Ông Thae Yong-ho sống khá lặng lẽ và ít tiếp xúc với láng giềng tại Anh, tuy nhiên, ông được nhiều người nhận xét là nhã nhặn và lịch thiệp.
Đại sứ quán Triều Tiên tại Anh. Ảnh: PA |
Với những hàng cây được cắt tỉa gọn gàng làm hàng rào, vòi phun tưới cỏ cùng những chiếc BMW đậu dọc trên đường, ít ai biết rằng khu ngoại ô Ealing phía tây London là nơi sống và làm việc của các nhân viên ngoại giao Triều Tiên, theo Telegraph.
Đây chính là nơi đặt đại sứ quán Triều Tiên, một căn nhà có giá 1,3 triệu bảng Anh (1,7 triệu USD). Khi nhìn kỹ, những người đi ngang qua có thể nhận ra biển số trên chiếc Mercedes màu đen đậu trong khuôn viên đại sứ quán: PRK 1D.
Trên ngôi nhà, mọi cửa sổ đều có rèm che kín, một camera an ninh chĩa về phía lối ra vào. Tấm bảng nhỏ trên cửa chính mang dòng chữ: “Dinh thự và văn phòng đại sứ quán CHDCND Triều Tiên”. Đây chính là nơi phó đại sứ Thae Yong-ho sống và làm việc trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc.
Cuộc sống lặng lẽ
Theo cư dân địa phương, ông Thae cùng các đồng nghiệp là “những láng giềng kiểu mẫu”, họ im ắng, kín đáo và hiếm khi được trông thấy rời khỏi đại sứ quán, trừ khi họ ra ngoài để rửa xe.
“Họ là những người rất dễ tính, tốt bụng và lịch sự, nên tôi thực sự không có lời gì không hay để nói về họ. Lần duy nhất tôi thấy họ là khi họ đi ra từ cửa sau để rửa xe”, một người sống gần tòa đại sứ nói.
Dường như ông Thae đã quyết định bỏ trốn vào giữa tháng 7, vì cư dân địa phương cho biết lúc đó đột ngột có nhiều người đi lại bên ngoài đại sứ quán.
“Vài tuần trước, có những chiếc xe dọn nhà đến và đi, một số người từ trong bước ra để hút thuốc”, một người đàn ông sống gần đại sứ quán nói. “Chắc đấy là lúc họ dọn đi. Có vẻ như họ đã làm việc đó một cách bí mật”.
“Ông ấy là một người nhã nhặn. Thỉnh thoảng chúng tôi có thấy gia đình ông ấy. Vợ ông ấy thường đưa các con đến trường. Có khi tôi đi ngang qua lúc họ rửa xe và chào họ. Nhìn bên ngoài, họ trông bình thường như bao gia đình khác”, người láng giềng cho biết.
Các con của ông Thae học tại những ngôi trường công địa phương, và thường đi ăn cà ri tại một nhà hàng Ấn Độ gần đó. Một con trai của ông đã tốt nghiệp đại học tại Anh, trong khi người con còn lại đỗ vào trường Imperial College London trước khi gia đình đào tẩu.
Ông Thae còn tham gia câu lạc bộ tennis St Colomba’s Lawn, nằm cách tòa đại sứ chỉ vài trăm mét, tuy nhiên, một hội viên cho biết ông không thường xuyên đến đây chơi.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh. Ảnh: IBTimes |
Chạm mặt khó xử
Triều Tiên có 24 đại sứ quán khắp thế giới, nhưng các nhân viên chỉ được nhận mức lương khiêm tốn từ Bình Nhưỡng. Do đó, các nhà ngoại giao phải tự tạo nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, Telegraph viết.
Có thông tin cho rằng cũng chính vì điều này mà một số người đã tìm đến những cách kiếm tiền bất hợp pháp, mặc dù không có bằng chứng cho thấy đại sứ quán Triều Tiên tại London có liên quan đến hoạt động tội phạm.
Theo một tuyên bố của Bộ ngoại giao Anh năm 2015, đại sứ quán Triều Tiên còn nợ chính phủ Anh hơn 200.000 bảng (263.000 USD) tiền phạt vì đậu xe sai quy định.
Joo-il Kim, người Triều Tiên đào tẩu sang Anh năm 2005, nói rằng các nhà ngoại giao thường săn lùng đồ giảm giá tại khu vực Ealing. Ông Kim cho biết một vài người kiếm thêm bằng cách mua búp bê cũ, giặt sạch rồi bán lại.
Có đồn đoán rằng các nhà ngoại giao ở London có nhiệm vụ do thám khoảng 650 người Triều Tiên đào tẩu sống ở Anh. Nhiều người trong số này sống tại New Malden, vùng ngoại ô ở tây nam London còn được gọi là “Little Triều Tiên”.
Khi các nhà ngoại giao tới New Malden để mua sắm, họ có những lần chạm mặt khó xử với những người đào tẩu.
Ông Thae cũng từng rơi vào tình huống đó. “Khi ông Thae đến New Malden, tôi nhận ra ông ấy và nói rằng: ‘Xin chào, ông có khỏe không?”, ông Joo-il kể lại. “Không giống các nhà ngoại giao khác, ông ấy rất lịch thiệp”.