Cô giáo kể lại thời khắc chui túi nilon qua suối dữ

“Khi nằm trong túi nilon, nó cứ chao đảo, rất sợ hãi, tôi không dám mở mắt, tới giữa dòng, không khí trong túi nilon cạn kiệt tôi phải cố nín thở và cầu mong nhanh chóng qua tới bờ bên kia” – Cô Tòng Thị Minh kể lại.

 

vượt sông, túi nilon, học sinh, miền núi
Cảnh đi qua suối dữ cắt từ clip (Nguồn Tuổi trẻ)

Cảm giác hôm đó tôi không bao giờ quên

Cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mầm non mới được phân công tác tại điểm trường mầm non Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) từ tháng 9 – 2013. Trong một lần cô Minh cùng đồng nghiệp đi dạy ở xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ), phải mất hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ cô Minh và đồng nghiệp mới ra tới suối Nậm Pồ. Nước suối dâng cao, cuồn cuộn không thể nào qua được.

Cô giáo Minh kể: Đứng loay hoay ở bờ suối một hồi lâu nhưng không làm cách nào qua được. Lúc tôi và đồng nghiệp định quay về thì mấy anh thanh niên ở bản bảo “cô giáo muốn qua suối thì chui vào túi nilong này chúng tôi kéo qua”. Nhận được đề nghị tôi đã rất lúng túng và sợ hãi nhưng thấy mọi người đều qua suối bằng cách đấy nên tôi cũng liều mình làm theo.

Khi nằm trong túi nilon, nó cứ chao đảo, rất sợ hãi, tôi không dám mở mắt, tới giữa dòng, không khí trong túi nilong cạn kiệt tôi phải cố nín thở và cầu mong nhanh chóng qua tới bờ bên kia. Đến bờ các anh bảo đến bờ rồi tôi mới tin mình còn sống. Cảm giác ngày hôm đấy chắc rằng sẽ không bao giờ tôi quên được”.

Sẽ có cầu treo qua suối dữ

Bản Sam Lang là một trong những bản vùng cao khó khăn nhất của xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Cả bản có 85 hộ dân với hơn 400 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 65%. Bản được chia thành 3 nhóm dân cư: Sam Lang 1; Sam Lang 2 và Sam Lang 3. Trong đó, 2 nhóm Sam Lang 1, Sam Lang 2 bị suối Nậm Pồ chia cắt tách biệt với Sam Lang 3 và trung tâm xã.

Nhắc đến đường vào bản Sam Lang thì nhiều cán bộ xã Nà Hỳ cũng phải thốt lên từ “ngán”. Đoạn đường từ trung tâm xã Nà Hỳ vào bản dài 17km nhưng đi xe máy phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Bởi lẽ, xe máy phải vượt qua nhiều dốc cao vút và nhiều đoạn suối cắt ngang. Đấy là mùa khô.

Vào mùa mưa, bản Sam Lang như là một ốc đảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Con đường vào bản có độ dốc cao, trơn trượt nên không ai dám đi xe máy và nếu có đi bộ thì cũng rất khó khăn để vượt qua được dòng nước lũ của con suối Nậm Pồ.

Ông Giàng A Chính, Trưởng bản Sam Lang cho biết: Mùa khô, người dân bảo nhau góp gỗ, tre, nứa làm cầu tạm để đi nhưng mới chớm vào mùa mưa, nước lũ ở suối Nậm Pồ dâng cao đã cuốn trôi mất. Bà con không đi lại được, giáo viên học sinh không thể đến trường thế nên bà con đã nghĩ ra sáng kiến chui người vào những túi nilong lớn để qua suối.

vượt sông, túi nilon, học sinh, miền núi
Cầu tạm qua suối Nậm Pồ vào mùa khô. Ảnh Trung Nam

Cách làm sáng tạo qua suối bằng túi nilon đã được bà con ở đây thực hiện từ nhiều năm nay. Dẫu biết rất nguy hiểm nhưng hằng ngày, giáo viên, học sinh điểm trường Sam Lang vẫn phải liều mình qua suối để đến trường. Người dân bản Sam Lang rất mong muốn có được chiếc cầu cứng hoặc cầu treo bắc qua suối Nậm Pồ để thuận tiện trong việc đi lại. Nhưng, đó chỉ là mơ ước. Bởi vì, 85 hộ dân bản Sam Lang quanh năm chỉ quanh quẩn với đồi ngô, nương lúa, làm không đủ ăn nên việc xây dựng cây cầu qua suối là nhiệm vụ bất khả thi đối với họ.

Bản Sam Lang có 2 điểm trường tiểu học và mầm non gồm 5 phòng học (4 lớp tiểu học và 1 lớp mầm non 5 tuổi) được dựng lên bằng tre, nứa, lợp mái gianh đã qua nhiều năm sử dụng. Cả 2 điểm trường này đều nằm ở nhóm Sam Lang 1 và Sam Lang 2. Như vậy, học sinh ở nhóm dân cư Sam Lang 3 để đến trường trong mùa mưa thì trung bình mỗi ngày phải 2 lần chui vào túi nilong qua suối. Đây cũng là nguyên nhân khiến học sinh ở nhóm dân cư Sam Lang 3 thường nghỉ học vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện đang còn nhiều điểm trường ở các bản vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại không thuận tiện, nhất là vào mùa mưa. Việc huy động học sinh đến lớp thường xuyên là một nỗ lực rất lớn của các giáo viên cắm bản.

Nếu có học sinh nghỉ học thì giáo viên lại phải lặn lội tới nhà để vận động bố mẹ học sinh cho con em họ tiếp tục đến trường. Có khi giáo viên phải đi bộ 15 – 20km để đi vận động học sinh đến trường. Việc giáo viên phải chui vào túi nilong để người khác kéo qua suối là rất nguy hiểm nhưng chúng tôi không còn cách nào khác.”

Cùng ý kiến trên, ông Nghiêm Quang Thực, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên cho biết: Nhu cầu xây dựng cầu treo ở các bản vùng cao của tỉnh Điện Biên rất lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có 47 cầu treo dân sinh cần được đầu tư xây dựng.

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư để xây dựng cầu treo còn nhiều eo hẹp, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên để xây dựng cầu treo hết các điểm thì rất khó.

Tuy vậy, sau khi xem những hình ảnh người dân, giáo viên và học sinh phải chui vào túi bóng để qua suối, Sở Giao thông vận tải đã cử đoàn công tác vào phối hợp với huyện Nậm Pồ để kiểm tra, khảo sát sau đó trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nguồn vốn để xây dựng cầu treo tại bản Sam Lang.

Sau khi xem những hình ảnh giáo viên đi qua suối dữ bằng túi nilon, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thông báo: “Bộ Giao thông vận tải sẽ cho triển khai xây dụng cầu treo để phục vụ người dân, giáo viên và học sinh bản Sam Lang”.

(Nguồn Báo Tuổi Trẻ)

(Theo Infonet)

Leave a Reply