Hôm 17-6, Bộ Thông tin – truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Việc ra đời của bộ quy tắc này cùng một số nghị định trước đó (và cả đang xây dựng) về quản lý không gian mạng được dư luận khá quan tâm, bởi sự kỳ vọng chúng có thể góp phần xây dựng một bầu không khí sạch hơn trên mạng xã hội.
Hiểu đúng ranh giới giữa tố cáo và miệt thị
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, những hiện tượng rác mạng, bóc phốt lẫn nhau đang xảy ra thường xuyên trên mạng xã hội có phần bắt nguồn từ nguyên nhân ngày nay nhiều người sử dụng mạng xã hội có xu hướng quan tâm đến cái tôi của mình hơn cái tôi của người khác và tập thể.
“Chúng ta nghĩ đến mình nhiều hơn, lấy mình làm thước đo cho người khác, và ít quan tâm đến dư luận xã hội, nguyên tắc đạo đức trong tranh luận” – ông Sơn nói.
Ngoài ra, việc phát triển của công nghệ khiến giờ đây ai cũng có thể trở thành “nhà báo”, theo nghĩa ai cũng có thể đưa thông tin cho toàn xã hội biết thông qua các mạng xã hội, càng khiến tình trạng hỗn loạn trên mạng xã hội trở nên trầm trọng hơn.
Môi trường ảo, tương đối ẩn danh, khó kiểm soát tạo điều kiện cho các phát ngôn vô tổ chức trên mạng, những thông tin khó xác định thực hư.
Trước những buổi livestream “bóc phốt” thu hút lượt xem khủng có sử dụng nhiều từ ngữ như “quỷ đội lốt người”, “rắn độc”… để nói về một số nghệ sĩ nổi tiếng, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cần phải hiểu đúng ranh giới giữa việc tố cáo và việc lạm dụng tố cáo để miệt thị người khác. Bởi một cá nhân, tổ chức khi có sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không ai có quyền nhân danh tố cáo để làm nhục họ trên không gian mạng.
Luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ ý kiến: pháp luật Việt Nam khuyến khích các cá nhân công dân bày tỏ quan điểm, tố cáo, tố giác tội phạm, lên án những thói hư tật xấu, các hành vi vi phạm đạo đức xã hội.
Song cần xác định rõ phương thức biểu hiện thế nào, mức độ đến đâu, cái nào thuộc quyền tự do ngôn luận, cái nào thuộc mức độ điều tra, truy tố và kết luận của cơ quan chức năng.
Hành xử theo luật pháp
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng chia sẻ quan điểm nếu nội dung livestream là sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của mình thì cá nhân, tổ chức bị xâm hại có thể yêu cầu cơ quan quản lý, cụ thể là sở thông tin – truyền thông xử phạt vi phạm hành chính. Hoặc kiện ra tòa yêu cầu đính chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, nếu việc đưa thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người bị hại có thể yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Trong trường hợp này, người bị đưa thông tin xúc phạm phải có đơn tố cáo.
Một vấn đề khác được đặt ra chính là câu chuyện lo lắng việc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép cho các cuộc livestream bóc phốt.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam hiện không cho phép hoạt động thám tử, thu thập thông tin cá nhân trái phép, chỉ có các cơ quan chức năng mới có thẩm quyền làm điều đó. Nếu có thông tin cá nhân của người khác một cách không hợp pháp, rồi dùng thông tin đó để tố cáo trên mạng xã hội, như vậy là vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng livestream bát nháo, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết việc tổ chức họp báo phải tuân theo một loạt thủ tục theo quy định pháp luật. Song nhiều livestream trên mạng xã hội gần đây có hình thức và nội dung gần như một cuộc họp báo. Đây là lỗ hổng bởi hiện nay cơ quan quản lý theo không kịp, và chưa có quy định nào để quản lý nên trong tương lai bắt buộc phải có quy định về vấn đề này.
Xã hội trưởng thành khi con người có phẩm cách tự trọng
Trong không gian mạng phức tạp và đa chiều như hiện nay, tâm thế nên có của người dùng mạng xã hội và cả người tiếp nhận là gì? Nhà văn, thạc sĩ truyền thông Nguyễn Trương Quý cho rằng những câu chuyện, sự vụ và nhân vật thần tượng lại có chức năng được ủy nhiệm như là những biểu tượng lối sống, thiên kiến đạo đức hay các giá trị nhân văn.
Vì thế cũng dễ hiểu khi chúng ta bị tác động tâm lý từ những hiện tượng bùng lên. Nhưng showbiz hay các câu chuyện bên lề giới giải trí chỉ là một phần của cuộc sống, truyền thông đưa tin về chúng cũng sẽ liên tục đổi món, tạo ra một nguồn “dinh dưỡng fast-food” đại chúng.
Tâm lý công chúng cũng như con lắc dao động, dễ lắc từ thái cực này sang thái cực khác. Nó càng bị ảnh hưởng khi xã hội vận hành theo nếp sống đậm màu sắc làng xã duy cảm, “văn hóa bối cảnh cao” (high-context culture), các đòi hỏi minh bạch ít được giải quyết đến nơi đến chốn, tạo ra những khoảng trống đồn đại mù mờ dễ bề bị thao túng.
“Xã hội và mỗi thành viên của nó khi không có một nền tảng triết lý hay suy tư giá trị đạo đức cốt lõi, sẽ suốt ngày như con lắc đấy. Xã hội có trưởng thành hay không chính là ở chỗ con người có phẩm cách tự trọng, sử dụng tình cảm và lý trí như một cặp thăng bằng vận hành dòng chảy cuộc sống.
Sự bình tĩnh, nghiêm khắc với chính tâm lý “hóng biến”, “bố thí tình cảm” của mỗi cá nhân quyết định hiện tượng có kéo dài hay không” – ông Nguyễn Trương Quý nói.
[tabble id=”105″]