Do quy định filibuster, ít nhất phải có 60 thượng nghị sĩ cần thiết tham gia thì mới mở cuộc tranh luận “Đạo luật vì Dân – For the People Act,” trong đó tạo điều kiện bỏ phiếu dễ dàng hơn trên khắp quốc gia bằng việc đòi hỏi các tiểu bang phải cho phép ghi danh bầu cử ngay trong ngày, và tổ chức sớm ít nhất 2 tuần đối với bầu cử liên bang, và một loạt những điều khoản khác.
Nhưng dự luật bị bóp chết ngay theo lằn ranh đảng phái, với 50 Thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận và toàn bộ 50 Thượng nghị sĩ Cộng hoà bỏ phiếu chống, dưới sự chủ trì hiếm hoi của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden đắc cử, giới lập pháp Cộng hoà tại những tiểu bang trọng yếu như Georgia, Florida, Arizona và Texas đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế bỏ phiếu mà giới chỉ trích cho rằng nhằm mục đích đàn áp cử tri Dân chủ, đặc biệt cử tri Mỹ gốc Phi và gốc Latino.
Tuy nhiên, Cộng hoà cho rằng, những biện pháp này không nhằm đàn áp mà nhằm mục đích chống gian lận bầu cử, thậm chí không có chứng cớ cho thấy gian lận như vậy xảy ra xảy ra.
Cộng hoà cáo buộc Dân chủ thực ra thúc đẩy Đạo luật vì Dân nhằm bảo đảm những chiến thắng bầu cử trong tương lai. “Không có cơ sở hợp lý nào đối với việc liên bang hoá bầu cử này, và vì vậy, không có lý do phải tranh luận trước Thượng viện về điều mà chúng ta không phải làm,” Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà – Kentucky) nói.
Việc Cộng hoà ngăn chặn thành công dự luật sẽ làm dấy lên cuộc tranh cãi về filibuster, trong đó phái cấp tiến của Dân chủ muốn cải tổ hoặc thậm chí bãi bỏ hoàn toàn thủ tục này. “Tất cả chúng ta cần phải nhớ rằng, filibuster là một quy định – một quy định thậm chí không thể tìm thấy trong Hiến pháp,” Thượng nghị sĩ Martin Heinrich (Dân chủ – New Mexico) nói. “Nhưng bỏ phiếu, bỏ phiếu là quyền của nhân dân Mỹ.”
Nhưng cải tổ filibuster sẽ đòi hỏi toàn bộ 50 nhà lập pháp Dân chủ phải liên kết với nhau, nhưng ít nhất 2 trong số họ, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (West Virginia) và Kyrsten Sinema (Arizona), tuyên bố không ủng hộ sửa lại quy định về thủ tục này.
Tuy nhiên, sau kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện, Biden cho hay ông sẽ không bỏ cuộc. Điều này cho thấy, Tổng thống tin Manchin và Sinema có thể được thuyết phục thay đổi ý kiến nếu Cộng hoà tiếp tục ngăn chặn dự luật quyền bỏ phiếu. “Tôi sẽ có nhiều điều để nói trong tuần này. Nhưng hãy để tôi nói rõ, cuộc đấu tranh này còn lâu mới kết thúc,” Tổng thống ghi trong tuyên bố. “Tôi tham gia vào công việc này cả cuộc đời sự nghiệp, và chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực khắc phục một lần nữa, cho đồng bào, cho nền dân chủ của chúng ta.”
Joe Manchin cho đến tối thứ Hai vẫn kháng cự dự luật, Thượng nghị sĩ vào sáng thứ Ba tuyên bố ông sẽ ủng hộ dự luật sau khi Lãnh tụ Đa số Thượng viện Chuck Schumer đồng ý sẽ cân nhắc những “thay đổi hợp lý” theo yêu cầu của ông.
Ngoài những điều khoản mở rộng truy cập bầu cử, Đạo luật vì Dân vốn được Hạ viện thông qua vài tháng trước sẽ điều chỉnh những quy định tài chánh vận động tranh cử và hạn chế chia lại khu vực bầu cử đảng phái.
Nhưng thậm chí ngay cả có thêm sự ủng hộ từ Manchin, Dân chủ vẫn chưa có con đường rõ ràng trước sự phản đối mạnh mẽ từ Cộng hoà, và khả năng cải tổ filibuster không có.
Schumer thề sẽ thúc đẩy dự luật. “Đây không thể là phần cuối của câu chuyện,” Lãnh tụ Đa số Thượng viện nói. “Chúng tôi đơn giản không thể bỏ cuộc thông qua dự luật quyền bổ phiếu tại Quốc hội, nhất là khi nền dân chủ của chúng ta đang gặp nguy hiểm.”
Hương Giang (New York Daily News)