Hơn 10 thành viên đảng Cộng hòa, do nghị sĩ Mo Brooks dẫn đầu, hôm 21/12 tới Nhà Trắng gặp Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Mike Pence và luật sư Rudy Giuliani để thảo luận về kế hoạch phản đối xác nhận chiến thắng của Joe Biden tại quốc hội vào tháng 1/2021.
Đây được coi là cơ hội cuối cùng để Trump có thể “lật kèo” cuộc bầu cử 2020, bằng nỗ lực thách thức kết quả kiểm phiếu đại cử tri do các bang gửi lên tại phiên họp lưỡng viện quốc hội vào ngày 6/1/2021. Phiên họp này do Pence chủ trì, nơi phiếu đại cử tri của từng bang sẽ được quốc hội xác nhận, qua đó chứng nhận chiến thắng cuối cùng cho Joe Biden.
Brooks cho biết ngày càng có nhiều quan chức ủng hộ nỗ lực của họ. “Sự ủng hộ đang tăng lên đối với việc phản đối các lá phiếu đại cử tri ở các bang do hệ thống bầu cử thiếu sót và khiến chúng không đáng được tin cậy”, Brooks nói với các phóng viên tối 21/12.
Để nỗ lực này thành công, văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri của Brooks sẽ phải có ít nhất một thượng nghị sĩ Cộng hòa ký tên. Hiện chưa có thượng nghị sĩ nào công khai xác nhận sẽ tham gia thách thức kết quả bầu cử ở quốc hội.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tommy Tuberville từng công khai bày tỏ sự “cởi mở” với ý tưởng này, nhưng Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell đã cảnh báo các thành viên đảng Cộng hòa không tham gia vào “cuộc phiêu lưu” thách thức phiếu đại cử tri ở quốc hội. McConnell, lãnh đạo quyền lực nhất của phe Cộng hòa tại Thượng viện, đã công nhận chiến thắng của Biden.
“Về phía Thượng viện, tôi nghĩ câu hỏi không phải là liệu có thượng nghị sĩ nào tham gia hay không, mà là sẽ có bao nhiêu thượng nghị sĩ tham gia”, Brooks tự tin khẳng định.
Theo Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, khi có đơn thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đủ điều kiện được đệ trình, phiên họp chứng nhận phiếu đại cử tri sẽ tạm dừng để Hạ viện và Thượng viện họp riêng rẽ.
Kết quả phiếu đại cử tri của các bang chỉ không được công nhận khi cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều bỏ phiếu ủng hộ đơn khiếu nại. Đây được coi là một kịch bản gần như không thể xảy ra do đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện.
Tuy nhiên, những đồng minh của Trump cho rằng việc thực hiện nỗ lực này sẽ giúp nhóm pháp lý của Tổng thống có cơ hội trình bày các chứng cứ, trong đó có những bản khai tuyên thệ “cho thấy tình trạng gian lận và đánh cắp bầu cử”.
Hiện chưa rõ nhóm pháp lý của Trump có thêm chứng cứ mới nào để đệ trình trước quốc hội hay không. Các luật sư của Tổng thống đã tiến hành hàng chục vụ kiện ở các bang và Tòa án Tối cao, nhưng không trình ra được bằng chứng thuyết phục để các thẩm phán ra phán quyết có lợi cho họ.
Đại cử tri đoàn, với tổng cộng 538 đại cử tri, từ 50 bang và thủ đô Washington đã bầu cho Joe Biden 306 phiếu và Tổng thống Trump 232 phiếu. Nếu nỗ lực “lật kèo” của đồng minh Trump vào ngày 6/1/2021 không thành công, Pence sẽ phải chứng nhận Biden là tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Ngọc Ánh (Theo Hill)