Học bằng iPad: Khỏi phải đến trường!

Từ ngày 13.8.2013, 11 “trường Steven Jobs” được mở tại nhiều thành phố Hà Lan, với khoảng 1.000 học sinh từ 4 đến 12 tuổi đến trường mà không phải đem theo tập vở, sách giáo khoa hoặc cặp. Nhưng mỗi em có riêng một chiếc máy tính bảng (iPad) để học.

[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”iPads replace Teachers in Digital Schools + ipad” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” ]

Điều có nghĩa sẽ không cần bảng đen, phấn và thậm chí cũng không cần lớp học, giáo án, lịch giảng dạy, bàn ghế, bút thước, chuông báo ra chơi, các kỳ nghỉ và những cuộc họp giữa phụ huynh với giáo viên.

Học mà như chơi với iPad

Trẻ muốn chơi iPad thay vì học? Cứ “vô tư” đi em. Và trẻ sẽ chọn môn học nào tùy theo sự tò mò.

Hiệu trưởng Gertjan Kleinpaste cho biết “trường Steven Jobs” sử dụng iPad (ở Rotterdam) của ông sẽ sớm trở thành điểm đến của những nhà cải cách giáo dục vừa bực tức vừa đố kỵ trên toàn thế giới muốn tham quan tìm hiểu hoạt động.

Năm học trước, ông Kleinpaste vẫn còn là hiệu trưởng của một ngôi trường chỉ có đúng 3 máy điện toán, điều khiến ông thất vọng vì không thể cập nhật các thông tin giáo dục. Nhưng ông tin tưởng trường iPad sẽ trở thành một điều hoàn toàn bình thường vào năm 2020.

“Trường Steve Jobs” của Kleinpaste mở cửa từ 7 giờ 30 đến 18 giờ 30 mỗi ngày học. Trẻ muốn đến hay về tùy ý, miễn là có mặt vào khoảng thời gian từ 10 giờ 30 đến 15 giờ.

Trường chỉ đóng cửa nghỉ dịp Noel và Năm mới dương lịch. Gia đình học sinh sẽ thoải mái đi nghỉ khi nào học sinh thích, trẻ không phải lo ngại việc mất buổi học, vì không còn lớp học như trước. Trong những trường hợp ngoại lệ, chỉ có một giáo viên phụ trách từng khối lớp.

Bình thường thì trẻ học bằng cách gọi vào một ứng dụng (app) học tập trên iPad của mình, vào bất kỳ lúc nào trẻ muốn và lúc đó, chiếc máy tính bảng trở thành một cuốn sách giáo khoa đa truyền thông và có tính tương tác. Chương trình học tập này sẽ biến chuyện học tập thành một trải nghiệm như đang chơi, phần nào với sự hỗ trợ của những hình ảnh động và âm thanh vui nhộn.

Ở mỗi bài tập, trẻ được sửa bài theo cách người chơi được sửa trong một trò chơi điện toán. Trẻ không phải học đủ các chương sách như trước đây. Mục tiêu là tạo điều kiện cho trẻ được “lên cấp” trong chương trình học theo trình độ riêng của mình.

Vai trò của giáo viên là giúp trẻ như là “huấn luyện viên học tập”, chứ không là người truyền đạt kiến thức. Ông Kleinpaste nói: “Mối tương tác giữa trẻ và giáo viên vẫn là nền tảng của bài học”.

Như thế, một ngày đi học không còn là nỗi nhọc cho trẻ. Học sinh được hoan nghênh nếu học tập trên iPad ở nhà, vào cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ. Nhưng dù chương trình tạo sự tự do học tập và mang tính tiếp diễn, vẫn có “khâu giám sát”: iPad giúp giáo viên và phụ huynh liên tục được thông tin trẻ đang làm gì, học gì, tiến bộ ra sao.

Nếu một ứng dụng toán không đạt hoặc không làm trẻ vui, giáo viên chỉ việc yêu cầu học sinh làm bài khác, vì nguồn cung cấp các chương trình giáo dục chẳng bao giờ cạn trên kho ứng dụng trực tuyến của hãng Apple.

Với cách học này, các môn toán, đọc, hiểu văn bản là nội dung chính của cấp tiểu học. Việc viết chữ đẹp bằng tay bị “đẩy” xuống kỹ năng phụ.

Mỗi 6 tuần, giáo viên cùng phụ huynh và học sinh bàn chung mục tiêu học tập trong giai đoạn học kế tiếp. Họ có thể gặp nhau tại trường hoặc họp trực tuyến qua ứng dụng Skype.

Ở các “trường Steve Job” này, chuyện phụ huynh họp 10 phút với giáo viên sẽ là chuyện của thời cũ.

Ông Kleinpaste nhấn mạnh: khi trẻ không học tập trên iPad, học sinh của trường có cuộc sống hoàn toàn bình thường của một đứa trẻ: trường vẫn tổ chức cho học sinh học vẽ, chơi đùa và hoạt động thể chất ở trường. Ông nói: “Sẽ không có chuyện học sinh ngồi dán mắt vào màn hình iPad ở trường tôi”.

Debbie Hengeveld cảm thấy cách học này rất thuyết phục, nên bà mẹ 41 tuổi này đã đăng ký học ngay lập tức, cho cô con gái Freeke 7 tuổi và cậu con trai Joep 10 tuổi. Bà nói: “Trẻ con từ bẩm sinh đã muốn hiểu biết các sự việc. Ở đây, trẻ con vẫn là trẻ con, không bị gò theo giáo án của thầy cô và kế hoạch giảng dạy”.
Bích Ngọc (theo Spiegel)

Leave a Reply