Giám đốc FBI, James Comey, vi phạm quy tắc ngành Tư Pháp về vấn đề Emails & giá phải trả …

Cali Today News – Cựu Tổng Chưởng Lý Hoa Kỳ – ông Eric Holder – là một trong những cựu quan chức mới nhất trong ngành tư pháp lên tiếng chỉ trích việc Giám đốc FBI James Comey gởi thư lên Quốc hội thông báo quyết định mở lại cuộc điều tra máy chủ cá nhân của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.


Ông Holder bày tỏ quan ngại sâu sắc việc ông Comey đã quyết định gởi “một lá thư mơ hồ” về vấn đề email liên quan đến mối quan tâm của công chúng và chính trị. “Quyết định trên không đúng đắn,” ông Holder viết. “Điều này vi phạm chính sách và truyền thống lâu năm của Bộ Tư pháp, đi ngược lại với hướng dẫn tôi đã đề ra 4 năm trước về cách thức điều tra thích hợp trong mùa bầu cử.” Theo ông Holder giải thích, thông thường cơ quan không đưa ra lời bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra. Ngoài ra cũng có chính sách không đưa ra “biện pháp không cần thiết” khi ngày Tổng tuyển cử cận kề vì có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. “Những quy định này được chính quyền Cộng hoà và Dân chủ tuân theo lâu nay,” ông Holder cho hay. Chúng không nhằm giúp bất cứ một cá nhân cụ thể nào hay phục vụ lợi ích chính trị nào, chỉ để bảo đảm cuộc điều tra được tiến hành công bằng, cũng như duy trì niềm tin của công chúng, ông Holder cho biết thêm.

Theo cựu Tổng chưởng lý, ông Comey đã không tuân thủ theo “những nguyên tắc cơ bản này,” và “Tôi lo ngại rằng ông ấy đã vô tình làm ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào cả Bộ Tư pháp và FBI.” Ông Holder cho rằng, không cố ý nhưng ông Comney đã khiến cho thông tin sai lệch bị đồn thổi với ý đồ đảng phái không mấy trong sáng. Những email đó có thể không có gì sai trái nhưng vì lá thư của Comey đã đẩy tin đồn và thuyết âm mưu lan truyền chóng mặt.

Ông Holder cũng chỉ trích quyết định của đương kim Giám đốc FBI tổ chức buổi họp báo công bố quyết định không khởi tố ứng cử viên đảng Dân chủ hồi tháng 7. “Việc này vi phạm giao thức. Có thể lập nên tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc điều tra trong tương lại. Điều này sai trái,” ông Holder ghi.

“Tôi tôn trọng ông ấy, nhưng ngay cả người tốt cũng phạm lỗi!” ông Holder tuyên bố. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Comey đã “phạm lỗi nghiêm trọng mang những tác động tiêu cực tiềm ẩn.”

Một nhóm gần 100 cựu công tố viên và các quan chức cao cấp trong Bộ Tư Pháp đã ký một lá thư bày tỏ quan ngại về việc ông Comey thông báo cho Quốc hội những email có thể hoặc không có thể liên can đến máy chủ cá nhân của bà Clinton.

“Nhiều người chúng tôi đã từng làm việc với ông Comey, tất cả chúng tôi đều rất tôn trọng ông ấy,” lá thư được ban vận động tranh cử của bà Clinton công bố vào tối hôm qua. “Tuy nhiên, quyết định chưa từng có tiền lệ, công khai nhận xét về chứng cớ có thể liên can đến một điều tra đang diễn ra chỉ 11 ngày trước Tổng tuyển cử khiến chúng tôi giật mình và bối rối.”

Theo lá thư, chưa từng có một quan chức Bộ Tư pháp cao cấp của Cộng hoà hay Dân chủ trước ngày Tổng tuyển cử lại tuyên bố công khai những thông tin có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử mà còn thừa nhận những dữ liệu đang được xem xét có thể không có gì sai trái hoặc mới.

Lá thư ra đời sau khi Lãnh tụ thiểu số Thượng viện Harry Reid gởi một lá thư riêng đến ông Comey vào hôm chủ nhật, cho rằng Giám đốc FBI có thể vi phạm luật nghiêm cấm các quan chức liên bang sử dụng quyền hạn làm ảnh hưởng bầu cử.

Đảng Dân chủ và ban cố vấn của bà Clinton liên tiếp gây áp lực lên FBI đòi công bố thông tin chi tiết về việc cơ quan đang xem xét những email mới.

Trong khi đó, ông Trump lại nhìn thấy đây là cơ hội để lấy lại mã lực cầy thiết, đẩy sự chú ý công luận sang Clinton. “Chẳng có ai ngoài bà ta chịu trách nhiệm những vấn đề pháp lý,” ông Trump tuyên bố tại buổi vận động tranh cử ở Las Vegas.

Quyết định của người đứng đầu FBI gây tổn hại phần nào đến uy tín của bà Clinton, nhưng có ảnh hưởng thực sự đến cục diện hiện tại thì chưa chắc. Đảng Dân chủ và bà Clinton có lợi thế ở việc bỏ phiếu sớm. Thăm dò mới nhất ngay sau quyết định của FBI cho thấy bà Clinton vẫn dẫn trước ông Trump ở Florida với tỉ lệ sát sao 45% so với 44%, ngoài ra bà Clinton cũng vượt trước đối thủ ở North Carolina.

Theo tính toán từ các cơ quan truyền thông, cho dù ông Trump có giành thắng lợi ở các tiểu bang trọng yếu như Floria, North Carolina, Ohio, … đi chăng nữa thì con đường vào Toà Bạch Ốc của ông cũng rất hẹp. Chính vì vậy, ban vận động tranh cử của ông Trump chớp cơ hội vụ bê bối email vẫn tiếp tục diễn ra để tìm cách lấy thêm phiếu ở những tiểu bang hiện đang nghiêng về Clinton như Michigan và New Mexico.

Sáng hôm nay, phát ngôn nhân chính quyền Obama – ông Josh Earners cho hay, Toà Bạch Ốc sẽ không lên tiếng bênh vực hay chỉ trích Giám đốc FBI, và Tổng thống Obama tin ông Comey chính trực, FBI có thể đưa ra quyết định riêng, và “Điều quan trọng đối với FBI là vinh danh những quy tắc lâu năm.”

Hương Giang (Tổng hợp)

Leave a Reply