SAN FRANCISCO – Nữ bác sĩ Mimi C. Lee, một người Mỹ gốc Hoa, và ông Stephen E. Findley kết hôn chưa được bao lâu thì ông bắt đầu nghi ngờ về mối quan hệ của hai người.
Nay đã ly dị, ông Findley đang tranh đấu để ngăn cản không cho Lee có một đứa con, với những phôi đông lạnh của họ. Việc đông lạnh được thực hiện sau khi Lee được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Vụ kiện này sẽ được quyết định trong vài tuần tới, và có lẽ sẽ dẫn đến những quy tắc pháp lý đầu tiên tại California để giải quyết những cuộc tranh chấp về phôi thai. Nếu bà Lee thắng kiện, ông Findley có thể bị buộc phải trở thành một người cha bất đắc dĩ. Nếu ông Findley thắng, thì bà Lee, bây giờ 46 tuổi, hầu chắc khó mà có được một đứa con từ di truyền của bà.
Vụ tranh chấp này có đầy kịch tính và thu hút giới chuyên gia. Những phôi thai sẽ có khả năng sống, không phải là tài sản như đồ vật trong nhà.
Trong hơn một chục vụ tranh chấp tương tự ở bên ngoài California, không có một tòa thượng thẩm tiểu bang nào cho phép ai đó sử dụng một phôi thai, khi có sự phản đối của một trong hai người.
Nhưng trong những năm gần đây, các tòa án xét xử tại Pennsylvania và Maryland, và một tòa phúc thẩm ở Illinois, đã phán quyết có lợi cho những người phụ nữ nào đã bị ung thư và không thể có con đẻ nếu không có những cái phôi thai ấy.
Ước tính nước Mỹ hiện có chừng 1 triệu phôi đông lạnh, nhưng pháp luật thay đổi chậm chạp không bắt kịp bước tiến của công nghệ. Xét về mặt pháp lý, một người muốn bảo tồn khả năng sinh sản sẽ ít bị tổn thương hơn, nếu người ấy lưu trữ trứng hoặc tinh trùng đông lạnh, theo các chuyên gia nói. Xét về mặt y khoa, xác suất của người đó sinh con là tốt hơn, nếu một phôi thai được tạo ra.
Hầu hết các phán quyết định cho đến nay đều tránh việc quyết định về chuyện phôi thai phải được đối xử khác với tài sản hay là không. Nhưng một số tòa án đã phải vất vả vật lộn với vấn đề này.
Theo các chuyên gia pháp lý, mẫu đơn mà bà Lee và ông Findley, 45 tuổi, đã ký trong năm 2010, tại một chẩn y viện khả năng sinh sản, thuộc đại học UC San Francisco, là rõ ràng và được soạn thảo cẩn thận. Cặp vợ chồng này đồng ý rằng các phôi của họ phải được phá hủy trong một vụ ly dị.
Luật California đòi các chẩn y viện phải cung cấp những mẫu đơn ấy. Nhiều luật sư giải thích những mẫu đơn ấy là các hợp đồng có tính cách ràng buộc.
Lee làm chứng rằng bà đã ký kết thỏa thuận đồng ý ấy trong một thời gian đầy sóng gió trong cuộc sống của bà, và bà đã chỉ đọc lướt qua mẫu đơn ấy.
Cách mười ngày trước đám cưới của bà với Findley vào năm 2010, Lee khám phá bà đã mắc phải một loại bệnh ung thư vú, khiến cho việc điều trị mang thai và sinh con trở thành rủi ro. Lee được giải phẫu cắt bỏ khối u. Sau một tuần trăng mật kéo dài hai tuần, họ biết rằng phẫu thuật đã không loại bỏ hoàn toàn chứng ung thư ấy.
Cặp vợ chồng này đã đến một chẩn y viện khả năng sinh sản để tạo ra các phôi, và sau đó Lee đã phải cắt bỏ vú.
Cách ba năm sau đó, Findley đòi ly dị. Ông khai rằng ông cảm thấy “bị bà giẫm chân lên” trong cuộc hôn nhân.
Một quyết định về các phôi thai là vấn đề cuối cùng, để cho chánh án Anne-Christine Massullo, của Tòa Thượng Thẩm San Francisco, quyết định trong việc ly dị, sẽ là chung quyết trong tháng Tư. Và Massullo sẽ phán quyết vào cuối tháng 11.
Bên thua có lẽ sẽ kháng cáo.
Findley, một giám đốc đầu tư, nói rằng đến một ngày nào đó ông muốn có con, nhưng không phải với bà Lee.
Findley khai rằng nếu ông thua kiện, thì ông sẽ chu cấp cho đứa trẻ, và sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của bé. Nhưng ông nói rằng ông lo sợ viễn cảnh của việc tương tác thường xuyên với Lee, sau vụ ly dị gây nhiều tranh cãi của họ.
Các luật sư của Findley đã đổ lỗi cho Lee gây ra tình cảnh khó khăn của bà. Trong các hồ sơ tòa án họ lập luận rằng bà đã hy sinh chức làm mẹ vì lợi ích của sự nghiệp của bà, và bà đã có bốn lần phá thai trước khi kết hôn với Findley. Họ cũng xem uy tín của bà là một vấn đề.
Lee, một chuyên viên gây mê, nhiều lần khóc nức nở trong phiên tòa. Bà nói rằng rằng bà sẽ không yêu cầu Findley trợ cấp nuôi con, mặc dù một đứa trẻ ở California có quyền hợp pháp để được chu cấp như vậy. Và bà nói rằng bà sẽ để cho Findley quyết định mức độ tham gia mà ông muốn với đứa con của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lee gọi những phôi thai ấy là “những đứa con của tôi, những em bé của tôi.” Bà nhấn mạnh rằng những sự lựa chọn mà bà đã làm trước khi bị ung thư là rất khác với những sự chọn lựa mà bây giờ bà sẽ làm.
Lee là một nghệ sĩ chơi đàn dương cầm được đào tạo tại trường Juilliard nổi tiếng ở New York, Sau cuộc chẩn đoán ấy, bà ngừng hành nghề y khoa, và quay sang âm nhạc. Hiện nay bà làm việc bán thời gian với tư cách là một bác sĩ gây mê, và trình diễn với tư cách là một nhạc sĩ. Bà nói, “Ung thư hoàn toàn làm thay đổi mọi sự.”
Tuy nhiên, chứng vô sinh của Lee là do tuổi tác gây ra, chứ không phải do ung thư. Khả năng chuyên môn của bà làm chứng rằng các phụ nữ cùng độ tuổi của bà chỉ có một xác suất 0.03% sinh được một em bé. Một bác sĩ ở đại học UC ước tính xác suất là từ 0% đến 5%.
Chẩn y viện sinh sản của bà nói rằng và có xác suất 20% có một đứa con với một phôi đông lạnh, theo Lee cho biết. Với năm cái phôi, bà hy vọng bà sẽ có một em bé với sự giúp đỡ của một người thay thế. Hiện nay bà đã khỏi bệnh ung thư.