Cuộc tình xa hoa của Bạch Công Tử với công chúa Nga

Hầu như trong mọi cuộc chơi của những người đàn ông đều không thể vắng bóng phụ nữ. Bạch công tử là một tay chơi khét tiếng ở Nam kỳ vào những thập niên đầu 1900.

Dĩ nhiên những bóng hồng đã qua tay công tử hào hoa này không phải ít. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được ghi lại những nhân vật chính đã in đậm trong tâm thức chàng trai George Lê Công Phước.

Người tình trên đất Pháp

Sau khi ông đốc phủ Sủng qua đời, gia tài kếch xù lọt vào tay Bạch công tử. Nhớ lại thuở còn đi học bên Pháp, mộng ước của công tử là muốn trở lại Paris để ăn chơi cho thỏa thích bởi trước đó khi còn đi học, mức độ tiêu pha vẫn còn hạn chế.

Trước đây, trong thời gian ở Pháp, vốn là người rất mê cải lương, George Phước từng học về ngành sân khấu. Khi về nước, George Phước cùng ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương. Dịp may đã đến. Năm 1931, đoàn Phước Cương được mời sang Pháp biểu diễn và dĩ nhiên, Bạch công tử phải là người hướng dẫn.

Sang Pháp lần này trong vali của Bạch công tử đầy ắp tiền bạc. Thỏa sức ăn chơi, Bạch công tử kết thân với nhiều người trên đất Pháp trong đó có cả những nhà quí tộc để sau đó chính Bạch công tử được mang danh là quí tộc châu Âu.

Những ngày sống trên đất Pháp, buổi trưa Bạch công tử ăn ở khách sạn do một người đầu bếp mang theo từ Việt Nam nấu. Buổi chiều cho đến tối, là những cuộc chơi nghiêng ngả ở những điểm ăn chơi sang trọng nhất Paris.

Trong những lần ăn chơi đó, Bạch công tử đã tìm được cho mình một người tình tuyệt đẹp. Nàng là một cô gái Nga tuổi mới lớn thuộc dòng dõi Nga Hoàng đang tỵ nạn chính trị tại Pháp, công chúa Princesse Olga.

Đây là một dòng vua lớn nhất châu Âu nên mặc dù mất ngôi đi tỵ nạn, những người trong hoàng tộc vẫn giữ được nề nếp.

Chuyện Bạch công tử chiếm được trái tim của công chúa Nga đã làm nhiều dân chơi tại kinh đô ánh sáng vô cùng thán phục nên đã đặt cho chàng biệt danh là “ông hoàng xứ Galles”.

Những tước hiệu mà người đời đặt cho Bạch công tử như quí tộc châu Âu, ông hoàng xứ Galles, ông hoàng ăn chơi đã lấy đi khá nhiều tài sản tiền của mà ông đốc phủ Sủng đã dày công làm nên.

Đồng tiền không do chính mình làm ra thường được các tay công tử vung tay bạt mạng. Sau 2 năm 1931 – 1932 ăn chơi trên đất Pháp, Bạch công tử đã làm mất đi khá nhiều ruộng đất nhưng điều đó vẫn chưa làm ông chùn bước.

Ăn chơi thỏa thích

Kể từ khi có người tình, đêm nào cũng vậy Bạch công tử và công chúa Olga đều tay trong tay có mặt tại các tụ điểm ăn chơi nức tiếng tại các khu Montmartre, khu Saint Germain des Prés, khu Champs Élysée…. Thông thường Bạch công tử ăn nhậu cùng bạn bè tại các nhà hàng xong rồi mới đi nhảy đầm suốt sáng.

Theo các tài liệu còn lưu lại đến ngày nay, mỗi ngày Bạch công tử mặc một bộ đồ khác nhau. Đây là những kiểu trang phục mà chỉ có những tay quí tộc mới có điều kiện sử dụng. Ngoài ra, Bạch công tử còn đội nón Flécher, miệng ngậm xì-gà, tay cầm gậy bằng gỗ mun bịt vàng. Mùa đông đến, Bạch công tử mặc thêm áo khoác ngoài bằng da thú hoặc bằng loại vải đắt tiền nhất.

Trong bài viết “giai thoại về Bạch công tử Lê Công Phước” trên trang mạng Jianvip1112 có ghi rõ: “Trong những đêm dạ hội, George Phước đúng nghĩa là một ông hoàng, khi cùng “công chúa’ Olga, cây đinh của những buổi tiệc tùng sang trọng, khoác tay nhau trước bao cặp mắt thèm thuồng, ganh tị.”

Trong gần 2 năm ăn chơi ở Âu Châu, “ông hoàng xứ Galles” George Phước có một lịch trình hưởng các lạc thú khắp nơi trên đất Pháp. Vào mùa hè, ông cùng các bạn tự lái xe xuống phía Nam, đón không khí trong lành tại các thành phố biển nổi tiếng của Pháp nằm bên bờ Địa Trung Hải như Cannes, Nice…

Ban ngày họ tắm biển, thuê du thuyền đi ra biển câu cá, có khi ngủ đêm trên biển. Họ cũng không bỏ qua các hộp đêm sang trọng ở các thành phố . Không chỉ “quậy phá” trên nước Pháp, để tăng thêm cảm giác, Goerge Phước còn cùng Pricesse Olga vượt rặng núi Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò hoặc khiêu vũ cùng những võ sĩ bò tót.

Đến mùa Đông, George Phước thích cùng Olga hưởng riêng lễ Giáng Sinh tại Paris, sau đó hai người đi trượt tuyết ở núi Alpes hoặc các khu du lịch, thể thao mùa đông nổi tiếng khác”.

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Sau 2 năm đắm chìm trong xa hoa, cuối năm 1932, Bạch công tử về nước. Cuộc tình giữa George Phước và công chúa Olga của Nga hoàng chấm dứt từ đó.

Khi về nước, những cuộc tình khác tiếp tục xuất hiện điểm tô thêm nhiều màu sắc trong cuộc sống trác táng của chàng công tử xứ Nam kỳ.

Trần Chánh Nghĩa

(còn tiếp)

Leave a Reply