Cựu thủ tướng Israel Ariel Sharon qua đời sau 8 năm hôn mê

Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng thuộc Trung tâm y tế Shaba của Israel cho biết, Cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon vừa qua đời hôm qua (11/1) hưởng thọ 85 tuổi.
[youtube_wpress search=”1″] [tubepress mode=”tag” tagValue=”Ariel Sharon” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false” theme=”phim”] “Trung tâm Y tế Sheba vô cùng thương tiếc thông báo sự ra đi của cựu Thủ tướng Ariel Sharon”, Giáo sư Shlomo Noy cho biết.

Thông tin này đã được con trai ông – Gilab Sharon xác nhận.

Sau khi bị đột quỵ nghiêm trọng vào ngày 4/1/2006, nhà lãnh đạo phong trào dân tộc cánh hữu trên chính trường Israel này đã rơi vào tình trạng hôn mê và gặp phải “các vấn đề nghiêm trọng về thận” sau khi trải qua đợt phẫu thuật. Ông được điều trị tại Bệnh viện Tel Hashomer ở thành phố Tel Aviv và chưa một lần tỉnh lại.

Giới chức Israel cho biết, lễ tang ông Sharon sẽ được cử hành theo nghi thức cấp nhà nước. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng sẽ được mời đến tham dự lễ tang.

Ảnh minh họa

Ông Sharon là một nhân vật rất có tầm cỡ trên trường chính trị và quân sự của Israel nhưng ông cũng là người gây nhiều tranh cãi trong suốt sự nghiệp dài của mình.Ông Sharon thường được ví như “chiếc xe ủi”.

Cựu Thủ tướng Sharon sinh ngày 27/2/1928 ở ngoại ô Tel-Aviv, bố mẹ là người gốc Belarus. Năm lên 14 tuổi, Sharon tham gia Haganah, một lực lượng bán quân sự hoạt động ngầm của người Do Thái. 31 năm sau, ông trở thành tư lệnh đơn vị thiết giáp trong chiến dịch tại bán đảo Sinai, Ai Cập. Ông lên chức Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 1981 nhưng bị đẩy ra khỏi vị trí này 2 năm sau đó vì chỉ huy chiến dịch tấn công vào Lebanon, gián tiếp gây ra vụ thảm sát hơn 700 thường dân Palestine tại các trại tị nạn ở Sabra và Shatila.Lên làm Thủ tướng lần đầu tiên vào năm 2001, ông Sharon đã tái đắc cử chức vụ này vào năm 2003 sau một cuộc bầu cử trước thời hạn. Đến năm 2005, ông rời bỏ đảng Likoud để lập một đảng cánh trung hữu, mang tên Kadima.

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, vị cựu Thủ tướng Israel này luôn giữ lập trường cứng rắn, đôi khi tàn bạo với Palestine, chủ trương xây các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên, mãi cho tới trước khi bị đột quỵ, vị cựu thủ tướng này lại quyết định đơn phương rút quân Israel ra khỏi giải Gaza vào năm 2005 và dần dần chấp nhận sự tồn tại của một nhà nước Palestine bên cạnh Israel.

Mất mát lớn đối với Israel

Ariel Sharon được cho là sẽ đi vào lịch sử như một trong những lãnh đạo quân sự và chính trị mưu mô nhất, chuyên sử dụng biện pháp mạnh và luôn gây bất ngờ cho bạn hữu lẫn kẻ thù. Sự ra đi của ông Sharon là một mất mát vô cùng to lớn đối với nhân dân và chính phủ Israel.

Tổng thống Israel Shimon Peres bày tỏ: “Người bạn thân thiết của tôi, Arik (Ariel) Sharon, hôm nay dừng bước trong trận chiến cuối cùng của ông ấy”,.

“Arik là một chiến binh dũng cảm, rất yêu nước và đất nước cũng yêu thương ông ấy. Ông là người bảo vệ vĩ đại của Israel và là kiến trúc sư quan trọng nhất, người không hề biết sợ hãi và không bao giờ bị hạn chế tầm nhìn. Mọi người sẽ rất nhớ ông”, ông Peres nói thêm.

Bộ trưởng Chiến lược Yuval Steinitz cũng nói rằng “đất nước Israel hôm nay mất đi một người đàn ông đáng kính, nhà lãnh đạo vĩ đại và một chiến binh dũng cảm”.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu rằng ông Sharon là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Israel. “Với tư cách là một thủ tướng, ông đã có những quyết định dũng cảm và gây tranh cãi trong việc theo đuổi hòa bình. Israel hôm nay đã mất đi một nhà lãnh đạo quan trọng” – ông Cameron nói.

Thủ tướng Pháp Francoise Hollande ca ngợi ông Sharon là một nhân vật lịch sử. “Sau một sự nghiệp chính trị và quân sự dài, ông đã chọn việc hướng đến đối thoại với người Palestine” – Tổng thống Pháp phát biểu.

Vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng ca ngợi ông Sharon là một nhà lãnh đạo cống hiến cuộc đời cho Israel.

Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Tuy nhiên, người dân Palestine lại đón nhận tin này một cách vui vẻ. Một quan chức cấp cao của nước này gọi ông Sharon là tội phạm, phải chịu trách nhiệm về cái chết của cố tổng thống Yasser Arafat, qua đời tháng 11/2004 tại Pháp, và tiếc rằng không đưa được ông Sharon ra Tòa án Tội phạm Quốc tế.

Ở Dải Gaza, lực lượng Hồi giáo Hamas cũng vui mừng khi biết tin ông Sharon qua đời.

Phong trào Hamas cho rằng việc ông Sharon qua đời là một “khoảnh khắc lịch sử”, đánh dấu “sự biến mất của một tội phạm với bàn tay nhuốm máu người Palestine”.

Giám đốc Trung đông của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Sarah Leah Whitson cũng bày tỏ tiếc nuối rằng ông Sharon đã không bị đối mặt với công lý, đặc biệt là vai trò của ông trong vụ giết chóc ở trại Beirut.

 

 

Đan Khanh

Leave a Reply