Kể từ thời John Rockefeller, chưa có một doanh nhân nào được xem là có khả năng thay đổi cả một quốc gia như Jack Ma.
Standard Oil của Rockefeller phất lên nhờ kết hợp sự hưng thịnh của xăng dầu và động cơ đốt trong, cung cấp năng lượng cho nước Mỹ trong suốt một thế kỷ. Ông trở thành tỷ phú đầu tiên và người giàu nhất nước tại thời điểm đó.
Jack mà được xem như doanh nhân có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực Internet. |
Alibaba, ra đời năm 1999 trong một căn hộ tồi tàn ở Hàng Châu, hiện là một trong những công ty Internet lớn nhất thế giới. Ngoài vị trí thống trị hoàn toàn ngành thương mại điện tử Trung Quốc, Alibaba còn lấn sân sang tài chính mạng, điện toán đám mây và logistics. Công ty đã có đợt IPO lớn nhất tại New York vào năm 2014 và với khối tài sản 23 tỷ USD, Jack Ma trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.
Làm thế nào mà một cậu bé nghèo có thể làm được điều kỳ diệu này? Giống như Rockefeller, Ma hiểu rõ tầm hưởng của công nghệ và rất giỏi nhận biết các cơ hội trên thị trường. Internet nổi lên đúng vào thời điểm Trung Quốc chuẩn bị gia nhập WTO năm 2001. Câu chuyện bắt đầu vào những năm giữa thập kỷ 90, khi ông có cơ hội tới Seattle với tư cách là phiên dịch viên, cũng là lúc ông lần đầu tiên được tiếp cận với Internet. Nhớ nhà và thèm bia Trung Quốc, ông tìm kiếm với từ khóa “bia” trên mạng, nhưng không thể tìm thấy một kết quả nào về bia Trung Quốc. Đất nước của ông như thể đang sống trong bóng tối, và đó chính là khi nguồn cảm hứng bắt đầu nảy nở trong ông.
Ma cho rằng tự do hóa sẽ làm tăng thu nhập và nhu cầu du lịch nước ngoài, và rồi hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ mong muốn được tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ nhập ngoại. Trái ngược hẳn với Sears hay Walmart ở Mỹ, các tiệm tạp hóa ở Trung Quốc vô cùng thiếu thốn và tẻ nhạt. Điều đó có nghĩa là thương mại điện tử sẽ sớm “ăn nên làm ra” ở đây.
Và ông đã đúng. Người tiêu dùng trên mạng của Trung Quốc là một trong những “lực lượng hung hãn” nhất, mua tới hơn 14 tỷ USD hàng hóa trên Alibaba chỉ trong ngày Độc thân năm ngoái. Con số này vượt xa lượng hàng hóa được tiêu thụ trên Cyber Monday trong đợt khuyến mãi khủng nhân dịp Giáng sinh. Hiện mỗi năm khoảng 464 tỷ USD được giao dịch trên Alibaba.
Tinh thần doanh nhân ở Trung Quốc cũng đang lên cao hơn bao giờ hết. Dù đà phát triển của các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm chạp, khối tư nhân chính là nơi tạo ra hầu hết việc làm tại khu vực thành phố trong hơn 2 thập kỷ qua, đồng thời chiếm 2 phần 3tổng sản lượng kinh tế. Mỗi năm ở Trung Quốc lại thêm hàng triệu doanh nhân mới. Tất cả họ đều thần tượng Ma.
Điều gì đã giúp Ma vượt mặt các ông lớn của Mỹ như Yahoo (hiện là nhà đầu tư lớn của Alibaba) và eBay? Câu trả lời nằm ở tinh thần chiến đấu: Cả công ty giống như một đạo quân hiệp khách dưới sự chỉ huy của Ma. Nhân viên đều lấy biệt danh trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, thường xuyên luyện tập các tư thế võ thuật và các cặp đôi trong công ty sẽ tổ chức đám cưới tập thể dưới sự chứng kiến của Ma.
Tư tưởng của Ma là chủ nghĩa tư bản toàn diện. Không như người sáng lập những công ty trên Internet lớn khác của Trung Quốc, ông chia cổ phiếu cho nhân viên ngay từ những ngày đầu tiên, và luôn tạo điều kiện để họ bán ra khi công ty mở rộng. Như vậy, cổ phần của Ma nhỏ hơn nhiều so với các tài phiệt khác. Ma tạo dựng nên các mối quan hệ đối tác trước khi IPO và chia sẻ quyền kiểm soát với hàng chục đồng nghiệp khác.
Ma không đồng ý với Milton Friedman rằng “công việc của doanh nghiệp chỉ là kinh doanh”, tức là công ty chỉ tồn tại để kiếm tiền còn hoạt động từ thiện chỉ nên là việc của cá nhân. Ma đã thành lập một quỹ từ thiện và sử dụng Alibaba như công cụ để tạo nên thay đổi tích cực cho xã hội, chẳng hạn như giúp người dân có thể đi khám bác sĩ, bán thiết bị kiểm tra nước với giá rẻ… Tham vọng của Jack Ma là tiếp tục đưa Alibaba phát triển lớn mạnh trong vòng ít nhất là 102 năm nữa.
Hà Tường (Theo Economist)