Hôm 17 tháng 2 năm 2016, tức đúng 37 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung xảy ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, nhiều người dân tổ chức tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh.
Tuy nhiên, buổi tưởng niệm ở Sài Gòn đã bị công an phá đám.
Người dân Sài Gòn cố giăng biểu ngữ trong vòng vây của lực lượng an ninh. (Hình: Nguyền Đăng Hưng)
Buổi sáng 17 tháng 2, khoảng 50 người dân Sài Gòn có mặt ở tượng đài Trần Hưng Đạo, Bến Bạch Đằng, quận 1, để làm lễ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến này.
Thế nhưng tình hình diễn ra khá căng thẳng, khi công an, dân phòng và lực lượng an ninh bận sắc phục lẫn thường phục đã được chính quyền điều động tới để phá rối cuộc tưởng niệm. Họ dùng ô dù để che chắn các vòng hoa, lư hương và che khuất không cho người dân có thể quay phim chụp hình khi buổi lễ diễn ra.
Bên cạnh đó, một số người trong nhóm khởi xướng buổi lễ như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, Kha Lương Ngãi, chị Sương Quỳnh, nhà nghiên cứu Lê Công Gàu… đã bị ngăn cản không cho ra khỏi nhà để đến buổi tưởng niệm.
Nhà báo Lê Phủ Khải cho biết: “Lịch sử vẫn luôn công minh. Cho dù một ai đó có cố tình bóp méo đi lịch sử, thì người dân vẫn không bao giờ quên các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc.”
An ninh dùng ô dù để che vòng hoa và sau đó giật nát vòng hoa. (Hình: Nguyễn Đăng Hưng)
Còn anh Đỗ Đức Hợp khi đi tham dự buổi lễ, bày tỏ: “Sáng nay, khi tôi cầm chiếc vòng hoa bị phá nát mà đau lòng. Tôi tự hỏi các anh an ninh đang làm ‘nhiệm vụ’ đó có phải là người Việt Nam? Họ làm như thế theo sự chỉ đạo của cấp trên nhằm nịnh bợ những người cầm quyền ở Bắc Kinh.”
“Mặc cho họ có ngăn chặn thế nào, anh em chúng tôi cũng hô vang ‘đả đảo Trung Cộng xâm lược. Đả đảo Hán Nô hèn nhát’ ngay tại buổi lễ trước mặt các nhân viên an ninh,” anh Hợp cho biết.
Vũng Tàu: băng rôn bị tháo gỡ
Băng rôn trên đường phố Vũng Tàu, nhưng sáng ra đã bị chính quyền tháo gỡ. (Hình: Sương Quỳnh)
Nhiều người dân ở vùng Vũng Tàu đã treo nhiều biểu ngữ có nội dung: “Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên cuộc chiến tranh biên giới 17 tháng 2 năm 1979” tại nhiều ngã đường ở thành phố biển Vũng Tàu.
Trang Facebook của nhà hoạt động dân sự Sương Quỳnh cho biết: “Từ đêm và rạng sáng ngày 17 tháng 1, những nhà yêu nước tại Vũng Tàu và Bà Rịa đã dán những biểu ngữ. Họ đặt ở 21 điểm khắp thành phố. Tuy nhiên sáng nay (ngày 17 tháng 2) đã bị chính quyền thao gỡ hết. Cảm động trước việc làm của anh em.”
Hà Nội: Diễn ra trong ôn hòa
Biểu tình viên Bạch Hồng Quyền cho biết: “Sáng nay có khoảng 200 người dân đã tụ tập về tượng đài Lý Thái Tổ dâng nén hương và hoa để bày tỏ lòng tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến này. Việc tưởng niệm diễn ra bình thường. An ninh họ chỉ đứng canh vòng ngoài chứ không can thiệp vào buổi lễ.”
Trong diễn văn của anh Khắc Mai đọc ở buổi lễ, ông đã nhấn mạnh: “Một chính quyền không nhớ đến những người đã hy sinh vì tổ quốc là một chính quyền vô ân bội nghĩa, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.”
“Người dân ngày nay đã biết nhiều thông tin về cuộc chiến này, và họ hiểu là những người đã nằm xuống vì cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Cộng là những anh hùng. Họ cần được tôn vinh xứng đáng với những hy sinh to lớn của họ vị để bảo vệ mảnh đất Việt Nam này.” Ông Mai cho biết thêm.
Buổi tưởng niệm ở Hà Nội diễn ra trong ôn hòa. (Hình: Lê Anh Hùng)
Theo Wikipedia chiến tranh biên giới 1979, hay thường được gọi là chiến tranh biên giới Việt -Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt. Nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước.
Chiến tranh biên giới Việt-Trung bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía.
Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên.
Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Cambodia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa.
Chính quyền CSVN sau đó đã phải ký kết các Hiệp Định Biên Giới với Trung quốc, theo đó Việt Nam đã mất hằng trăm cây số vuông đất liền, mất một phần Thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan.
Thời gian sau đó, vì muốn đẹp lòng Bắc Kinh nên Hà Nội không muốn người dân tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến này. Thế nhưng những năm gần đây, rất nhiều người dân đã bất chấp bị ngăn cản, họ vẫn nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến năm 1979.