành án, Daniel dành phần lớn thời lượng trong lời sau cùng để gửi lời xin lỗi muộn màng tới gia đình các nạn nhân có mặt. “Tôi hối tiếc vì những gì đã xảy ra. Chỉ hy vọng rằng tại thời điểm nào đó trong tương lai, mọi người có thể tha thứ cho tôi”, Daniel nói.
Quốc Đạt (Theo AP, Murderpedia