Đôi vợ chồng Đỗ Ngọc Nam 43 tuổi có 14 đứa con

Hơn 20 năm kể từ khi lập gia đình, hầu như vợ chỉ ở nhà lo chuyện sinh đẻ nên anh Nam phải bươn chải đủ nghề, chạy ăn từng bữa nuôi 14 con.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Đỗ Ngọc Nam (43 tuổi) nằm khuất sau những dãy núi quanh năm heo hút thuộc thôn Ba Hương, xã Trà Đông (Bắc Trà My, Quảng Nam). Quanh năm bị cái đói, cái nghèo bủa vây nhưng kể từ khi kết hôn tới nay, hầu như năm nào chị Huỳnh Thị Lạc (vợ anh Nam) cũng cho ra đời một đứa con. Đến nay cả hai vợ chồng đã có với nhau 13 đứa con chung và một con riêng của chị Lạc với chồng trước. Tất cả sống với nhau trong một ngôi nhà.

anh1-2-7324-1425822632.jpg

Ngôi nhà nằm khuất sau dãy núi luôn nhộn nhịp tiếng cười nói của 14 đứa trẻ. Ảnh:Tiến Hùng.

Vừa đi phát rẫy thuê về, anh Nam đã phải vội vàng chạy quanh xóm để gọi từng đứa con đang đi chơi về ăn cơm. Các con đều tuổi san sát nhau, vì sợ gọi nhầm nên anh rất ít khi gọi tên cụ thể. Cả nhà ngồi chen chúc bên mâm cơm đạm bạc với ít thức ăn là rau nhà trồng được.

Lật giở từng trang để nhìn lại hai cuốn sổ hộ khẩu ghi đầy đủ tên tuổi của 14 người con, anh Nam kể vợ chồng anh sống chung trong một ngôi làng, nhiều lần đi phát rẫy thuê cùng nhau rồi nảy sinh tình cảm mặc dù anh biết chị từng trải qua một đời chồng. Năm 1992 anh chị cưới nhau, lúc đó chị Lạc đã có một con gái hơn 2 tuổi với chồng trước.

Cả hai bên nội ngoại đều có hoàn cảnh khó khăn nên tài sản riêng của hai vợ chồng chỉ có một túp lều bằng gỗ được dựng dưới chân núi. “Lúc đó tôi còn trẻ, việc gì cũng làm được nên cuộc sống dư dả khi chỉ lo cho 3 miệng ăn”, anh Nam chia sẻ.

Năm 1993, một năm sau khi cưới thì con trai thứ hai và là con chung đầu tiên của vợ chồng anh chị ra đời. Từ đó đến năm 1996, mỗi năm mỗi đứa lần lượt được sinh ra. Phần lớn thời gian từ sau khi cưới chị Lạc đều dành cho việc sinh đẻ nên khi đã có 5 con, một mình anh Nam quần quật kiếm từng bữa cơm lo cho 7 miệng ăn.

Sau khi sinh con thứ năm, chị Lạc quyết định ngừng đẻ. “Lúc đó phụ nữ được vận động đi đặt vòng và tôi đã hai lần đến trạm y tế nhưng các bác sĩ cho biết tôi bị sa dây chằng không thể đặt vòng được”, chị thuật lại.

Không biết cách nào để tránh thai trong khi anh Nam cũng muốn có nhiều con nên từ năm 1998 đến 2002, tiếp tục 4 đứa con nữa ra đời. Theo anh Nam, ông nội của anh từ miền xuôi lên đây lập nghiệp. Từ nhỏ thấy cha mình cứ buồn vì gia đình neo người, ít anh em nên anh rất muốn có đông con để vui nhà vui cửa.

anh3-1-6327-1425822633.jpg

Mỗi ngày đại gia đình anh cần gần 6 kg gạo để nấu cơm. Ảnh: Tiến Hùng.

“Không hiểu sao người ta đẻ khó còn tôi lại thấy chuyện sinh nở nhẹ nhàng. Cả 10 đứa con đầu đều đẻ tại nhà. Mãi đến đứa thứ 11, bà chị ruột đỡ đẻ sợ tôi đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu do sinh quá nhiều nên mới đưa đến trạm xá, vừa tới nơi thì con đã lọt lòng rồi”, chị Lạc đỏ mặt nói.

Hiện vợ chồng anh Nam có tất thảy 8 con trai và 6 con gái, cháu nhỏ nhất chưa đầy 20 tháng tuổi. Ngoài hai con gái đã lấy chồng, tính cả con dâu và cháu nội thì hiện có tới 16 người sống trong ngôi nhà này. Tài sản lớn nhất của gia đình anh hiện nay là con trâu trị giá khoảng 25 triệu đồng.

Ngôi nhà được vợ chồng anh tích góp xây từ năm 2005 đến giờ vẫn trống hoác, không sắm sửa được gì. Nhà có mỗi cái giường thì ưu tiên cho vợ và con nhỏ ngủ, mỗi tối anh Nam và các con phải trải chiếu chen chúc nằm giữa nhà. Những đêm đông thời tiết miền núi rét cóng, không đủ chăn để đắp, sợ con bị lạnh anh Nam phải mang củi vào nhà rồi nhóm lửa sưởi ấm.

anh4-8268-1425822633.jpg

Bữa cơm chính của gia đình chủ yếu là rau trồng ngoài vườn và cá bắt được dưới suối, thỉnh thoảng mới có thịt. Ảnh: Tiến Hùng.

Anh Nam cho hay mỗi ngày đại gia đình cần khoảng 6 kg gạo mới đủ ăn. Số ruộng nương ít ỏi của gia đình chỉ đủ ăn được khoảng 2 tháng, phần thời gian còn lại trong năm vợ chồng phải chạy ăn từng bữa. Cuộc sống khó khăn nên các con không đứa nào học quá nổi lớp 8. Vợ chồng anh Nam cùng các con trồng rau trong vườn nhà, rồi đi bắt cá dọc các khe suối nên thức ăn có thể tự cung tự cấp, thi thoảng mới mua bữa thịt về cải thiện. Quần áo, sách vở của các con phần lớn là hàng xóm, họ hàng thương tình đem cho, đứa lớn dùng xong rồi đến đứa nhỏ.

“Con cái là trời cho, không muốn sinh nữa nhưng lỡ có bầu thì vẫn sinh thôi”, chị Lạc cười nói. “Điều hạnh phúc nhất đối với chúng tôi là các con đều ngoan ngoãn, biết nghe lời. 14 đứa chưa hề đau ốm, bệnh tật phải mất viên thuốc nào cả”.

Ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông, cho hay xã cũng đã nhiều lần cử cán bộ dân số về để vận động gia đình anh Nam thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng không thành. “Từ sau khi sinh con thứ 14 cách đây gần 2 năm, chị Lạc đã được cán bộ y tế hướng dẫn cách phòng tránh mang thai bằng cách chích thuốc, có lẽ gia đình họ sẽ không sinh nữa đâu…”, vị chủ tịch xã ngập ngừng.

Tiến Hùng

Leave a Reply