Nếu quan sát những ô tô lưu thông trên đường, chúng ta có thể thấy những bức tượng mang hình tượng Phật hay Bồ tát gắn trên táp-lô xe hơi như một tấm bùa bảo hộ an toàn cho lái xe, hay đơn giản là vật trang trí. Tại phòng khách một số gia đình, có thể thấy hình tượng Phật nâng thỏi bạc rất to. Thậm chí còn có cả củ đinh lăng khắc hình ảnh Phật ngâm trong rượu. Gần đây trong một số đám hiếu, tượng Phật cũng được gắn trên nóc xe hơi, bên dưới gắn tấm băng-rôn ghi “Di – Đà tiếp dẫn”. Trên các trang mạng xã hội lại có rất nhiều người dùng hình Phật làm ảnh đại diện cho tài khoản của mình.
Nhưng nếu để những hình tượng ấy trong xe hơi mà chúng ta có thể giữ mình không nói bậy hay không tán chuyện dung tục trong lúc đi xe thì tốt quá. Có thể truyền đạo lý Thiện lành của Phật gia tới nhiều người trên mạng xã hội mà không lạm dụng hình tượng của Phật cũng quá tốt. Nhưng dùng hình Phật để đại diện cho chúng ta trên mạng xã hội thì có phần bất kính, còn nói ra những lời bình luận đầy thị phi, thiếu văn hóa, dung tục, thì lại còn là báng bổ, khinh nhờn.

Để độ con người thế gian mà Đức Phật cũng đi xin ăn, ngài dạy đệ tử không tồn tiền, không tồn vật để không dưỡng dục vọng, coi nhẹ danh – lợi – tình. Vậy mà con người thế gian lại khắc hình tượng vị Phật cùng thỏi bạc lớn, đó không phải chuyện đáng cười sao. Nhét tiền lẻ vào tượng Phật, rồi bất kính tới mức tên món ăn, đồ uống cũng có chữ Phật. Được lên thế giới thánh khiết và mỹ lệ trên Thiên thượng, thật khó biết bao, Đức Phật dạy con người biết tu luyện, rũ bỏ dục vọng làm sinh mệnh siêu thường, hoặc chính từ đó mà đắc được phúc báo, lẽ nào Ngài lại “phù hộ độ trì” cho những lời cầu xin từ con người còn đầy ham muốn, dục vọng.
Càng thật khó hiểu hơn khi ai muốn tới Thế giới Tây Phương cực lạc lại chỉ cần lúc làm đám tang, người nhà giăng băng rôn nhờ Phật “tiếp dẫn” là được. Thậm chí chở hình tượng Phật đi trên đường hứng gió bụi, lại còn không viết đúng tên Ngài, thì với “tấm lòng” như vậy, sao có thể ích kỷ mong muốn được Phật độ trong khi bản thân không đủ kính cẩn.
Chữ tượng (象) có nghĩa là hình ảnh, dáng dấp, giống như người/vật thật. Người xưa để thờ cúng và mong mỏi có Phật ở bên chăm nom mình trong quá trình tu luyện, nên làm ra tượng Phật. Thấy tượng như thấy Phật, nên họ cung kính, thận trọng trong mọi hành động, lời nói khi đứng trước tượng, thậm chí còn không thể quay lưng mà bước khi ở trước mặt tượng Phật.
Sau khi Phật tổ rời đi, 1.000 năm sau được gọi là thời kỳ Tượng giáo (象教) nghĩa là chỉ còn hình tượng Phật trên thế giới, chứ không còn hiện thân của Phật. Nhưng con người vẫn kính ngưỡng đối với Pháp tượng của Ngài dù biết rằng tín Pháp của Ngài thì phải tuân theo lời dạy mà tu tâm dưỡng tính, chứ không phải câu nệ hình thức cúng bái. Nhưng đã lấy hình ảnh của Ngài làm ra tượng để mong Pháp thân Ngài ở bên chăm sóc, dẫn dắt thì phải kính ngưỡng như đứng trước Phật vậy.
Đó không chỉ thể hiện ngộ tính và lòng tin mà cơ bản nhất chính là thể hiện văn hóa truyền thống trọng lễ nghĩa, khiêm cung của người xưa.

Lễ không phải là những hình thức rườm rà, cổ hủ, cứng nhắc kìm kẹp tư tưởng con người ta như lập luận kiểu quy chụp mà người đời sau suy diễn. Lễ ấy cũng như Giới luật của Phật gia, là để ước thúc hành vi, rồi từ đó ước thúc suy nghĩ của con người, để họ luôn biết khiêm nhường, cung kính, gìn giữ phép tắc mà qua đó gìn giữ đạo đức, phẩm hạnh của mình. Thế nên Lễ vì thế không phải sợi dây trói buộc mà là sợi dây níu giữ đạo đức và nhân tính.
Học trò với người thầy cho mình bao tri thức và cách sống tất nhiên phải kính ngưỡng, tôn trọng. Người tu với bậc Giác Giả chỉ cho mình con đường thoát khổ thật sự, an nhiên tự tại, siêu việt thế tục thì lại càng phải kính ngưỡng và hàm ơn hơn nữa. Đâu thể chỉ vì lợi ích mà sì sụp cúng bái, còn giáo lý làm người tử tế thì bỏ quên cả, rồi hy vọng sẽ được độ, được ban ơn.
Nhưng người thời nay, biết đến Phật qua văn hóa tu luyện thì ít, mà qua cái văn hóa cầu xin tham lam không dựa trên tu dưỡng mà đắc được lại là phần nhiều. Học thuyết vô Thần đã phá hoại văn hóa tín Thần, đồng thời lại kích thích phát triển ham muốn tham lam của con người, vì họ tin rằng cuộc sống là đấu tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua, nên phải mạnh, phải giàu bằng mọi giá.
Con người từ đó chỉ muốn có được mà không phải mất, vì ham muốn và dục vọng mà đã bị mê mờ bởi những kẻ giả tu, nên tin rằng chỉ cần lễ bái là sẽ có được lợi ích. Họ nghĩ, người đút lót, chạy chọt được thì Thần, Phật ta cũng đút lót chạy chọt được, cứ cúng nhiều, cầu nhiều, sẽ được nhiều.
Thế nên từ cách hiểu sai sẽ sinh ra cách đối đãi biến dị, lệch lạc. Niềm tin với Thần, Phật ra sao thì thể hiện ra cách dùng hình tượng Phật như thế ấy. Đã hiểu và làm không đúng thì sao mong có được kết quả vừa ý đây?