Hành trình tìm kiếm Giấc mơ Mỹ của dì ruột Kim Jong-un

Gia đình dì ruột Kim Jong-un từng phải làm việc 12 tiếng một ngày khi mới đặt chân đến Mỹ và mua nhà từ tiền hỗ trợ của CIA.Theo Washington Post, trong suốt 18 năm qua, người phụ nữ được biết đến tại Triều Tiên với tên Ko Yong-suk cùng chồng là Ri Gang đã sống tại Mỹ sau khi đào tẩu khỏi Triều Tiên. Vợ chồng bà cùng ba người con đang có một cơ sở chuyên giặt khô quần áo tại đây.

“Bạn bè của tôi ở đây nói rằng tôi quá may mắn khi có mọi thứ”, bà Ko Yong-suk nói. “Các con tôi được học tại những ngôi trường tốt và có sự nghiệp thành công. Tôi có một người chồng đa tài. Chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật đủ đầy”.

Chồng của bà Suk, ông Ri Gang, vừa cười vừa nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được Giấc mơ Mỹ”.

Cuộc trò chuyện với tờ báo Mỹ là lần đầu tiên người dì của nhà lãnh đạo Triều Tiên phá vỡ im lặng về sự có mặt của mình ở Mỹ. Dù vậy họ vẫn lo sợ về việc xuất hiện trên báo giới, bởi ở Mỹ có nhiều người đang làm công việc phân tích tình hình Triều Tiên để kiếm sống, mà không biết rằng vợ chồng bà Ko đang ở ngay trên đất Mỹ.

Hành trình đào tẩu

Bà Ko có xuất thân rất bình thường, nhưng đã nhanh chóng bước vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội Triều Tiên, khi người chị ruột của mình – một nghệ sĩ, lọt vào “mắt xanh” ông Kim Jong-il, và trở thành người vợ thứ ba của nhà lãnh đạo nước này năm 1975.

Cũng chính ông Kim Jong-il là người chọn ông Ri làm chồng bà Ko. Họ cùng sống tại một khu nhà ở Bình Nhưỡng, và bà Ko là người chăm các con của mình và Kim Jong-un, con trai ông Kim Jong-il trong nhiều năm. Cuộc sống của họ khi đó thật dễ dàng khi được uống rượu ngoại, ăn trứng cá muối và đi xe sang.

Bà Ko có vẻ ngoài giống hệt người chị gái Ko Yong-hui, người mẹ quá cố của ông Kim Jong-un. Bà cũng chính là người từng chăm sóc ông Kim trong thời gian ông đi học tại Thụy Sĩ.

Đến năm 1998, biến cố xảy ra khi mẹ ông Kim Jong-un bị phát hiện mắc ung thư vú, và phải sang Pháp, Thụy Sĩ điều trị nhưng không có kết quả. Vợ chồng bà Ko bàn tính đào tẩu sang Mỹ. Họ nói rằng việc sang Mỹ chỉ nhằm tìm cách chữa bệnh cho mẹ ông Kim Jong-un.

Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc cho rằng họ sang Mỹ vì lo ngại về tương lai khi mẹ ông Kim Jong-un qua đời, khiến họ không còn sợi dây liên kết với gia tộc họ Kim. Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, bà Ko dường như cũng ngụ ý rằng đó là một trong những mối lo ngại của vợ chồng bà.

“Trong lịch sử, bạn từng thấy nhiều người thân cận với một nhà lãnh đạo quyền lực vướng vào rắc rối không mong muốn do những người khác đem tới”, bà Ko nói. “Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi tránh được rắc rối kiểu đó”.

Do vậy, vào một ngày năm 1998, ông Ri và bà Ko cùng ba con đón taxi tới đại sứ quán Mỹ ở Bern, Thụy Sĩ. Họ nói mình là các nhà ngoại giao Triều Tiên và muốn xin tị nạn. Sau vài ngày, họ được đưa tới một căn cứ quân sự Mỹ gần Frankfurt, Đức.

Họ sống trong một ngôi nhà ở căn cứ suốt vài tháng, và liên tục bị tra hỏi. Đó là lúc ông Ri và bà Ko tiết lộ mối liên hệ của mình với gia đình lãnh đạo Triều Tiên. “Chính quyền Mỹ khi đó không biết Kim Jong-un là ai và chuyện cậu ta sẽ là lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên”, ông Ri nói.

Washington cũng không tiết lộ với đồng minh Hàn Quốc việc họ đang giữ bà Ko và ông Ri cho tới khi những người này đặt chân lên đất Mỹ. Với các cơ quan tình báo Mỹ – những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy về chính quyền Triều Tiên, cuộc đào tẩu này không khác nào trúng độc đắc trong nghề tình báo.

Tuy vậy, ông Ri khẳng định mình không biết nhiều thông tin, bởi chỉ là người chăm sóc con cho gia đình ông Kim Jong-il. Họ có thể biết nhiều chuyện gia đình riêng tư, nhưng không có thông tin gì liên quan đến quân sự.

Đạt được Giấc mơ Mỹ

Khi đến Mỹ, gia đình ông Ri và bà Ko được bố trí ở vài ngày tại Washington, trước khi chuyển tới một thành phố nhỏ, nơi một nhà thờ của người Hàn Quốc thường giúp đỡ những người đào tẩu từ Triều Tiên. Sau một thời gian sống tại đây, nhưng cảm thấy không thoải mái khi bị gặng hỏi quá nhiều, gia đình ông Ri chuyển tới một thành phố khác, có rất ít người Hàn Quốc và người châu Á.

“Cuộc sống ban đầu rất khó khăn bởi chúng tôi không có bà con thân thích. Chúng tôi làm việc 12 giờ mỗi ngày”, ông Ri nói. Ông làm nghề thợ xây, rồi sau đó chuyển sang bảo trì cho một chung cư, do công việc không cần dùng nhiều tiếng Anh.

Bà Ko thì không làm được gì nhiều vì không biết ngoại ngữ. “Việc duy nhất tôi có thể làm mà không nói tiếng Anh là giặt khô”, bà Ko nói. Từ đó, họ mở một cửa hàng nhỏ và không ngừng làm việc. Đến giờ, bà vẫn chỉ có thể sử dụng tiếng Anh ở mức căn bản, còn ông Ri đã nói khá tốt.

“Được thấy các con học hành chăm chỉ tại trường còn chồng không ngừng làm việc khiến tôi có thêm năng lượng và sức mạnh để tiếp tục”, bà Ko nói.

Con cái của họ không có quan tâm đến Triều Tiên hay Hàn Quốc. Con trai cả của bà là một nhà toán học. Con trai thứ hai giúp gia đình kinh doanh, trong khi con gái làm việc trong lĩnh vực khoa học máy tính.

Sau thời gian dài giữ bí mật thân thế, giờ ông Ri và bà Ko lên tiếng để bác bỏ những điều mà ông gọi là “dối trá”, mà một số người đào tẩu khỏi Triều Tiên thêu dệt về mình.

Năm ngoái, họ kiện ba người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, sau khi những người này xuất hiện trên truyền hình và cáo buộc vợ chồng họ về nhiều vụ việc, bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ và đánh cắp hàng triệu USD từ Bình Nhưỡng. Gia đình họ đã thuê luật sư để kiện những người trên tội bôi nhọ.

Gia đình bà Ko hiện có một ngôi nhà rộng rãi, hai tầng với hai chiếc ôtô đậu ở lối vào. Trong phòng khách có một TV màn hình lớn, và một kệ nướng thịt ở sân sau. Họ từng đi nghỉ tại Las Vegas, và hai năm trước còn tới cả Hàn Quốc để vào thăm những cung điện bà Ko từng thấy trong các bộ phim truyền hình.

Thoạt nhìn vẻ bề ngoài, họ hoàn toàn giống mọi gia đình người nhập cư ở Mỹ. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, có những điểm rất đặc biệt. Trong một bức ảnh, con trai lớn của bà Ko xuất hiện trên một xe trượt tuyết, được chụp tại Wonsan – khu nghỉ dưỡng mùa hè của gia tộc họ Kim tại Triều Tiên. Trong cuốn album ảnh, có thể nhận ra Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un, người đang phụ trách công tác tuyên truyền của đảng Lao Động Triều Tiên.

Ngôi nhà của họ được mua một phần bằng khoản tiền 200.000 USD do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ khi họ mới đến Mỹ.

Leave a Reply