Đề nghị phát triển Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người trong giới ngành y.
Trước đó, trong lễ khai giảng năm học mới của Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị trường này đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM.
Bà Tiến cho biết: “Có thể thay đổi thành ĐH Sức khỏe sớm nhất. Nếu chúng ta không đổi mới chúng ta sẽ tụt hậu so với Lào…”.
Ủng hộ…
Xoay quanh vấn đề này, Lê Thanh Truyền, sinh viên năm 5 Khoa Y Tế công cộng, Ngành Bác sĩ y học Dự phòng, Trường ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ: “Cá nhân tôi tin tưởng và ủng hộ quan điểm này của Bộ Trưởng. Trường ĐH Y dược TP.HCM là một trường trọng điểm của khu vực phía Nam về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành y tế Việt Nam. Điều đó đã được công nhận trong nhiều năm qua bởi trình độ chuyên môn và năng lực đầu ra của sinh viên. Hiện trường không chỉ có mỗi khoa Y, khoa Dược mà còn có nhiều Khoa khác như Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y tế công cộng, Điều dưỡng kỹ thuật y học,… Việc đổi tên thành ĐH hay Viện Sức khỏe sẽ phù hợp hơn với tầm vóc và sứ mệnh, thể hiện đúng hướng phát triển hiện tại của trường”.
Theo tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng bộ môn Hóa sinh, khoa Y, Trường ĐH Y dược TP.HCM, thì: “Một chiếc áo cũ có thể không phù hợp với sự phát triển, nên chăng hãy thay vào đó một chiếc áo mới hơn. Nhưng để ‘thay áo’ như thế thì đòi hỏi phụ thuộc vào sự phát triển của trường. Nếu lãnh đạo Bộ Y tế cảm thấy trường có sự phát triển mạnh mẽ nhiều năm qua, cảm thấy sự thay đổi từ trường ĐH thành ĐH thì hoàn toàn ủng hộ điều này. Và nếu phát triển từ trường ĐH thành ĐH thì dễ nhận ra có sự năng động hơn, nâng tầm vị thế của trường hơn”.
Một cựu sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, bác sĩ T.V.K đang công tác ở TP.HCM, cũng ủng hộ đề nghị này của Bộ trưởng Bộ Y tế, và cho rằng phương án này khả thi, có thể thành hiện thực trong thời gian tới.
… nhưng chỉ cần đổi tên thành ĐH Y dược TP.HCM
Mặc dù vậy, theo bác sĩ T.V.K thì không nhất thiết phải đổi tên Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe. “Vì thương hiệu, sự uy tín của Trường ĐH Y dược TP.HCM tồn tại hàng chục năm qua, có uy tín rộng khắp Đông Nam Á cũng như thế giới. Thế nên không cần phải đổi tên trường. Ngoài ra, nếu nói là ĐH Sức khỏe thì cần có những ngành nghề liên quan đến sức khỏe con người, như các vấn đề về môi trường, rác thải… Thế nên nếu đặt tên là ĐH Sức khỏe thì quá bao hàm và quy mô. Chỉ cần phát triển Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Y dược TP.HCM, đào tạo những ngành nghề liên quan đến y tế như điều dưỡng, y tế cộng đồng, nha khoa, y học cổ truyền…”, bác sĩ này phân tích.
Để đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế trở thành hiện thực, theo bác sĩ T.V.K thì cần chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng của các khoa hiện tại. Nâng cấp các khoa lên, có cơ chế tài chính phù hợp, chú trọng đội ngũ, lực lượng giảng viên ở các khoa hiện hữu… Sau đó phát triển lên thành các trường trực thuộc ĐH Y dược TP.HCM, hoạt động giống mô hình ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện nay.
“Vị thế giữa trường ĐH và ĐH là hoàn toàn khác nhau, việc thay đổi và phát triển Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Y dược TP.HCM sẽ giúp ĐH này có thêm uy tín, vị thế. Rất cần sự nâng cao chất lượng của trường để đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế trở thành hiện thực. Khi đó, ĐH Y dược TP.HCM sẽ có quy mô lớn hơn, có các Trường ĐH Y tế cộng đồng, Trường ĐH Nha khoa, Trường ĐH điều dưỡng… trực thuộc. Hiện tại, nếu khoa nào đáp ứng đủ những yêu cầu cần thiết thì có thể nâng lên, còn những khoa chưa đáp ứng được để trở thành Trường ĐH thì vẫn có thể giữ lại là khoa nhưng trực thuộc ĐH”, bác sĩ T.V.K cho ý kiến thêm.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên cũng có chung quan điểm: “Tên Trường ĐH Y dược TP.HCM đã trở nên thân thuộc, gần gũi và gắn bó với bao đời sinh viên của trường. Nó đã trở thành thương hiệu. Vì thế, nên chăng hãy phát triển trường trở thành ĐH thay vì là trường ĐH như hiện tại, nhưng không thay đổi tên ‘Y dược’ thành ‘Sức khỏe’. Chưa kể cái tên ‘Y dược’ cũng đã hàm chứa ý nghĩa rộng, liên quan đến ngành y, chứ không riêng chỉ đào tạo bác sĩ. Tên nào cũng được, nhưng theo tôi thì nên để là ĐH Y dược TP.HCM”.