Khi lịch sử không cho phép đặt ra nhiều chữ “nếu”

Lại sắp hết một năm, năm 2016 với bao sự kiện lớn nhỏ dồn dập trong và ngoài nước, có cái “tiến lên”, có cái “thụt lùi” hoặc chí ít thì “giậm chân tại chỗ”, ít thấy những gì như người ta hằng mong đợi…

Tình hình đã như vậy, mọi đánh giá, nhận định, tùy theo góc độ của người viết, người nói, lại càng khác biệt và có lúc còn trái chiều nhau, ít bàn để làm sao cho có thể thích ứng với những gì không dự đoán trước được, không lường trước được và thậm chí không tin được…hợp với quy luật “Ngọn sóng Hô-cu-sai và con thiên nga đen”*.

Trong thời đại khoa học-kỹ thuật phát triển như vũ bão, khí hậu thay đổi ngoài sức tưởng tượng, ô nhiễm môi trường tới mức báo động, khủng bố gia tăng… mà không nhậy bén để sớm thích nghi thì khó tránh khỏi những hậu họa khó lường, vì cứ theo định kiến vốn có, vì ước vọng mà không đạt được dễ sinh ra “cay cú”, khó tỉnh giấc để thoát ra khỏi cơn “mơ về nơi xa vắng”, hoài niệm giả định với những giá như, giá như… khi lịch sử không cho phép đặt ra nhiều chữ “nếu”!

Cả thế giới vẫn chưa thoát khỏi những dư chấn của trận “động đất” “kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ngày 9/11” vừa qua với kết quả hoàn toàn trái ngược với dự đoán của nhiều người: ông tỷ phú Donald Trump thắng, mà thắng áp đảo, chứ không phải bà Hillary Clinton, một chính trị gia chuyên nghiệp!

Ông Trump, một doanh nhân, một tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản rồi mở sang các ngành khác, cả cờ bạc, lẫn giáo dục, truyền thông, khách sạn, sân golf… cho đến các kỳ thi người đẹp.

Khi lịch sử không cho phép đặt ra nhiều chữ “nếu”
Để trụ và phát triển được trong một đất nước như Hoa kỳ, chắc ông phải là “bố già của những bố già”.

Để trụ và phát triển được trong một đất nước như Hoa kỳ, chắc ông phải là “bố già của những bố già” mà “thuyết âm mưu” phải là “sợi chỉ đỏ” thường trực trong các hành động, nếu không nói là tất cả.

Ông phải là một nhà đàm phán giỏi, một người hoạt ngôn, trước kia vì lợi ích của của mình và nay cho cả nước Mỹ. Miễn sao kiếm được nhiều lợi ích, trước kia có thể chống trọi chủ yếu về ngắn hạn thì nay còn phải tính nhiều tới dài hạn, đôi khi cũng phải “bỏ con săn sắt để bắt con cá rô”. Đã kinh doanh thì phải cân, đo đong, đếm; không ai cho không ai cái gì, “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”…

Để tồn tại và phát triển không ngừng, mỗi doanh nhân đều phải là người luôn tạo ra các doanh vụ, các ap-phe (deal maker). Một trong những nguyên tắc sơ đẳng, theo quan sát của người viêt về những người từng bươn trải trên thương trường, để đảm bảo cho đàm phán doanh vụ thành công là phải biết “giấu nhu cầu”, “không lộ thiên cơ”, biết mình, biết người, cần thiết cũng phải biết “tung hỏa mù” cho đối phương không biết đường nào mà lần, rồi “đánh vu hồi”, cất mẻ “vó lớn”!…

Trong quá trình tranh cử tại Mỹ, cũng như sau này sau khi ông Trump đã trúng cử, nhiều nhà chính trị và kinh tế “mô phạm” đã từng phê phán ông Trump đủ điều, kể cả chuyện “thiếu đạo đức” khi trốn thuế mà ông tưng tửng trả lời “có thông minh mới làm được như vậy”. Ta có thể chưa quen với kiểu Mỹ, nơi mọi hoạt động đều được điều tiết bằng luật, miễn là làm đúng luật, vì nơi đó chắc không có tội danh “lợi dụng sơ hở của pháp luật…” Luật nếu “hở” thì hãy bịt lại chứ không bắt kẻ chui qua “kẽ hở” đó mà xử, điều đó ngăn chặn sự tùy tiện trong xét xử…

Với kiểu cách “iêng hùng miền Tây” “cho (trước) rồi lấy (sau)” (give and take) hoàn toàn trái cung cách “ lấy rồi cho” (take and give) được che giấu bên ngoài bằng những mỹ từ khiến người nghe lầm tưởng là quân tử, nhưng bên trong thực tham lam, giờ đây nước Mỹ mới giật mình nhìn ra là mình đã “vì thế giới” mà “cho đi” quá nhiều. Ông Obama đã thấy ra nên “Xoay trục về Châu Á và Thái Bình Dương” nhưng, trong hành động, vẫn chưa có đủ liều lượng, vẫn theo kiểu “chính trị truyền thống” vì vậy khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (We make America great again) của ông Trump đã thắng khẩu hiệu chung chung “vì nước Mỹ” (For America) của bà Hillary.

Là một nhà kinh doanh, trước khi tung một mặt hàng ra thị trường cần phải thăm dò để thử phản ứng, chỉ mới hơn 1 tháng trước khi nhậm chức, ông Trump đã cao tay cái “test”cả trong nước và ngoài nước để xem các phản ứng, cả tiêu cực lẫn tích cực, để liệu ứng phó và chọn những con người phù hợp cho nội các của mình.

Là một doanh nhân giỏi, một “good dealer”, ông Trump đã vận dụng những “thủ thuật” trong kinh doanh vào chính trị, khó ai có thể đoán được ý đồ của mình, đoán được “ý nghĩ phía sau” của mỗi lời nói và hành động “hỏa mù” của ông…vì vậy, nhiều người đã “ngã bổ chửng” trước những cái “test” của ông vì có nhiều cái “dzậy mà không phải dzây”, biết đâu đấy… vẫn “dzậy”! Thiếu gì những người đã mừng hụt mà hý hửng tung hô, cũng không thiếu người lo hụt, đôi khi vội vã nặng lời…

Người ta đoán già, đoán non, sau khi bỏ TPP, như ông Trump nói sẽ tuyên bố ngay ngày đầu tiên khi nhậm chức, liệu Mỹ có bỏ “Xoay trục về châu Á và Thái Bình Dương”. Vài câu hỏi có thể nổi lên như: Nước Mỹ, hiện nay mạnh hay yếu và có tiếp tục mạnh lên hay yếu đi? Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump với chủ trương tập trung vào trong nước để làm cho “Mỹ vĩ đại hơn” (Greater America), nước Mỹ sẽ như thế nào?

Thiển nghĩ, với phép thử đầu tiên, ông Trump mới lấp lửng nói sẽ bỏ mặc nơi nọ, cắt giảm nơi kia, yêu cầu các nước sở tại, nơi có đồn trú của Mỹ để bảo vệ an ninh của các nước đó phải có nghĩa vụ đóng góp… đã làm cả thế giới rùng rùng phản ứng vì phải… tự lo cho mình nhiều hơn (là chính).

Nếu Mỹ yếu thì việc không có sự tham gia của Mỹ hoặc sự tham gia có ít đi thì chẳng là vấn đề gì, thực tế ở đây thì ngược lại, nghĩa là nước Mỹ vẫn mạnh, thế giới vẫn cần đến Mỹ.

Đón đọc kỳ 2: Cuộc đấu trí của giới “bố già” trên bàn cờ quyền bính

Tam Anh

* Bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa của Hokusai là khung cảnh những con thuyền đang vật lộn sinh tử trong cơn biển động dữ dội. “Sóng Lừng ở Kanagawa” đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản; Còn “thiên nga đen” (black swans) dùng để chỉ những sự cố tưởng chừng như không thể xảy ra nhưng lại có thể.

Leave a Reply