Khán giả thành phố Sài Gòn khóc 😢 trong đêm 🎹 nhạc Vũ Thành An 🎙️ tối 18/8/2017

Người mộ điệu ngồi lại hơn 23h để nghe tác giả loạt tình khúc nổi tiếng hát và trải lòng về những cuộc tình không tên.




Đêm nhạc Vũ Thành An tái ngộ khán TP HCM diễn ra tại một khán phòng nhỏ, ấm cúng ở trung tâm thành phố, tối 18/8. Trở lại mảnh đất từng làm nên tên tuổi của mình, tác giả sinh năm 1943 vừa hát vừa trải lòng về những bóng hồng từng gắn bó với ông suốt hơn nửa đời người, về quan niệm sống và yêu trong cuộc đời nhiều thăng trầm, được, mất của ông.

Đêm nhạc đậm chất tự sự có số lượng khán giả hạn chế, chỉ khoảng 50 người. Dẫu thuộc nhiều độ tuổi, từ thanh niên, trung niên đến cao niên, họ cùng chung tình yêu dành cho những tình khúc không tên gắn liền với một thời đã qua.

Nhạc sĩ Vũ Thành An trong đêm nhạc Chuyện tình không tên tối 18/8.

Nhạc sĩ Vũ Thành An trong đêm nhạc “Chuyện tình không tên” tối 18/8.

Trước giờ diễn, Sài Gòn đổ mưa. Dẫu vậy, nhiều người đến rất sớm để chờ khoảnh khắc được gặp nhạc sĩ Vũ Thành An, chụp ảnh cùng ông và xin ký tặng. Đúng 20h30, đèn tắt hẳn. Sau vài tiết mục của Quang Dũng và nhóm 5 Dòng Kẻ, Vũ Thành An bước lên bục sân khấu trong tiếng vỗ tay không dứt. Ông nổi bật trên sân khấu với vóc dáng cao hơn 1,8 m, làn da hồng hào. Khán phòng vang lên những tiếng trầm trồ, xuýt xoa khen ngợi vẻ tinh anh, nét đẹp chưa phai theo thời gian của nhạc sĩ 74 tuổi.

Bằng chất giọng điềm đạm, truyền cảm, ông trải lòng về cuộc đời, âm nhạc, chinh phục người nghe qua từng câu chuyện nhỏ. Khi kể, thỉnh thoảng ông lại chêm vào những câu đùa hóm hỉnh, nhưng có lúc, dù là người làm chủ cảm xúc tốt, ông vẫn không giấu được quãng lặng, nghẹn lời bởi thấy được tình cảm lớn mọi người dành cho mình, bởi như lời ông chia sẻ không thể ngờ những bài nhạc chỉ viết riêng cho những cuộc tình của bản thân mà sức sống của chúng lại lâu bền đến tận ngày hôm nay. Ở tuổi đã thấu hiểu được cuộc sống của mình đang cạn dần, Vũ Thành An xem đêm nhạc tri ân cũng là lời chia tay sớm với mọi người: “Lần hội ngộ này khó có thể lặp lại vì ở đời chuyện gì cũng luôn phụ thuộc vào duyên”. Không ít khán giả khóc vì xúc động trước lời chia sẻ.

Bên những phút lắng đọng, đêm nhạc rôm rả hơn với những tiếng cười vui qua phần dẫn chuyện của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Khi nhạc sĩ kể thuở thập niên 1960, ông yêu rất trong sáng, cùng lắm là nắm tay nhau thôi, nhà văn liền đùa: “Có khi ông chỉ nắm tay nên cô ấy mới bỏ ông ra đi”.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhắc đến ca khúc mới của Vũ Thành An – Nếu không gặp lại ở thế gian và cho biết không thích tên bài hát bởi nó như một lời chia tay, nếu không muốn nói là một điềm gở. Mỉm cười hiền lành, tác giả kể ông sáng tác bài hát cách đây hơn một năm, khi vợ ông lâm bệnh nặng ở Mỹ. Thời gian đó, ông cận kề chăm sóc bà, bởi chỉ cần ông vắng mặt đôi lúc, bà sẽ không yên lòng. Khi ông làm việc trên máy tính, bà vẫn thích ngồi bên cạnh để được nhìn thấy ông. Thương vợ, ông đã từ chối mọi lời mời giao lưu từ khắp nơi để gắn bó với bà trong thời khắc hiểm nghèo của bệnh tật.

“Lúc ấy, bà ấy bị sốt nhiều lần, chết tế bào não. Bà bị mất tinh thần và không chấp nhận được tình trạng của mình bởi vốn là người hăng hái, vui vẻ. Nên tôi không đành lòng đi đâu xa vợ, nguyện chết theo người bạn đời vì chỉ còn tôi lo cho bà ấy”, ông kể. Nỗi lòng đó được ông đưa vào ca khúc mới với những lời lẽ đầy yêu thương: “Không đi nơi nào nữa/ Đến lúc dừng lại thôi”.

Thời gian ở nhà, ông nghiên cứu các bài thuốc, lối ăn uống, sinh hoạt để giúp vợ hồi phục. Một thời gian sau, bà bắt đầu tự ăn và sinh hoạt trở lại. Khi sức khỏe của vợ cải thiện, Vũ Thành An mới nghĩ đến việc trở lại Việt Nam lần này để gặp gỡ khán giả.

Vũ Thành An tặng người nghe hai bài hát ông tâm đắc khi nói về cuộc đời. Ở tuổi ngoài 70, chất giọng của ông trong, rõ, cột hơi ổn định với những làn rung, ngân khéo léo. Giữa tiết mục, ông tạm dừng, nhìn về phía nhạc công đang chơi piano, để lại những quãng lặng. Ông hát như tâm sự, ngâm nga: “Đã sống bảy chục năm/ Vẫn thấy còn trẻ thơ/ Tâm hồn ngu ngơ quá”. Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét trong sự im lặng ấy, ông đã thấy và cảm nhận được những giọt nước mắt, sự thổn thức của nhiều khán giả nữ.

Suốt đêm nhạc gần ba giờ, Vũ Thành An có lúc là người kể chuyện, lúc lại là một khán giả, say sưa theo dõi Quang Dũng và 5 Dòng Kẻ thể hiện ca khúc của ông. Ông hài hước khen Quang Dũng hát hay và đẹp trai hơn mình thuở thanh niên. Ca sĩ gốc Bình Định đáp lễ và tâm sự anh mê nhạc ông từ ngày bé. Vì quá yêu nhạc Vũ Thành An, trước đêm nhạc, anh dành hầu hết thời gian để học kỹ lời tám nhạc phẩm của ông. “Tôi không muốn hát sai lời, và càng học thuộc, nghiền ngẫm, tôi càng thấm được ý nghĩa của ca từ. Có thể nói tình khúc Vũ Thành An đã ám ảnh tôi”, Quang Dũng tâm sự.

Ca sĩ Quang Dũng hát lại nhiều tình khúc Không tên.

Ca sĩ Quang Dũng hát lại nhiều tình khúc Không tên.

Quang Dũng liên tục lấy tiếng vỗ tay của khán giả qua các bài Đời đá vàng, Bài không tên cuối cùng, Bài không tên số 5… Nhiều chỗ, anh buông micro, để tiếng hát mộc vang vọng trong khán phòng. Ở những bản phối mang đậm chất ngẫu hứng kiểu Jazz, lối hát nhịp nhàng, tung tẩy của ca sĩ khiến người nghe đồng điệu.

Các ca sĩ của nhóm 5 Dòng Kẻ thể hiện lối hát bè quyện, giàu kỹ thuật nhưng vẫn giữ được chất nhạc xưa thâm trầm, nhẹ nhàng. Lan Hương – ca sĩ chính của nhóm – dẫu đang bệnh vẫn trút lòng vào tiết mục Bài không tên số 4. Giọng hát trầm, khàn, giàu nội lực của cô làm khán giả rung cảm trước những ca từ về thân phận người con gái “triệu người quen có mấy người thân”.

khan-gia-sai-gon-khoc-trong-dem-nhac-vu-thanh-an-2

Vũ Thành An ký tặng sách và đĩa cho khán giả.

Sau khi qua Mỹ định cư năm 1991, mảng sáng tác của Vũ Thành An chuyển hướng. Ông viết sâu hơn về các mảnh đời, thân phận, về những người luôn tìm kiếm điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ca khúc mới của ông – Bước chân nở hoa – nằm trong luồng tư tưởng ấy. Ông thấy được vẻ đẹp tỏa sáng từ những người đang ngày đêm làm thiện nguyện cho đời: “Xin bước chân em như nở hoa/ Xin tiếng nói em như lời ca”. Nhạc sĩ nhận ra còn có thứ tình yêu cao thượng hơn tình cảm đôi lứa, đó là tình giữa người với người. Ông tâm niệm con người hãy dành cho nhau “những lời ca” khi cuộc sống này đã đầy rẫy khổ ải.

Cuối chương trình, Vũ Thành An cùng các ca sĩ hòa giọng với ca khúc Ngày mai rồi mình cũng già. Bài hát như một lời ký thác của ông về lòng nhân ái ở đời: hãy thương những người già như chính mình, bởi: “Ngày mai rồi mình cũng già/ Thân thể này sẽ tàn úa/ Được thua thì cũng thế thôi/ Một tiếng yêu xin trao cho nhau”.

Leave a Reply