Vụ bắt cóc TX Thanh, Đức tố cáo CSVN ‘vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có’
BÁ LINH – Vụ nhà cầm quyền Việt Nam gởi các mật vụ đến thủ đô Bá Linh của Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam đã trở thành tin lớn tại Đức Quốc ngày thứ Tư. Đức là một quốc gia thượng tôn pháp luật, không xem thường luật pháp được ban hành và ký kết như ở các xứ cộng sản như Bắc Hàn, Trung Cộng, Việt Nam. Vì vậy chính phủ Đức đang làm lớn chuyện, công khai tố cáo CSVN đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong lãnh thổ của Đức.
Trong ngày thứ Tư, chính phủ Đức đã ra tối hậu thư yêu cầu người giữ chức vụ trưởng ban tình báo tại Tòa Đại Sứ (hay Đại Sứ Quán theo chữ của Việt Cộng) phải ra khỏi nước Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Đức cũng yêu cầu CSVN phải đưa ông Thanh trở lại Đức.
Vào đầu tuần này, nhà cầm quyền Hà Nội và báo chí cộng sản trong nước đã đồng loạt loan tải một bản tin do Bộ Công An cung cấp với tựa đề “Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.”
Khác với những tuyên bố từ Việt Nam, nhà chức trách Đức tin rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc vào ngày Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017 tại một công viên ở Berlin.
Đức cũng cho biết Trịnh Xuân Thanh đã xin tị nạn chính trị tại Đức và hồ sơ sắp được giải quyết xong. Biết được điều này, Hà Nội đã từng ngỏ ý với chính phủ Đức về việc trục xuất Trịnh Xuân Thanh hoặc cho dẫn độ ông ta về nước.
Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức cao cấp trong ngành dầu hỏa của CSVN và thuộc vây cánh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi ông Dũng bị đá ra khỏi Hà Nội vào đầu năm 2016, phe đảng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở một cuộc thanh trừng trong nội bộ nhằm triệt hạ đám băng đảng của Dũng. Và Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chân tẩu thoát hơn một năm trước đây, sống bí mật tại Đức.
Tại Đức, ông Martin Schaefer, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đức, đã nói với các phóng viên ngày thứ Tư, “Không còn nghi ngờ gì nữa về sự tham gia của các cơ quan tình báo Việt Nam và tòa đại sứ trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam tại Berlin.”
Vụ bắt cóc, ông Martin Schaefer nói, “là một sự vi phạm chưa từng có và thô bạo đối với luật pháp Đức và quốc tế” và “có tiềm năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến những mối quan hệ một cách trầm trọng.”
Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu Đại Sứ của CSVN tại Đức phải đến nghe thông báo về yêu cầu của chính phủ Đức là phải trao trả Trịnh Xuân Thanh trở về Đức để tiến hành những thủ tục tị nạn và dẫn độ được thực hiện một cách đúng đắn.
Ông Martin Schaefer cũng tiết lộ với giới truyền thông là các viên chức Đức và phái đoàn CSVN do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cầm đầu đã từng gặp nhau bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 trong ngày 7 và 8 tháng 7, để thảo luận về việc Hà Nội muốn dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước để trị tội.
Dưới đây là bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức phê phán hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của nhà cầm quyền CSVN, được đài BBC tại Luân Đôn chuyển ngữ ngày thứ Tư, 2 tháng 8:
“Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ gì về sự liên quan của các cơ quan của Việt Nam và Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc Vụ Khanh Văn Phòng Bộ Ngoại Giao Đức, ông Markus Ederer, ngày hôm qua (thứ Ba) đã triệu tập Đại Sứ Việt Nam tại Đức.
“Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có.
“Sự việc đã được phát giác nhờ sự nhanh nhạy của các cơ quan chức thực thi pháp luật của Đức. Giới chức thực thi luật pháp Đức nay cũng đang tiến hành điều tra.
“Sự việc như thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
“Hành động này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng – bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, các đại diện cao cấp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam.
“Quốc Vụ Khanh Văn Phòng Bộ Ngoại Giao Đức Markus Ederer ngày hôm qua đã nói rất rõ quan điểm của chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại Sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại Sứ rằng Chính Phủ Liên Bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức, để hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.
“Do hậu quả của sự việc hoàn toàn không chấp nhận được này, quan chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Đức bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức.
“Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển.”