Công an VN phát lệnh truy nã quốc tế Ông Trịnh Xuân Thanh

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty PVC.


Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật Tố tụng Hình sự Nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Truy na quoc te Trinh Xuan Thanh hinh anh 1
Thông tin truy nã Trịnh Xuân Thanh trên website Bộ Công an.

Khởi tố vụ án cố ý làm trái tại PVC

Một ngày trước, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng quyết định khởi tố 4 bị can gồm Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC, để điều tra về tội danh nêu trên.

Nguồn tin của Zing.vn cho biết, quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ông Trịnh Xuân Thanh và cấp dưới có dấu hiệu cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế khi sử dụng vốn điều lệ góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết và triển khai các dự án.

Trong đó, có công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 – dự án có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 USD). Rót 110 tỷ đồng vào dự án nhưng nhóm cán bộ đứng đầu PVC có dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước gây thiệt hại tài sản.

Trước đó, ngày 8/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Sau khi xem xét Báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã kết luận một số nội dung, biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Chịu trách nhiệm chính về thua lỗ gần 3.300 tỷ ở PVC

Theo báo cáo, trong thời gian từ năm 2007-2013, ông Thanh đảm nhiệm các cương vị là Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, ông Trịnh Xuân Thanh cùng các lãnh đạo Tổng Công ty đã chèo lái “con thuyền PVC” thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013). Gian đoạn này, nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.

Truy na quoc te Trinh Xuan Thanh hinh anh 2
Xe Lexus tư mang biển số xanh ông Trịnh Xuân Thanh dùng ở Hậu Giang.

Theo Công An Nhân Dân, PVC dưới thời điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh đã sử dụng vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con và công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này sản xuất kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng.

Năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên, qua đó phát hiện PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài gây thua lỗ và thất thoát vốn của nhà nước.

Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC tham gia với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước.

Không biết ông Thanh đi đâu

Ngày 3/8, ông Thanh xin nghỉ phép để chữa bệnh. Hết một tháng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 không quay lại nhiệm sở mà gửi văn bản giải trình một số vấn đề liên quan đến bản thân do đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra, đồng thời có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng.

Để làm rõ những thông tin liên quan đến báo cáo mà ông Thanh gửi Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy có giấy triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa liên lạc được.

“Vài ngày trước Tỉnh ủy cử cán bộ ra Hà Nội tìm ông Thanh vì không gọi điện thoại được. Chúng tôi cho người đến tận nhà riêng nhưng gia đình nói không biết ông Thanh đi đâu”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh nói.

Ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi, quê ở Đông Anh, TP Hà Nội) có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị, ngoại ngữ tiếng Nga.

Trước khi được Bộ Công Thương luân chuyển vào Hậu Giang và HĐND tỉnh này bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 5/2015, ông Thanh là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương; thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ này.

Leave a Reply