SACRAMENTO, California (NV) – Bà Dee Lescault vừa nhận tin xấu từ chủ cho thuê mặt bằng. Tiệm tóc của bà ở Costa Mesa chỉ mới mở lại hôm 1 Tháng Sáu sau nhiều tháng đóng cửa vì COVID-19 khiến bà lỗ nặng, theo nhật báo The Los Angeles Times. Nay, tiểu bang lại đóng cửa.
“Chỉ yêu cầu đeo khẩu trang thôi thì có gì quá đáng không?” bà Lescault bực bội viết trên Twitter. “Cư dân mà không khỏe mạnh thì làm sao kinh tế khỏe mạnh. Làm ơn hiểu cho.”
Ít nhất, thợ hớt tóc 66 tuổi này còn lịch sự nói “làm ơn.”
Trong tuần này, mạng xã hội bùng nổ những câu bình luận đầy tức giận, thường là tục tĩu, sau khi Thống Đốc Gavin Newsom hôm Thứ Hai công bố California phải đóng cửa phần lớn doanh nghiệp một lần nữa vì COVID-19 vẫn lây lan mạnh.
Trong bốn tháng đại dịch hoành hành vừa qua, người dân California chỉ bực tức thống đốc, các chính khách khác, giới chức y tế quận hạt và Tổng Thống Donald Trump.
Nay, trong những ngày đầu của lệnh đóng cửa lần thứ nhì, cư dân quay sang “chửi” nhau chưa từng có.
“Tôi rất tức giận người nào không chịu bảo vệ người khác,” bà Lescault cho hay hôm Thứ Ba, trong lúc bà cùng một nhân viên dọn dẹp tiệm tóc Muti Hair Design của bà ở Costa Mesa để chuẩn bị đóng cửa lần nữa. “Họ thật ích kỷ, thiếu hiểu biết, và không chịu để ý.”
Số ca COVID-19 tăng mạnh gần đây bắt đầu khoảng tháng trước, khi thành phố bắt đầu mở cửa lại, người dân bắt đầu tụ tập trở lại, đứng quá gần nhau trong những bữa tiệc trong nhà cũng như ngoài trời và không chịu đeo khẩu trang.
“Đeo khẩu trang đi mọi người,” diễn viên Coby Ryan McLaughlin viết trên Twitter, trong đó có một từ tục tĩu. “Tôi muốn đi làm lại. Tôi muốn con tôi được đi học lại. Tôi muốn ra quán rượu ngồi uống với vợ. Đừng làm [tục tĩu] nữa. Nhất là anh đó, Florida. (Cả anh nữa, California).”
Chương trình mà McLaughlin tham gia phải ngưng lại vì COVID-19. Anh không thể đi từ nhà mình Los Angeles đến Georgia, nơi anh thường xuyên làm việc. Con gái 9 tuổi của anh sẽ phải học ở nhà vào mùa Thu năm nay vì nhiều học khu không mở lại trường học nhằm ngăn virus lây lan.
“Hãy đeo khẩu trang, đừng đi dự mấy bữa tiệc [tục tĩu]. Cứ bình tĩnh. Chịu khó làm theo quy định một lần thôi, đừng biến chuyện này thành vấn đề chính trị to lớn,” nam diễn viên McLaughlin viết trên Twitter.
Những người ủng hộ đeo khẩu trang vấp phải sự phản đối khá mạnh mẽ từ những người bảo thủ. Phe bảo thủ đăng hình ảnh hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình “Mạng Sống Người Da Màu Cũng Quan Trọng” ở Hollywood hồi Tháng Sáu.
“Nhưng phe Dân Chủ nói đi biểu tình thì không thể nhiễm bệnh,” một người đăng bình luận trên mạng xã hội cho đoạn video về cuộc biểu tình khổng lồ nêu trên. “Chỉ có bãi biển, quán rượu, hay nhà hàng. Home Depot và Walmart an toàn.”
Tối Thứ Ba, ông Marciano Analco, 47 tuổi, đứng bán nước uống bên ngoài Tòa Thị Chính South Gate, Los Angeles County, mặt đeo khẩu trang tự làm bằng khăn choàng.
Khi đợt đóng cửa đầu tiên có hiệu lực, công việc làm ăn của ông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông vẫn phải cố “bán được chút nào hay chút đó.” Vài tuần gần đây, tình hình có vẻ sắp trở lại bình thường. “Nay, lại phải bắt đầu từ đầu,” ông nói.
Thỉnh thoảng, trong lúc bán hàng, ông kể ông gặp nhiều người không đeo khẩu trang. Họ khiến ông lo cho sức khỏe bản thân – người gốc La Tinh nằm trong số những sắc tộc bị nhiễm COVID-19 nhiều nhất. Tuy nhiên, ông không muốn tranh cãi với họ.
“Mọi người phải làm theo đúng quy định,” ông nói. “Nếu có lệnh đeo khẩu trang, mọi người phải đeo. Đúng là không thoải mái, nhưng chúng ta phải đeo để bảo vệ mọi người.”
Cô Bella Colbert hoàn toàn đồng ý. Cô học sinh 16 tuổi này hầu như ở nhà suốt bốn tháng nay, và luôn mong ngóng được đi học trở lại vào mùa Thu. Được đến lớp ở trường Glendora High. Được gặp gỡ giáo viên và bạn bè bên ngoài chứ không phải trên Internet.
Tuy nhiên, nay, sẽ không chuyện đó. Hôm Thứ Ba, học khu của cô loan báo sẽ tiếp tục dạy online trong tháng tới, và dự tính vừa dạy online vừa trên lớn khi nào nhận thấy an toàn.
Cô Colbert nói cô không tức giận học khu, mà tức giận mọi người.
“Lẽ ra mùa Hè này người ta phải cố gắng hết sức ngăn virus lây lan, nhằm giúp thế hệ tương lai trong xã hội chúng ta được đi học như mọi người khác,” cô nói. “Thay vào đó, người ta lại không làm theo lệnh nên khiến dịch bệnh chết người lây lan mà lẽ ra ngăn chặn được…”
Bác Sĩ George Rutherford, nhà nghiên cứu dịch bệnh và chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở UC San Francisco, nói: “Theo tôi, đeo khẩu trang và làm theo vài quy định đơn giản thì đâu phải là tận thế. Đeo khẩu trang không phải là dấu hiệu nền văn minh Tây phương kết thúc. Biện pháp này khá tốt.”
Bác Sĩ Rutherford cho biết, trong số 36 người mà ông nhìn thấy ngoài đường trong lúc lái xe về nhà hôm Thứ Ba, chỉ có bảy người đeo khẩu trang.
“Cái quái gì vậy?” ông hỏi. “Đeo khẩu trang đi, chấm hết. Chỉ có vậy. Ra khỏi nhà là phải đeo khẩu trang.” (Th.Long)