Lao động Việt ở Algeria khóc qua điện thoại, chỉ mong được về nước

Giờ bọn em khổ lắm, ăn uống bữa có bữa không, chỉ mong được về Việt Nam càng sớm càng tốt”, nhiều lao động khóc khi nói chuyện với lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước.

Ngày 15/10, hàng chục người thân của 55 lao động đang làm việc tại Algeria đã có buổi đối thoại với lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đề nghị cơ quan này can thiệp để con em họ trong vụ kêu cứu vì bị đánh đập sớm được về nước.

Theo phản ánh, hiện các lao động trên bị tách ra thành 3 nhóm: 38 người ở Khenchela, 16 người ở Ain Defla, 2 người bị đánh nặng nhất là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường được bố trí tại trụ sở của chủ sử dụng lao động ở thủ đô Algiers.

lao-dong-viet-o-algeria-khoc-qua-dien-thoai-chi-mong-duoc-ve-nuoc

Người nhà lao động đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước. Ảnh: Phương Hòa.

Anh Nguyễn Danh Chung (Mê Linh, Hà Nội) có người nhà trong nhóm 16 công nhân cho biết, Công ty Cổ phần SIMCO Sông Đà, đơn vị đưa lao động đi đã ký cam kết không để xảy ra việc chủ sử dụng ngược đãi, bỏ đói công nhân nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. “Từ chiều qua, anh em cho hay không được ăn cơm, tinh thần căng thẳng, không còn tư tưởng làm việc, mong muốn được về nước càng sớm càng tốt”, anh nói. Hiện việc liên lạc hoàn toàn phụ thuộc vào người nhà ở Việt Nam, còn lao động ở Algeriađã cạn kiệt tiền.

Để chứng thực, người nhà đã kết nối điện thoại trực tiếp với nhóm 16 lao động để lãnh đạo Cục trực tiếp nắm tình hình. Lao động Cao Văn Nhân cho biết từ chiều qua đã phải nhịn đói. May mắn có một số người Việt Nam ở công ty khác cùng làm việc ở đây mua bánh mì cho ăn; đổi giúp 200 USD sang đồng DZD để 16 người mua gạo và thức ăn chống đỡ. Đây là số tiền ông Đỗ Văn Hải, đại diện Công ty SIMCO đưa cho 16 người, phòng khi bị chủ sử dụng cắt cơm thì tự nấu nướng.

“Bọn em chỉ dám tiêu dè xẻn. Giờ chúng em khổ lắm, lại hoang mang, lo sợ cho tính mạng”, anh Nhân vừa khóc vừa nói. Sau đó, lần lượt 16 công nhân báo tên và cho biết họ đều có chung nguyện vọng duy nhất là được hồi hương.

Lao động khóc muốn được về nước

Nhóm 38 lao động ở thành phố Khenchela đang sống trong cảnh sinh hoạt thiếu thốn cũng có chung nguyện vọng. Từ ngày 10/10, các công nhân dùng 500 USD do đại diện Công ty SIMCO chuyển cho để mua gạo và thức ăn. Nhóm công nhân này rất lo lắng vì tiền ăn ít ỏi chỉ duy trì được khoảng một ngày nữa là hết. Các lao động cho hay, dù được tiếp xúc với đại diện Công ty SIMCO và đề đạt nguyện vọng được về nước toàn bộ nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì.

Lắng nghe phản ánh tình hình, ông Lê Thanh Hà (Trưởng phòng Hàn Quốc – Tây Á – Châu Phi) hứa sẽ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam, đại diện Công ty SIMCO can thiệp để công nhân được ăn uống đầy đủ. Ông dặn dò trong thời gian chờ giải quyết vụ việc không nên đi ra ngoài nhất là buổi tối, tránh vi phạm lao động để gặp phải vướng mắc.

Về việc đưa người lao động về nước, ông Hà đề nghị người thân của các lao động cần cân nhắc, trao đổi kỹ bởi khi đã mất một số tiền để đi xuất khẩu lao động thì ai cũng mong muốn có công việc tốt, thu nhập cao. “Nếu nguyện vọng về nước vẫn là kết quả cuối cùng sau khi các công nhân suy nghĩ, cân nhắc thì chúng tôi sẽ yêu cầu phía Công ty SIMCO phối hợp với các cơ quan chức năng đưa lao động về. Chúng tôi luôn tôn trọng quyết định của người lao động”, ông Hà nói.

lao-dong-viet-o-algeria-khoc-qua-dien-thoai-chi-mong-duoc-ve-nuoc-1

Nhóm 16 công nhân bị cắt cơm, phải ăn bánh mì. Ảnh chụp ngày 14/10.

Nghe đại diện Cục đưa ra hướng giải quyết, người thân của các lao động đều nhất trí phương án “về nước” mà không cần bàn bạc thêm nữa. Ông Trần Văn Ba, bố của lao động Trần Văn Chung nói rằng không đêm nào yên giấc từ khi biết chuyện. Ông lặn lội từ Đô Lương (Nghệ An) ra Hà Nội tìm đến cơ quan chức năng chỉ mong việc sớm được giải quyết. “Thấy con sống khổ như vậy, tôi không cần tiền, chỉ cần trở về bình an”, người đàn ông thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 50 triệu đồng lo chi phí cho con nói.

Chị Trần Thị Nhung, vợ lao động Nguyễn Đình Hoàng cho hay một tháng nay, lần nào nói chuyện qua điện thoại vợ chồng chị cũng khóc. “Anh ấy về rồi, em sẽ không cho đi nước này nước kia nữa, ở nhà làm ruộng cũng được”, chị Nhung nghẹn ngào nói.

Trước đó vào ngày 5/10, các công nhân Việt Nam tại Algeria đã kêu cứu về việc bị chủ sử dụng lao động Trung Quốc đánh đập. Họ nằm trong số 55 lao động Việt Nam do Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đưa sang làm việc tại Algeria theo hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc). Theo hợp đồng ký kết giữa các bên, các công nhân được trả lương theo công nhật nhưng nhà thầu tự ý đổi sang lương khoán, công nhân không đồng ý, phản đối nên bị đánh vào đêm 16/9.

Ngày 7/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã có buổi làm việc đại diện chủ sử dụng lao động và đơn vị đưa lao động đi. Đại diện Công ty SIMCO sông Đà cho biết trước mắt sẽ phối hợp với cơ quan chức năng làm thủ tục đưa 2 lao động bị đánh là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường về Việt Nam trước. Nhưng đến nay, hộ chiếu và giấy tờ của các lao động này đang bị giữ nên vẫn chưa thể về nước như dự kiến.

Phương Hòa

Leave a Reply