Đến Mỹ làm con nuôi khi mới 3 tuổi, nay anh 41 tuổi sắp bị trục xuất về Nam Hàn


VANCOUVER – Trong mấy tháng qua, giới truyền thông trong vùng tây bắc Hoa Kỳ, nơi có nhiều người gốc Á Đông sinh sống, đã đi những loạt bài phóng sự về trường hợp đáng thương của một người gốc Nam Hàn có vợ gốc Việt Nam.


Adam Crapser chào đời ở Nam Hàn. Khi lên 3 tuổi, anh được một cặp vợ chồng người Mỹ nhận làm con nuôi.

Cho đến thời gian gần đây, anh sống ở Vancouver, tiểu bang Washington với hai cô con gái và người vợ đang mang thai. Anh đã có một con trai với một bạn gái cũ. Trước đây anh làm chủ một tiệm hớt tóc, nhưng quyết định trở thành một người cha ngồi ở nhà, đôi khi chơi đàn guitar và kèn ukulele, và trông coi một con chó cứu nạn.

Adam Crapser cùng vợ Anh Nguyễn và hai con gái Christal, 1 tuổi, và Christina, 5 tuổi. (Huffington Post)

Nhưng cuộc sống sắp thay đổi hoàn toàn. Nhà chức trách đang thi hành lệnh trục xuất Adam Crapser về lại Nam Hàn, tức là bắt anh phải xa gia đình, xa nơi anh đã sống 37 năm trong số 41 năm cuộc đời.
Anh đang bị giam tại một trung tâm giam giữ di trú ở Tacoma, Washington.

Luật sư Lori Walls của Adam với hãng tin AP, “Anh ấy sẽ bị trục xuất ngay sau khi cơ quan Thực Thi Công Lực Di Trú Và Quan Thuế làm những công việc sắp xếp cần thiết. Adam, gia đình anh, và những người ủng hộ cảm thấy đau lòng vì kết quả như thế.”

Việc trục xuất Crapser là một kết cục buồn thảm cho một cuộc sống ở Hoa Kỳ không phải là dễ dàng.
Sau khi bị bỏ rơi gần thủ đô Seoul ở Nam Hàn, Adam và một người chị được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng mà báo chí không nêu tên. Tất cả tài sản anh đã mang theo băng qua đại dương là một đôi giày cao su màu xanh lá cây, một cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Đại Hàn, và một con chó nhồi bông.

Như tạp chí New York Times ghi nhận trong một hồ sơ dày về Adam, cặp vợ chồng ấy bỏ rơi hai đứa bé, giao cho hệ thống nuôi trẻ, sau nhiều lần họ bắt bé Adam ngồi dưới hầm nhà tối tăm để chịu phạt.

Anh và cô chị bị phân ly. Sau khi sống trong một số nhà nuôi trẻ, anh được được Thomas và Dollar Crapser nhận làm con nuôi. Cặp vợ chồng này đã nhận nuôi hai đứa trẻ khác, và cũng chăm sóc một số đứa con nuôi khác.

Theo Adam cho biết, gia đình này còn ngược đãi anh nhiều hơn gia đình trước. Họ đập đầu mấy đứa trẻ vào khung cửa, dán miệng lại bằng băng keo, và phang các em bằng những khúc cây gỗ. Rốt cuộc họ bị kết án trong năm 1992, với mấy tội danh ngược đãi và hành hung.

Tuy nhiên trước đó họ tống cổ Adam ra khỏi nhà sau một vụ cãi lộn. Việc đó xảy ra quá nhanh, đến nỗi Adam phải để lại cuốn Kinh Thánh và đôi giày cao su trong ngôi nhà ấy. Đó là những di vật cuối cùng từ quê hương nơi Adam ra đời.

Adam đã bị bắt quả tang đột nhập vào căn nhà đó, tìm cách lấy lại mấy món đồ, và đã nhận tội ăn trộm. Hai mươi lăm tháng tù giam nối tiếp theo sau đó.

Trong những năm kế tiếp, Adam gây một số tội phạm. Adam bị buộc tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, và sau đó là tội tấn công sau khi đánh lộn với người bạn cùng phòng. Trong năm 2013, anh tới thăm đứa con trai đã có với một người bạn gái cũ, bất chấp một lệnh bảo vệ mà cô ấy nhận được chống lại Adam.
Adam nói với tạp chí New York Times, “Tôi đã làm nhiều điều sai lầm trong đời tôi, và tôi không hãnh diện về chuyện đó. Tôi đã học được nhiều bài học qua những kinh nghiệm không hay.”

Trong mấy năm qua, anh làm việc để có cuộc sống bình thường, bằng cách kết hôn và lo cho gia đình. Vợ Adam là có Anh Nguyễn. Họ có hai con gái Christal, 1 tuổi, và Christina, 5 tuổi.

Nhưng anh bị các viên chức di trú liên bang để ý, sau khi anh làm đơn xin được cấp thẻ xanh trong năm 2012. Họ tìm hiểu bối cảnh thân thế, và tìm thấy một thành tích tội phạm, khiến cho anh hội đủ điều kiện để bị trục xuất.

Trong thực tế, đó là một hoàn cảnh được tạo ra trước tiên bởi chính những cha mẹ nhận nuôi, sau đó bỏ rơi anh. Không có gia đình nuôi anh, cũng như không có cơ quan nuôi anh, từng ghi danh cho cậu bé để trở thành công dân Mỹ.

Dae Joong Yoon, giám đốc điều hành Hội Phục Vụ & Giáo Dục Người Mỹ Gốc, nói với AP rằng chuyện này không phải là hiếm có. Có tới 35,000 người từ nước khác được nhận làm con nuôi ở Mỹ, không có quốc tịch Hoa Kỳ, không phải do lỗi của họ, mà là lỗi của cha mẹ họ và các cơ quan phụ trách việc nhận con nuôi.

Đạo Luật Quốc Tịch Trẻ Em năm 2000 điều chỉnh một phần của vấn đề này, bằng cách tự động cấp quốc tịch Mỹ cho những trẻ em được các công dân Hoa Kỳ nhận làm con nuôi. Thế nhưng, như đài NBC lưu ý, luật đó chỉ được áp dụng cho những người dưới 18 tuổi vào thời điểm luật ấy được thông qua.
Như vậy anh Adam và nhiều người khác đã bị để lại trong tình trạng lửng lơ.

Hiện nay Quốc Hội đang xem xét Đạo Luật Quốc Tịch Con Nuôi năm 2015. Luật này sẽ cấp quyền công dân cho tất cả những trẻ em nào được các công dân Hoa Kỳ nhận làm con nuôi.

Nhưng điều đó sẽ là quá muộn cho Adam, người vẫn còn hy vọng rằng luật này sẽ được thông qua.
Trong một văn bản mà đài NBC nhận được, Adam nói, “Mặc dù tôi thất vọng về phán quyết của thẩm phán, và lo lắng về tương lai của gia đình tôi, nhưng tôi hy vọng rằng điều đã xảy ra với tôi sẽ tiếp tục chứng minh tầm quan trọng của việc thông qua Đạo Luật Quốc Tịch Con Nuôi.”

Emily Kessel, từ nhóm Vận Động Quyền Con Nuôi, thấy việc trục xuất anh Crapser là “kinh khủng.”
Kessel nói với NBC, “Chúng ta không chọn gia đình của chúng ta. Nhưng Hoa Kỳ chọn đưa vào Mỹ những đứa trẻ được nhận làm con nuôi, với một lời hứa sẽ đặt các em vào trong những ngôi nhà an toàn, để lớn lên giống như bất kỳ người Mỹ nào khác. Những người được nhận làm con nuôi không phải là đồ bỏ. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng thúc giục các thành viên Quốc Hội, và nhấn mạnh nhu cầu cần phải có một cuộc điều chỉnh lập pháp hiện nay.”

Leave a Reply