‘Căn nhà ma’ nổi tiếng nhất Little Saigon, góc Euclid & Hazard, Santa Ana City, Nam Cali

WESTMINSTER, California (NV) – Người ta tin có linh hồn, có sự màu nhiệm. Nhưng ma thì có người tin người không. Từ cổ chí kim, chuyện liên quan đến ma từng tốn không ít giấy mực của nhân loại. Không có chuyện đúng-sai, hay-dở, gan-nhát trong chuyện tin hay không tin có sự lẩn khuất, đeo bám của người đã đi về thế giới bên kia.
Mặt trước của “căn nhà ma.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)



Chính vì vậy, quyết định làm phóng sự về “căn nhà ma” nổi tiếng ở vùng Little Saigon đến với chúng tôi rất ngẫu nhiên, xuất phát từ sự tò mò, muốn đi tìm câu trả lời cho những điều mà nhiều người, trong đó có chúng tôi, thắc mắc, muốn tỏ tường thực hư.

Ý tưởng “điên rồ” của Ngọc Lan: Ngủ một đêm trong “căn nhà ma!”

“Căn nhà ma!” Chỉ cần nói như vậy là gần như tất cả những ai sống quanh vùng Little Saigon từng có quan tâm đến điều này sẽ nói tiếp “chỗ góc Euclid và Hazard chứ gì!”

Nghĩa là “căn nhà ma” nơi góc đường ấy rất nổi tiếng.

Có thể bạn sẽ còn được nghe kể thêm về nhiều “căn nhà ma” khác cũng quanh vùng này, nhưng tất cả đều xếp hàng sau căn nhà Euclid-Hazard.

Nhớ gần cuối 2006, sau khi qua Mỹ hơn một năm, tôi mua căn mobilehome trên đường Euclid gần First. Khi nghe tôi nói vị trí nhà mình, ông anh trai sang Mỹ hồi đầu thập niên 90 nói ngay, “Ồ, gần chỗ nhà ma!”

Tôi biết đến “nhà ma” là như vậy, cùng một số chi tiết: căn nhà đó mới xây nhưng bị bỏ trống vì không ai sống được, lúc căn nhà đang xây có người thợ bị ma xô té chết… Nghe là thấy rờn rợn, nên mỗi khi có dịp đi ngang là tôi lại nhìn ngôi nhà một cách dè dặt, và cũng có lúc tỏ ra bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy có xe, có người bên trong!

Cách đây khoảng 5 năm, đã có lần tôi rủ rê các đồng nghiệp: “Mình thử đến kiếm chủ ‘nhà ma,’ xin ngủ lại một đêm trong đó xem thế nào!” Tôi vốn dĩ là đứa sợ ma, nhát ma từ hồi nhỏ xíu nhưng không hiểu sao tôi lại đưa ra đề tài “kinh dị” đó.

Nhưng rất may: không ai chịu gật đầu!

Cho đến khoảng đầu Tháng Bảy, 2018 này, một ngày tôi tình cờ nghe chị dâu nói, “Căn nhà ma ở đường Euclid rao bán nữa kìa! Rẻ lắm! Nhà lớn thiệt lớn mà rao bán chừng $500,000 à.”

“Wow, nhà khu vực này mà giá đó thì quả thiệt là… ‘có vấn đề’ rồi!”

Ý nghĩ làm bài phóng sự về “căn nhà ma” này lại ùa về.

Tôi rủ rê anh Đằng Giao, đồng nghiệp ngồi cạnh tôi trong tòa soạn: “Làm phóng sự nhà ma với tui không?”

Đằng Giao lừ mắt nhìn tôi “Sao tự dưng làm chuyện ma?” – “Nghe bà chị nói nhà đó kêu bán nữa, rẻ òm à. Sẵn lúc này không có ai ở, mình kiếm hỏi người bán cho vô thăm dò viết bài,” tôi thuyết phục.

Thấy ông đồng nghiệp im lặng không nói gì, tôi “rù rì” tiếp, “Làm đi ông. Bảo đảm với ông sẽ ăn khách!”

“Nhưng mà đâu phải ai cũng gặp ma. Nghe nói người nào nặng bóng vía quá thì có muốn cũng không gặp,” Đằng Giao thủng thỉnh nói.

“Bởi vậy mình sẽ rủ nhiều người đi. Đứa nào gặp lăn đùng chết ra thì còn đứa kia biết mà về kể lại,” tôi “dụ” tiếp.

“Ok, làm thì làm. Để hôm nào tôi đến nhà đó coi có liên lạc được với chủ nhà hay agent không đã,” Đằng Giao xiêu lòng.

Vậy là cơ hội thực hiện đề tài “quái đản” này bắt đầu hé mở.

Hồi ức của Đằng Giao về “căn nhà ma” từ 30 năm trước

Trưa hôm ấy, mọi người trong ban biên tập đang cắm cúi làm việc, bỗng Ngọc Lan, nữ phóng viên “nhiều chuyện,” quay qua hỏi tôi có muốn cùng cô “làm” một bài phóng sự về căn “nhà ma” không. Không cần hỏi thêm thì tôi cũng đã biết ngay cô muốn nói đến căn nhà nổi tiếng suốt mấy chục năm nay là “có ma” ở góc đường Euclid và Hazard rồi.

Có lẽ bị “ai nhập” nên tôi gật đầu đồng ý.

Hôm đó Thứ Ba, 24 Tháng Bảy, mới hơn 5 giờ chiều tôi đã xong việc trong ngày. Quay qua Ngọc Lan, tôi nói, “Bây giờ, tôi qua nhà ‘ma’”

“Ừa, ông qua đó đi. Ráng tìm được người liên lạc nha.” Nhìn vẻ mặt đầy hy vọng của Ngọc Lan, tôi tự nhủ sẽ làm hết sức để cô “thỏa mãn ước mơ.”

Từ tòa soạn Người Việt đến góc Euclid-Hazard chỉ có vài phút mà bao nhiêu câu chuyện về căn nhà ma ùn ùn ùa về trong đầu tôi.

Thời điểm 1985, lúc mới qua Mỹ một, hai năm, tôi nhớ góc đường này còn là bãi đất trống, xa xa phía trong là một nhà gỗ lụp xụp sơn trắng bạc phếch. Trên bãi đất lớn này, có nhiều xe hơi cũ. Thỉnh thoảng có chiếc để bảng “For Sale.” Không cần để ý thì cư dân quanh vùng cũng biết là những người Mỹ da màu đang ở nhà này vì họ mở nhạc và sinh hoạt rất ồn ào. Chiều chiều, họ ra sân uống bia, cười đùa còn ồn hơn nữa.

Nhưng chỉ vài tháng sau, không còn thấy bóng dáng người và xe đâu nữa. Bãi đất trở thành bãi cỏ hoang vắng, im lìm.

Không lâu sau, thay vào những anh, những chị Mỹ da màu là một nhóm đông người Mễ Tây Cơ to béo như “dân sumo,” ai nấy đều có đầy rồng, đầy rắn trên những cánh tay rám nắng và những phản lưng dầy cộm.

Tiếng ồn ào lại trở về khu đất này. Cứ chiều đến là nhạc “Mariachi” chiếm ngự cả góc đường. Bên kia đường Hazard là khu “green house” trồng cây, ươm giống phất phơ những miếng ni-lông rách bươm, càng làm cảnh vật thêm hoang tàn, trống vắng. Không ai muốn qua lại khu này khi trời chạng vạng.

Nhưng rồi cũng chỉ ít lâu sau, đi qua nơi đây, tôi không nghe tiếng nhạc “Mariachi” nữa, chỉ còn nghe tiếng phần phật của những miếng ni-lông trong không gian heo hút.

“Căn nhà ma” nhìn từ trên cao ở góc đường Euclid-Hazard. (Hình: Google Maps)

Tôi còn nhớ lần đầu tôi nghe lời đồn về khu đất này là từ một bà chị chuyên bán chả cá dạo. Chị kể, “Căn nhà đó có ma dữ lắm. Không biết ma hay quỷ mà từ Mỹ đen tới Mễ đều chịu không nổi nên phải bỏ đi.”

Tò mò, tôi hỏi một anh hay ra nhà sách Quê Mẹ ở đường First thời đó thuê truyện kiếm hiệp. Anh này kể, “Tui không biết, chỉ thấy có bữa nguyên đám Mỹ đen đứng tụm ở giữa bãi đất, nói xì xầm gì đó. Căn nhà để dèn sáng choang nhưng bên trong không thấy ai. Lúc đó mới 11 giờ đêm thôi.”

Tôi nhớ mãi câu anh nói, “Con ma trong nhà đó là người đàn bà tóc dài. Quậy lắm.”

Một người bạn tên Đạt, học cùng trường Santa Ana College với tôi khi đó, lại kể, “Nhiều năm trước, khoảng 2, 3 giờ khuya, có một người đàn bà người Mễ bang qua đường Hazard thì bị xe đụng. Bà này lết vô căn nhà đó, gõ cửa, có lẽ để xin gọi giúp xe cấp cứu nhưng không ai mở cửa. Trước khi chết, bà nguyền rủa căn nhà và khu đất này. Sau này mới biết bà có thai.”

Vẫn theo lời Đạt, không lâu sau tai nạn đó, chủ nhà bỗng vội vã dọn đi, không kịp đem hết đồ đạc.

Tôi lại nghe có người kể, hàng năm cứ đến lễ “Día de Muertos” (Vu Lan của người Mễ Tây Cơ) từ 31 Tháng Mười đến 2 Tháng Mười Một, người ta nhìn thấy một người đàn bà tóc dài, bế đứa bé sơ sinh vừa đi vừa khóc ai oán rất to quanh góc đường Euclid-Hazard.

Nỗi tò mò về những lời đồn khủng khiếp cùng với việc thích nghe chuyện ma, khiến tôi lân la đến khu này (dĩ nhiên là lúc ban ngày) để hỏi thêm. Và câu chuyện “rùng rợn” nhất mà tôi chính tai nghe được là do ông chủ tiệm “liquor” gần đó kể.

Tôi nhớ trước khi kể, ông chủ này cho tôi coi một đoạn video từ máy thu hình an ninh của tiệm.

Đoạn phim cho thấy ông hớt hơ, hớt hải chạy được vài bước vào tiệm rồi ngã xuống, vừa bò, vừa lết vô trong. Phim không có âm thanh, nhưng trong hình, ông la gì đó rất lớn. Gương mặt ông, tuy không rõ lắm, nhưng có vẻ như sợ sệt ghê gớm. Rồi như kiệt sức, ông nằm bệt ra đó, không lết được nữa.

Không cần biết gì, tự nhiên tôi thấy lạnh trong người, nổi gai ốc từ đầu đến chân và khó thở.

Ông chủ tiệm kể, “Hôm ấy mới hơn 8 giờ tối, tôi ra trước tiệm vừa hút thuốc, vừa hóng gió. Đường vắng, tôi thấy một người đàn bà mặc váy dài từ giữa đường tiến về phía trước mặt tôi. Không nói chi hết, bà nhe răng trắng nhỡn ra rồi kéo ‘skirt’ lên, ngồi xụp xuống. Rồi trong người bà xịt ra máu đầy mặt mũi tôi. Tôi cảm thấy người ướt nhẹp vì một dung dịch nóng lắm. Tôi rú lên rồi chạy vô tiệm. Trong đời tôi chưa bao hoảng sợ như bữa đó.”

Coi lại đoạn video, người ông hoàn toàn khô ráo nhưng sự hốt hoảng thì hiện lên rất rõ.
“Từ bữa đó tới giờ, tôi không dám đậu xe phía trước nữa. Tôi đậu xe ngay sát cửa sau để ra vô cho tiện. Tôi luôn sợ người đàn bà ấy vô tiệm. Tôi cầu nguyện và mua một tượng Đức Mẹ Maria do nhà thờ làm phép về để kế tôi, mong cho tôi can đảm,” ông kể mà ánh mắt vẫn lấm lét lo âu.

Một người nữa cũng từng kể tôi nghe về những điều “kỳ quái” liên quan đến “căn nhà ma” này là ông Rodriguez, một người Mễ Tây Cơ làm nghề cắt cỏ. Trước khi kể, ông này còn làm dấu thánh rồi thề là có thật 100%.

Ông Rodriguez kể, “Hôm ấy, chừng 8, 9 giờ tối, tôi lái chiếc xe hiệu Ford Pinto trên đường Hazard, về hướng Đông. Bất ngờ, xe chết máy. Tôi bước ra, định mở “cốp” xe coi chuyện gì. Chưa kịp làm gì thì tôi nghe ‘xầm.’ Quay lại thì cửa xe đóng kín. Tôi mở cửa không được vì bị khóa bên trong. Nhìn vô, chìa khóa còn trong ổ. Rồi người tôi ớn lạnh. Lúc đó tôi mới thấy mình ở ngay trước cửa căn nhà ‘nổi tiếng’ đó.”

Theo lời ông Rodriguez, sáng hôm sau, ông cùng người bạn biết cạy cửa xe quay lại thì lại thấy cửa xe không hề bị khóa.

“Amen. Bạn tôi cười nhạo tôi, nhưng quả thực là tối qua tôi không mở được,” ông đấm tay vào nhau và dậm chân kể.

Những câu chuyện của hơn 30 năm trước cứ lần lượt hiện về trong đầu trên đường lái xe đến “căn nhà ma” khiến tôi hối hận vô cùng khi đồng ý để “mụ Ngọc Lan” lôi vô bài phóng sự này.

Biết rằng không thể lấy lại lời hứa, tôi chỉ còn cách nhủ lòng “thôi thì ráng làm lẹ cho xong!” (Ngọc Lan & Đằng-Giao)

Khám phá ‘căn nhà ma’ nổi tiếng nhất Little Saigon (kỳ 2)

Chiếc xe ‘biến mất’ và lai lịch ‘nhà ma’ năm xưa


WESTMINSTER, California (NV) – Bị “ám ảnh” vì những lời đồn về “căn nhà ma” suốt bao nhiêu năm qua nên phóng viên Đằng Giao, ngay từ những phút đầu tiên bắt tay vào thực hiện phóng sự này, gặp phải một điều không bình thường, khiến anh không muốn dính líu đến phóng sự này chút nào nữa.

Chiếc xe của Đằng Giao “biến mất” giữa thanh thiên bạch nhật

“Căn nhà ma” được rao bán hồi Tháng Bảy, 2018. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Hôm đó, Thứ Ba, 24 Tháng Bảy, mới hơn 5 giờ chiều tôi quay qua Ngọc Lan nói, “Bây giờ, tôi qua ‘nhà ma.’”

California chiều mùa Hè trời còn sáng như trưa, nên dù bao ký ức “rùng rợn” về những chuyện từng nghe kể về “căn nhà ma” có ùa về cũng không làm tôi quá sợ hãi, nên an tâm quẹo xe vô đường Hurley, con đường nhỏ gần “mục tiêu,” tìm chỗ đậu.

Bước ra khỏi xe, tôi nhìn chậu bông sứ trên tường rào phía trước của căn nhà gần đó, như để tự chia trí, không nghĩ đến chuyện “linh tinh” nữa.

Tôi rảo bước đến “căn nhà ma.” Quả thật, bảng “For Sale” vẫn còn đó. Tôi gọi số phone trên bảng, không ai bắt phone. Tôi để lại lời nhắn, xin nói chuyện về căn nhà.

Cũng lúc ấy, tôi hồi hộp bước vào khoảng sân nơi đây. Không hiểu sao cảm giác khó thở bỗng ập đến. Tôi chụp vội vài tấm hình rồi quay ra xe.

Bước chân đi mà mắt tôi vẫn kịp ngó nhìn lên khung cửa sổ âm u trên lầu, lòng nơm nớp lo sợ một khuôn mặt to như cái mâm sẽ hiện ra.

Nhưng… may quá, không có gì cả!

Tôi rảo bước ra xe. Lòng tự hỏi, “Vừa rồi, nếu có ai hiện ra ở khung cửa sổ hay người đàn bà mặc đầm từ cửa chính xông ra lôi tôi vô nhà thì sao?”

Chưa kịp thở phào vì điều hoang tưởng đó không là hiện thực thì tôi chưng hửng.

Trời ơi! Cái xe của tôi mới đó giờ đâu rồi?

Con đường Hurley không dài và rất yên tĩnh. Không thể có mấy đứa trẻ nghịch ngợm, mượn xe lái thử cho vui. Nhưng xe tôi đâu?

Tôi nhìn chậu bông sứ như chọc ghẹo mình tội nhát gan. Tôi nhìn tới, nhìn lui. Rõ ràng tôi đậu xe ngay chỗ này. Nhưng giờ nó không còn ở đó nữa. Chuyện gì đã xảy ra?

Cách cuối cùng tôi nghĩ mình nên làm là đi đến cuối con đường cụt ngủn rồi quay lại chỗ cũ, hy vọng trong vô vọng là mình nhớ lầm, là lúc nãy mình đậu xe ở chỗ khác chứ không phải ở phía trước căn nhà có chậu sứ đặt trên hàng rào sân trước.

Vừa đi, tôi vừa hy vọng, vừa chuẩn bị thất vọng.

“Đi dăm ‘bước’ đã về chốn cũ,” tôi chán nản ngồi xuống lề đường, lấy điện thoại ra gọi cho thằng con, nhờ nó tìm cho tôi giấy tờ xe để còn báo cảnh sát. Thằng con đang ở phòng “gym” nên lại phải đợi một lúc nữa.

Tôi thoáng nghĩ đến chuyện gọi lại bắt đền “mụ Ngọc Lan” lôi kéo tôi vô chuyện quái dị này, rồi tự trách mình ngu muội, không từ chối ngay từ đầu.

Quay lại, tôi bực bội đến điên người về chuyện vô lý đang diễn ra. Hít một hơi dài, tôi phân tích sự việc. Trước đó, khi bước ra xe, tôi thấy một người đàn ông đang nhổ cỏ. Cái bao đựng cỏ giờ còn nằm đó. Bước ra xe, tôi thấy một bức tường bên kia đường Hazard. Đúng là bức tường đó rồi.

Thở dài, tôi nhớ lời chị bán chả cá năm nào: “Không biết ma hay quỷ mà từ Mỹ đen tới Mễ đều chịu không nổi phải bỏ đi.” Rồi tôi lại lo, không có xe mai lấy gì mà đi làm? Cái xe đang trả góp mới vài tháng. Chán ghê!

Rồi thì thằng con cũng gửi tin nhắn kèm theo hình chụp giấy lưu hành xe cho tôi. Có số xe rồi, tôi có thể gọi cảnh sát. Tôi nhìn lên tìm số nhà để họ dễ đến.

Nhưng. Mẹ ơi! Cái xe màu trắng của tôi lù lù nằm ở chỗ đó từ bao giờ!

Tôi nín thở nhìn lại. Cái xe Toyota Prius vẫn đang nằm ở chỗ mà suốt 45 phút vừa qua tôi đi tới, đi lui mà không thấy.

Trên tường hàng rào, chậu sứ còn đó. Bên kia đường, túi đụng cỏ còn đó và… mọi vật vẫn y như tôi nhớ từ lúc bước ra khỏi xe, tiến về “căn nhà ấy.”

Chạy về đến nhà, tôi thắp nén nhang cám ơn trời Phật, rồi uống mấy lon bia, vì tôi tin chắc đêm ấy tôi sẽ khó ngủ.

Từ lúc đó, tôi không muốn dính líu đến bài phóng sự này nữa. Niềm tin vào “khoa học huyền bí” nhanh chóng lan tỏa trong lòng mình.

Nhưng tôi không thể tự nói lời rút lui được. Tôi len lén cầu mong là người “realtor” không trả lời hai lời nhắn của tôi. Đồng thời trông chờ Ngọc Lan từ bỏ ý định làm tiếp câu chuyện này.

Sáng hôm sau vào tòa soạn, tôi đắn đo không biết có nên kể lại cho các đồng nghiệp biết hay không. Sắp xếp câu chuyện, tôi cũng thấy vô lý quá. Chính mình còn không tin nữa là. Nhưng thôi, kể ra cho nhẹ bụng.

Nhưng, vừa kể xong, tôi chợt cảm thông cho ông Mễ cắt cỏ bị khóa xe năm nào, vì một tràng cười sằng sặc của đám đồng nghiệp trẻ.

Phóng viên Quốc Dũng thì ngạo, “Bị vậy sao không kêu vô đây cho tụi tui mà còn kêu con làm chi vậy ông?” Phóng viên Thiện Lê thì hoài nghi, “Chắc chú lẩn thẩn, đậu chỗ này, nhớ chỗ khác chứ gì?”, ‘mụ’ Ngọc Lan thì vừa cười vừa hỏi, “Có thiệt không đó ông? Lúc đó trời còn sáng mà.”

Ngọc Lan tìm kiếm gốc tích căn nhà ma

Trong lúc kêu Đằng Giao đi đến “căn nhà” tìm cách liên lạc với những ai có thể, thì cũng là lúc tôi dọ hỏi xem có ai biết điều gì đó liên quan đến căn nhà không.

Chú Linh Nguyễn, một đồng nghiệp lớn tuổi, cho tôi hay, “Chú biết một ông ngày trước từng là người môi giới bán căn nhà ma! Ông ta tên là Tom Võ.”

Mừng như bắt được vàng, tôi gọi cho ông Tom Võ.

Những gì mà tôi có được từ ông Tom là, ông chính là người đại diện cả cho người bán lẫn người mua căn nhà đó từ lâu lắm rồi, lúc nó còn là một căn nhà cũ nát tọa lạc trên miếng đất lớn.

“Người bán không phải là người Việt, còn người mua là ông bác sĩ ‘Phùng Na Vang,’ ổng mua giá $320,000 thì phải. Tôi mua bán căn nhà đó chỉ trong vòng có hai tuần thôi. Ông bán nhà cũng không ngờ nhanh như vậy, nên ông vui quá thưởng cho tôi $3,000,” ông Tom kể qua điện thoại.

“Khi đó đã có lời đồn căn nhà có ma chưa chú?”, tôi hỏi.

“Tôi có nghe. Có lần tôi nói vợ tôi cho tôi đến ở thử trong căn nhà đó mà bả không cho,” ông Tom trả lời.

Tôi hỏi thêm, “Xưa giờ làm nghề bán nhà, chú có nghe đồn về nhiều căn nhà có ma như vậy không?”

Ông trả lời không đắn đo, “Tôi làm nghề này mấy chục năm rồi, nhưng đó là căn nhà duy nhất tôi nghe đồn có ma. Cũng không biết tại sao.”

Lối đi bên hông “căn nhà ma.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Tom không nhớ rõ ông môi giới mua bán căn nhà đó năm nào, nhưng hứa sẽ tìm lại hồ sơ mua bán cũ cho tôi.

Có được tên của người từng là chủ căn nhà ma xa xưa, tôi bắt đầu đi kiếm ông bác sĩ “Phùng Na Vang” để hỏi xem ông có thấy “ma” không.

Sau khi hỏi vài ba người, tôi được biết: “Ông bác sĩ đó người Miên, ổng chết lâu rồi.”

Tia hy vọng vừa lóe lên đã tắt ngúm. Thiệt tình.

Hồ sơ mua bán căn nhà ma cũng không thấy ông Tom Võ nói năng gì. Tôi cũng chỉ biết căn nhà góc đường đó chứ cũng không biết địa chỉ chính xác của nó.

Nhưng, tôi biết không ít thì nhiều sẽ có người “rành” về căn nhà này.

Thế là, để có thêm thông tin, tôi viết một status lên Facebook cá nhân mình, cho bạn bè biết rằng tôi đang bắt tay thực hiện phóng sự “căn nhà ma!”

Y như dự đoán, một anh bạn từ bên Canada “thảy” liền cho tôi địa chỉ căn nhà đang được rao bán trên trang địa ốc Redfin. Một bạn khác thì tiết lộ, “Mấy bữa trước, em có thấy họ quảng cáo bán trên Realtor.com và RedFin.com; em có nói với người em chồng làm bên realtor. Em chồng nói vì nhà đó nổi tiếng quá, chắc khó bán, cho nên họ lấy xuống và chuyển sang bán đấu giá.”

Có địa chỉ, tôi nhờ người bạn làm về địa ốc “truy tìm” gốc gác căn nhà. “Bạn địa ốc” sẵn sàng, nhưng nói thêm, “Mình chỉ có được thông tin trong vòng 20 năm thôi, lâu hơn người ta không có giữ.”

Nghĩa là “bạn địa ốc” cung cấp cho tôi những gì liên quan đến “căn nhà ma” kể từ năm 1998 đến hiện tại.

“Hai mươi năm trước, căn nhà đã bị đồn có ma chưa?”, tôi hỏi “bạn địa ốc:” “Có rồi, có ma lâu rồi,” bạn trả lời.

“Mà trong hồ sơ này thấy có một người bị chết trong lúc đang đứng tên căn nhà này đó Lan,” “bạn địa ốc” nói thêm.

Lời của đứa bạn làm tôi thấy như có gì đó lạnh lạnh chạy dọc sống lưng.

“Chết ngay trong căn nhà đó hả?” Tôi hỏi một cách sợ sệt.

“Không biết. Chỉ thấy có tờ giấy sang tên cho biết như vậy,” “bạn địa ốc“trả lời và dặn tôi cứ từ từ coi mớ hồ sơ bạn gửi qua email.

Cầm xấp giấy tờ liên quan đến căn nhà vốn thu hút tính hiếu kỳ của bao người, tôi bỗng tròn mắt lên: Người chết trong thời gian đứng tên căn nhà chính là ông bác sĩ ‘Phùng Na Vang” mà tôi đã từng được nghe ông môi giới bán nhà Tom Võ nhắc tới.

Nhưng thực ra tên của ông là Pung Navann.

Mốc 20 năm hồ sơ căn nhà được lưu giữ là 1998. Ngay mốc này là thời điểm căn nhà được sang tên cho vợ của ông bác sĩ, là Pung Julie, lý do là ông bác sĩ qua đời.

Đọc tiếp giấy tờ, tôi khám phá ra rằng, vợ chồng bác sĩ Pung Navann đứng tên căn nhà này từ Tháng Chín, 1989.

Vậy có thể suy ra là ông Tom môi giới cho ông bác sĩ Pung mua căn nhà cũ vào năm 1989. Và cho đến năm 1998 thì căn nhà đó không hề được mua bán, sang tên cho ai khác.

Vậy là coi như tôi có được “hồ sơ” căn nhà ma trong vòng 30 năm!

Theo hồ sơ lưu giữ thì đến đầu Tháng Năm, 2002, căn nhà này được gia đình bà Pung bán cho công ty Access Vina Inc. với giá $265,000. Cũng ở thời điểm này, miếng đất được chia làm hai, thành Lot 1 và Lot 2.

“Căn nhà ma” mọi người bàn tán xưa nay, có địa chỉ nằm trên đường Euclid, là Lot 2.

Đến giữa Tháng Tư, 2005, “căn nhà ma” chính thức được được xây lên trên miếng đất Lot 2.

Điều duy nhất tôi cảm thấy băn khoăn khi ngồi xem lại lịch sử căn nhà này là không hiểu vì sao trước khi miếng đất Lot 2 được xây và hoàn thành căn nhà, cho đến Tháng Tư, 2016, nó cứ được mua bán lòng vòng trong một số người và vài năm lại chuyển nhượng sang tên cho những người trong cùng gia đình với nhau (intrafamily transfer).

Đầu Tháng Năm, 2016, căn nhà, khi đó do ông bà Philips và Nancy đứng tên, mới chính thức được bán cho “người ngoài” là Văn.T với giá $645,000

Anh Văn.T chính là người chủ rao bán nhà trong thời gian chúng tôi bắt tay vào làm phóng sự.

Sau khi nghe tôi nói điều thắc mắc của mình, “bạn địa ốc” nói, “Thì tại vì có ma chứ sao! Lan thử đi tìm bà Julie Pung đi, bà ta bán nhà đó lâu rồi, nên nếu có chuyện gì bả cũng không ngại kể đâu. Còn chủ nhà đang bán, ai mà nói, đến hỏi có khi họ chửi cho.”

Địa chỉ bà Julie Pung ghi lại trên giấy tờ từ 20 năm trước cho thấy bà ở thành phố Westminster, ngay Little Saigon.

Dù nghe Đằng Giao kể chuyện bị “ma giấu xe,” dù rằng cả mấy ngày liền tôi không dám thức khuya một mình sau khi đọc những chuyện ma quái đăng đầy trên Internet liên quan đến căn nhà này, nhưng tôi lại chẳng thấy có gì thôi thúc mình phải ngưng đề tài, mặc dù tôi cũng là đứa sợ ma, và không hề nghĩ rằng Đằng Giao “dựng chuyện” để nhát tôi.

Tôi đưa Đằng Giao địa chỉ bà Pung Julie, “Ông thử đi tìm coi nhà này ở đâu. Nhớ coi chừng bị giấu xe!”

Anh bạn đồng nghiệp miệng nói “Ok” nhưng gương mặt chẳng lấy gì làm háo hức như tôi. (Ngọc Lan & Đằng-Giao)




Music Video “Going Home” – Kenny G in Viet Nam 2024 – Nghệ sĩ Saxophone người Mỹ quảng bá du lịch Hà Nội 2024

23/04/2024

Youtuber TPHCM lên tỉnh Đắc Nông 4/2024 xem 1 phụ nữ biểu diễn đội đầu độc lạ

22/04/2024

Việt Nam chơi quá lớn chi 46 tỉ đô la Mỹ để mua vũ khí từ năm 2025

22/04/2024

Khám phá bên trong biệt thự vợ chồng Youtubers sinh năm 1994 ở TPHCM

20/04/2024

Ông chú 68 tuổi Sài Gòn khoe tự chế xong ngựa sắt chạy bằng xăng để rong chơi TPHCM 2024 và được nhiều người chú ý

19/04/2024

Youtuber từ Hà Nội du lịch Trung Quốc 4/2024 thăm bảo tàng người Chooang mới biết lịch sử viết Về Việt Nam

19/04/2024

Cùng ca sĩ Quang Vinh khám phá khu Resort có hình dạng “Chiếc Khuyên Tai” khổng lồ của người H’mông tại Sapa, Viet Nam 4/2024

19/04/2024

Youtuber Hải Phòng du lịch Đức 4/2024 tìm hiểu tình hình đời sống của người Việt

18/04/2024

Ông ngoại trẻ ở Nam Định 4/2024 khoe chế xong chiếc xe ngựa sắt độc lạ chở cháu ngoại dạo phố

18/04/2024

TPHCM ra mắt dịch vụ xe bus tí hon, có bàn cà phê , tài xế mặc áo bà ba chở du khách ngắm thành phố 2024

18/04/2024

Đến Đồng Nai 4/2024 xem con cá bơi trong hồ nước thấy chủ nhà về đòi vớt lên bàn tay để đựoc đi dạo trong xóm

18/04/2024

Cận cảnh CEO Apple Tim Cook lên chuyên cơ riêng rời Việt Nam, kết thúc 2 ngày 15 & 16/4/2024 ở Hà Nội

16/04/2024

Apple sẽ mở cửa tiệm khổng lồ tại Việt Nam để ra mắt iPhone 16 ?

16/04/2024

Hà Nội 16/4/2024: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp CEO Apple Tim Cook

16/04/2024

Nhiều Youtubers ở Việt Nam khoe được chụp hình với CEO Apple Tim Cook ở Hà Nội 4/16/2024

16/04/2024

Rộ tin đồn bà tỷ phú địa ốc Trương Mỹ Lan giấu gần 7 ngàn tỷ đồng dưới lòng đại dương

16/04/2024

Ông Tim Cook, CEO Apple bất ngờ có mặt tại Việt Nam từ 15-16 tháng 4, 2024

16/04/2024

3 chiếc máy bay chở hàng khổng lồ của Nam Hàn liên tiếp hạ cánh xuống sân bay Hà Nội ngày 12/4/2024

12/04/2024

Anh thợ hồ trẻ tuổi ở VN khoe căn biệt thự do 1 mình tự tay thiết kế & xây xong sau 4 năm cho vợ con

11/04/2024

Gặp người Mẹ ở Cần Thơ 4/2024 từ năm 1983 làm thuê để nuôi 30 ngàn con cò trắng cùng 9 người con

11/04/2024

Leave a Reply