Gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch: ‘Vẫn vui như Tết’

(VTC News) – Tác giả viết truyện cười kỳ cựu của Hội bút Hương đầu mùa, báo Hoa học trò cho rằng, dù có gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch thì “vẫn vui như Tết”.

Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nên gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch để kinh tế Việt Nam “khớp” với kinh tế thế giới. Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Jap Tiên Sinh, cây viết truyện cười kỳ cựu của Hội bút Hương đầu mùa, báo Hoa học trò về đề xuất nên gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch.

– Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến về việc nên giữ hay bỏ Tết Âm lịch, hoặc gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch. Quan điểm của ông là gì?

Tết Âm lịch, hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta là Tết Cổ truyền là Tết truyền thống của dân tộc và một số nước Đông Á. Chắc chắn không cần nói thì ai cũng hiểu Tết Âm lịch quan trọng thế nào với mỗi người, Tết đã đi sâu vào tiềm thức rất khó quên của mỗi người, nhất là với những người xa quê lâu ngày. Tết còn có tác dụng về kinh tế. Dứt khoát không thể bỏ Tết được.

gop-tet-am-lich-vao-tet-duong-lichCó nhiều ý kiến cho rằng nên gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch

Tuy nhiên, có một quan điểm mà chỉ nói ra thôi cũng đủ gây phản ứng mạnh mẽ với nhiều người, nhưng tôi đồng ý: Nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch.

– Ông có mâu thuẫn với chính mình không khi mà vừa ca ngợi Tết truyền thống xong lại đồng ý nhập vào Tết Dương lịch?

Không bạn ơi, trên Facebook, cánh đàn ông vẫn ca ngợi sự tuyệt vời của những ngày sống độc thân, nhưng họ còn ca ngợi cuộc sống sau khi lấy vợ nhiều hơn thế.

– Tức là nhập Tết Âm lịch vào Tết dương lịch sẽ tuyệt vời hơn nữa?

Vẫn vui như Tết.

– Tức là với ông, việc “nhập” này không mất gì cả? Chỉ có được?

Ấy không, mất cũng nhiều chứ. Khi gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch, chúng ta sẽ mất phong tục ăn Tết theo mặt trăng truyền thống, có thể mất cái sự “tối như đêm giao thừa” nếu 1/1 dương lịch rơi vào giữa tháng âm… Nhưng cân đối giữa mất và được, tôi thấy nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch sẽ tốt hơn.

– Cụ thể, nếu nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch, chúng ta sẽ được gì thưa ông?

Tôi tin rằng nhiều người đã từng nghe hoặc đọc những quan điểm trái chiều về việc nên nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch. Và tôi tin, khi đọc xong, cả hai “phe” phản đối và ủng hộ đều xua tay, cười ruồi với những quan điểm của “phe” kia.

Việc “dời Tết” nó liên quan đến rất nhiều vấn đề: Kinh tế, văn hóa, phong tục… trong khi mỗi người đều dựa trên góc độ riêng của mình để thuyết phục. Về kinh tế, rõ ràng là thời buổi hội nhập này nếu chúng ta đồng bộ lịch với các nước khác thì công việc sẽ trôi chảy hơn, dễ xếp lịch hơn.

Về văn hóa như gói bánh chưng, thăm hỏi bạn bè, người thân,… chúng ta hoàn toàn có thể duy trì khi gộp Tết Âm lịch và Tết Dương lịch. Điều nhiều người tiếc nuối khi gộp Tết chính là “tiết”.

– Ông có quan điểm gì với ý kiến phản biện cho rằng Tết Âm không phù hợp, vì dời sang đầu năm dương lịch nó không hợp “tiết”, cho nên có giữ phong tục Tết thì vẫn không trọn vẹn?

Chữ Tết chính là “tiết”, còn “nguyên đán” là ngày khởi đầu, các cụ ta xưa chọn Tết như truyền thống lâu nay vì đấy là những ngày nông nhà nên nghỉ là phù hợp. Nhưng bây giờ khoa học đã phát triển, lịch thời vụ thay đổi nhiều, thời tiết cũng khác, nhiều khi Tết ở miền Bắc còn thấy nóng chứ không có “mưa xuân lất phất bay” thủa nào.

Ấy là chưa nói, ngày trước có mùa vụ ít, có nhiều dịp nông nhàn, nếu các cụ chọn Tết Âm lịch vào mùa hạ chẳng hạn, thì bây giờ ai cũng khẳng định rằng Tết là phải nóng, phải đi bơi đi tắm, phải mở toang cửa cho gió vào nhà để may mắn…

Lúc bấy giờ ai có ý kiến đưa Tết Âm lịch vào đầu mùa Xuân sẽ bị xem là có vấn đề. Nói thêm về khí hậu, những ngày đầu năm dương lịch bây giờ thời tiết vẫn đẹp hơn để đi chơi, đi giao lưu, lại có tác dụng kích cầu trong làm ăn.

– Hình như ông chỉ muốn nhấn mạnh về lợi ích kinh tế trong việc “nhập Tết”?

(Cười) Không, tôi nói “đi chơi, đi giao lưu” trước “kích cầu” mà. Nói gì thì nói, cuộc sống trước tiên phải ưu tiên chống giặc đói, sau nữa là vui chơi giải trí ở mức độ cho phép tài chính mỗi gia đình.

– Nhưng còn văn thơ, còn những cảm xúc giao mùa, có thể sẽ mất nếu Tết đến sớm hơn?

Mùa Xuân vẫn còn đó, có chạy đi đâu mà lo mất cảm xúc. Ví như mùa Thu, mùa Hạ, mùa Đông có cái Tết Âm lịch nào đâu mà cảm xúc vẫn dạt dào đấy thôi. Bây giờ có thể cho đào mai, hoa lá đâm chồi nảy lộc sớm hơn để đón Tết mới, còn 1/1 âm lịch vẫn gọi là ngày Tết Cổ truyền nhưng không nghỉ dài ngày, chỉ xem như Tết Trung thu hay Rằm tháng bảy vậy.

– Nếu thế thì bỏ hẳn Tết Âm lịch có tốt hơn là nhập không, thưa ông?

Không nên bỏ hẳn Tết. Chúng ta chỉ tinh chỉnh lại cho những giá trị truyền thống phù hơn hơn, đẹp hơn nữa chứ không nên bỏ hẳn những Tết. Tôi nói lại thế này hẳn bạn lại kêu tôi chỉ biết kinh tế, Tết có tác dụng kích cầu tốt nhất trong năm, hơn hẳn bất kỳ dịp nào.

– Vậy có phải ngày xưa các cụ ta chọn nhầm ngày?

– Không, rất đúng ngày là đằng khác, vì ngày xưa kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên Tết đúng đúng dịp nông nhàn là chính xác quá rồi. Việc chọn Tết của các cụ xưa hoàn toàn phù hợp cho chuyện làm ăn, và những ý kiến “nhập Tết” bây giờ cũng là chỉnh lại thời gian biểu cho phù hợp với làm ăn mà thôi.

Nếu bây giờ thay đổi thì 100 năm nữa lại thành truyền thống, lại thấy đẹp và đúng, khi ấy ai đòi dời Tết Nguyên đán sang mùng 1/1 âm lịch sẽ bị phản đối gay gắt ngay.

– Ông đánh giá thế nào về việc nghỉ Tết Âm dài ngày như hiện nay? Nhiều người cho rằng nó phù hợp vì nhiều người quê xa cần có thời gian dành cho gia đình. Nhưng có ý kiến cho rằng nghỉ Tết quá lâu khiến người dân nhậu nhẹt, gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Nhiều người chỉ ăn chơi, bỏ bê công việc.

Không có Tết thì người ta vẫn trích thì giờ vàng ngọc đáng ra phải lao động để đi nhậu, lượng bia tiêu thụ ở nước ta vẫn cao vời vợi. Còn Tết thì những người không uống bia rượu, không thích bài bạc họ vẫn không tham gia mấy vụ đó. Tất nhiên, tỉ lệ tai nạn giao thông và những pha cấp cứu ngày Tết cao hơn hẳn ngày thường, nhưng theo tôi chỉ tên tuyên truyền cùng với phạt nặng những hành vi vi phạm pháp luật chứ không nên vì những chuyện ấy mà hy sinh Tết.

– Xin cảm ơn ông!

Leave a Reply