Lời nhắn xúc động nhạc sĩ Đức Huy gửi vợ kém 44 tuổi

“Mẹ hãy chấp nhận rằng tới một lúc nào đó. Ba sẽ lặn xuống, khuất mất khỏi chân trời và chỉ còn lại một khoảng tối mà thôi” – Nhạc sĩ Đức Huy tùng nói với chị Huỳnh Thư khi cả hai ngắm hoàng hôn.

Những cuộc hôn nhân 'đũa lệch' của Vbiz: Cách 44 tuổi vẫn hạnh phúc như thường - 6
Ở độ tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Đức Huy có gia đình hạnh phúc bên cạnh vợ trẻ đẹp và hai con nhỏ.
– Đi qua 75 mùa xuân, xuân 2021 trong anh có còn đặc biệt?

Ô, mùa xuân là thời gian đặc biệt, năng lượng của vạn vật xung thiên. Gia đình tôi đang chuẩn bị đón xuân đây. Cây đào trong góc nhà đã vừa nở hoa rất đẹp. Sáng nào, chúng tôi cũng ngồi nhìn hoa nở. Chiều đến, Thư đón các con đi học về, chúng lại reo mừng khi gặp ba. Chỉ vậy thôi, lòng tôi như đã rộn rã mùa xuân! Với tôi, xuân không phải là sự đợi chờ đến một thời điểm đã định ta mới dọn dẹp nhà cửa, ăn bánh chưng, mặc áo mới và mang tâm hồn tươi vui như Tết.

Tôi không có gì nhiều để khoe nhưng tôi luôn sung sướng, hạnh phúc với những gì mình đang có. Tôi nhìn cành đào đâm chồi, đàn cá bơi trong bể, thầm tri ân sự sống đang hiện diện ở đây trong và quanh tôi, và tôi còn đủ minh mẫn, khỏe khoắn để nhận ra điều đó.

Gia đình chúng tôi nhắc nhở nhau từng điều nhỏ nhất hàng ngày. Sống với tôi, giờ Thư suy nghĩ trước tuổi của mình. Chúng tôi không còn nhiều nhu cầu ganh đua trong cuộc sống xối xả­ này nữa. Thư giúp tôi rất nhiều trong việc quân bình với cuộc sống chậm lại, nhận biết rõ được mình là ai, đang ở đâu.

Tôi nghĩ rằng tôi đang ở vị trí đúng nhất của đời mình. Tôi đón xuân trong niềm hân hoan tươi trẻ cùng gia đình. Chúng tôi đặt may áo mới, sửa soạn chụp bộ hình, cả nhà mặc áo dài truyền thống màu vàng, mua đồ chơi cho các bé và thể hiện những lời hứa nho nhỏ với nhau. Chúng tôi tự tạo những mini-xuân, mỗi ngày đều là một mini-xuân. Sáng hôm nay, mini-xuân của tôi là gặp bạn, và bạn cười nhiều lần rồi đấy nhé! Tôi xin nhận năng lượng tươi vui đó. Cảm ơn bạn.

– Những mùa xuân xưa khi anh ở Mỹ có gì đáng nhớ?

Hơn 40 năm ở Mỹ như một cuốn tạp chí, tôi có thể nhớ cảm giác mình lật từng trang nhưng không thể nhớ chúng viết gì. Song có lẽ, hơn 40 mùa xuân ấy, tôi chỉ ăn Tết cho có. Tết Âm lịch ở Mỹ chỉ dành cho thiểu số. Tôi ở trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, sống gần nhau, có nhà ăn Tết sớm, nhà muộn. Ngày Tết, người ta bày những gian hàng ở hội chợ rất “gọi là”.

Vui thì có vui nhưng trong thâm tâm, tôi chấp nhận rằng đây không phải là quê hương. Đại khái là tôi bằng lòng, ít hay nhiều cũng được. Hồi 5 – 6 tuổi ở Việt Nam, tôi nhớ nhất pháo Tết. Mùi pháo đặc trưng, tiếng pháo nổ giòn như in vào tâm trí tôi, không quên được. Câu: Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa (ca khúc Và tôi cũng yêu em – PV) chính xác là mùi pháo Tết. Năm tôi 15 – 16 tuổi, người ta cấm đốt pháo Tết. Với những đứa trẻ như chúng tôi, Tết mà không đốt pháo thì thiếu, lén đốt thì không sướng. Pháo chỉ sướng khi cả nước cùng đốt.

– Mùa xuân nào thiếu thốn của anh?

Câu hỏi này khá khó với ông già 74 tuổi như tôi. Nó giống như câu: Anh ưng ý ca khúc nào nhất trong các sáng tác của mình?, làm sao tôi nhớ xuể! Xuân 2021 là mùa xuân sung túc và hạnh phúc nhất của tôi. Tôi cũng có vài mùa xuân thiếu thốn nhưng có lẽ không đủ thiếu thốn để lưu vào bộ nhớ. Ký ức trong tôi đều là những mùa xuân đẹp. Ngay cả khi ấy, mùa xuân có thể không đẹp thì trí não chúng ta cũng có xu hướng tô hồng dĩ vãng. Điều này tốt hơn nhiều so với việc chúng ta cứ bóc vết thương cũ ra để có cớ nhắc lại những thương đau.

– Gia đình anh năm nay đón Tết ra sao ?

Gia đình tôi có lệ ở nhà trong dịp Tết hoặc các ngày lễ lớn vì không muốn chen chúc, đường sá kẹt xe , dịch vụ hạn chế. Năm nay, có thể chúng tôi không về quê vợ thăm họ hàng. Mấy cháu nhà tôi có vài người bạn thân quanh đây, chúng tôi định tổ chức cho mấy cháu họp mặt cũng vui.

Việc tôi vào bếp nấu ăn hay gia đình chăm sóc lẫn nhau ngày Tết không có gì khác mọi ngày. Tôi thường nấu thịt kho trứng cút mà các cháu thích. Tôi có mối quen trên Gia Lai, thịt heo của họ ngon tuyệt. Kho một nồi thịt ngon với trứng cút đâu cần đợi Tết? Bánh chưng cũng vậy, tôi không thiếu mối bánh ngon. Quan trọng nhất là cái tâm của chính chúng ta. Tết có mặt ở đây nhưng liệu ta có mặt ở đây cho Tết hay không?

Từ cửa sổ phòng tôi có thể nhìn ra hoàng hôn rất đẹp mỗi ngày. Khoảng 17h20 mỗi chiều, tôi thành thói quen như một nghi lễ nhỏ là gọi vợ con cùng đứng ngắm. Hoàng hôn xuống thật đẹp nhưng cũng thật chậm. Tôi có gửi đến vợ tôi một lời nhắn: Ba cũng như hoàng hôn, đang từ từ đi xuống chân trời. Ngay cả khi đang đi xuống, Ba vẫn là một hoàng hôn đẹp. Mẹ hãy chấp nhận rằng tới một lúc nào đó, Ba sẽ lặn xuống, khuất mất khỏi chân trời, và chỉ còn lại một khoảng tối mà thôi. Đó là Ba đang chuyển hóa sang một ngày mới. Nếu một ngày dậy sớm, Mẹ sẽ thấy Ba trong ánh nắng bình minh.

Anh nói điều này với chị từ bây giờ rồi sao ?

Có lần, bé nhỏ của tôi ngây thơ hỏi: Ba sẽ chết trước mẹ đúng không? Tôi đáp rằng: Đúng rồi con, ba sanh trước mẹ lâu lắm nên chết trước là chắc rồi con yêu ! Nhưng này con, trên đời này ai rồi chẳng chết đi? Ai cũng chẳng thể sống mãi được.

– Những ngày đầu năm mới chúng ta đề cập về cái chết, liệu có hơi bi quan chăng?

Người quen của tôi bên Mỹ qua đời khá nhiều vì bệnh tật, tuổi già, trầm cảm, bế tắc… Tôi chấp nhận chúng như sự thật, như một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta ai chẳng chết, chỉ là khác nhau ngày giờ, nơi chốn và chết như thế nào thôi. Tôi nghĩ ta không nhất thiết phãi né tránh sự thật. Chúng ta nói nhiều về nó sẽ thấy bình thường.

– Anh chuẩn bị gì để có lỡ ra đi cũng đỡ nặng lòng lo cho vợ con?

Với cương vị người cha, tôi đang làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho tương lai của 2 đứa bé. Tôi tin rằng các con tôi lớn lên trên nền tảng của sự yêu thương sẽ có niềm tin và hiểu biết về cuộc đời vô thường này. Chúng ta luôn mong ước điều tốt đẹp nhất nhưng không biết trước cái gì sẽ xảy ra. Vì vậy, tốt nhất chúng ta sống trọn vẹn từng ngày với nhau trong tình yêu thương và sự quan tâm đến hạnh phúc và an vui của những người mình yêu quý.

Tôi có cách nhìn riêng với sự ra đi. Đến bây giờ, tôi không hề nghĩ Chí Tài đã chết. Cậu ấy chỉ chuyển hóa. Làm sao một nguồn năng lượng tồn tại sống động như thế lại có thể biến mất tuyệt đối? Chẳng qua, chúng ta xem việc đặt họ vào quan tài, chôn cất hoặc hỏa táng là sự chấm dứt. Nhưng chẳng có gì chấm dứt ở đây cả.

Sự hiện hữu chỉ tiếp tục cuộc hành trình về nguồn, đang chuyển hóa từ dạng năng lượng này sang dạng năng lượng khác mà trí năng và nhữ­ng dụng cụ đo lường còn thô thiển của khoa học hiện đại chưa thể nhận ra. Tôi thích câu chuyện về một đám mây sợ chết. Nó chuyển hóa thành mưa, trở thành một phần của dòng sông, sau đó lại bốc hơi và ngưng tụ thành mây. Làm sao để bạn nói đó là đám mây nào?

Vậy vấn đề ở việc làm sao để chúng ta nói cho người thân của mình rằng: Đừng khóc thương khi tôi ra đi. Được sống là hạnh phúc và hãy nhớ rằng, những ngày sống cùng nhau, chúng ta đã sống trọn vẹn với nhau thì đừng thương tiếc cái cũ, hãy đón chờ cái mới! Giả dụ trong 7,8 tỷ người, chỉ có mỗi ông Đức Huy phải chết thì ông ấy đáng được khóc đấy chứ. Đằng này, ai cũng chết như nhau mà. Chúng ta cố đòi hỏi cái bất thường, khổ tâm là phải!

– Nhìn lại 2020, anh thấy gì và mong gì trong năm mới 2021?

Là năm “lịch sử” lớn nhất của tôi. Nó tổng kết tất cả thứ tôi chiêm nghiệm với góc nhìn hoàn toàn mới. Sự sống rất mong manh và quí giá từng giây phút. Chúng ta rất dễ bị tổn thương. Một loại virus bé xíu như Covid-19 lại có thể tấn công loài người không phân biệt giàu nghèo, già trẻ lớn bé, quốc tịch, tôn giáo… Hóa ra, văn minh con người vẫn chưa là gì cả. Và chúng ta là một, cùng một lịch trình là duy trì sự sống.

Phạm vi nhỏ hơn, dịch bệnh cho tôi thấy phải trân quý và sống cho từng giây phút hiện tại. Nếu tôi không quân bình, vợ và con tôi cũng sẽ không quân bình, thậm chí phát tán sự không quân bình của mình đến những người khác. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải nương tựa và biết thương yêu lẫn nhau. Đó là thông điệp lớn nhất là dịch bệnh cho tôi.

Sự hạn chế công việc là rõ ràng nhưng tôi yêu mình hơn, biết rằng tôi đã biết cách và có thể thích ứng với hoàn cảnh mới một cách khá trơn tru như vậy.

Tôi chưa một lần chọn thái độ bi quan. Trong một bài phỏng vấn, người ta hỏi Thư: Khi anh Huy buồn, anh ấy làm gì? Nhưng lâu lắm rồi tôi không có khoảnh khắc buồn rầu, lo âu thì biết trả lời thế nào đây?

Ở tuổi này, tôi trân trọng mọi mối duyên. Tôi không xem cuộc trò chuyện này là PR hay công việc. Tôi đã kiếm tiền, kiếm danh cả đời rồi. Ai cũng tham việc nhưng có bao giờ làm hết việc đâu? Vì vậy, tôi cố gắng quân bình mọi thứ, không để những bất an kết thành “khối u”, lúc ấy sợ rằng muộn phiền đã đến gõ cửa mất rồi.

Chúng ta đều là những người đi trên dây, ngả sang bên nào cũng không được mà phải luôn quân bình. Tôi đã buông bỏ đi nhiều trách móc, giận hờn, bực tức, cuộc đời đã ban cho tôi quá nhiều điều mơ ước. Người ta hay nói: Làm người khó quá. Thực ra, làm người có khó gì đâu? Chỉ cần là chính mình mà thôi.

Chuyện tình cổ tích của nhạc sĩ Đức Huy và vợ kém 44 tuổi
‘Tôi lấy anh Huy vì chính con người anh ấy – một con người rất hiền lành, dễ thương’, chị Huỳnh Thư gián đoạn cuộc trò chuyện, bật khóc. Nhạc sĩ Đức Huy quay người ôm vợ âu yếm: “Cám ơn bạn đã ngợi khen mình”

– Nhạc sĩ Đức Huy là người lãng mạn nổi tiếng showbiz và chị bị chinh phục bởi điều này nên yêu và quyết định gắn bó với người đàn ông hơn mình tới 44 tuổi?

Huỳnh Thư: Anh Huy dư thừa sự lãng mạn. Hồi xưa, tôi ái ngại vì chưa quen với sự lãng mạn ấy còn bây giờ thì… ái mộ. Mỗi ngày, nếu anh Huy bớt lãng mạn là không được với tôi. (cười). Bé 7 tuổi nhà chúng tôi hay cằn nhằn: “Ba mẹ kỳ quá, sáng hôn, trưa hôn, tối hôn mà ăn cơm cũng hôn. Hôn suốt ngày!”. Ngày nào chúng tôi hôn nhau dưới 10 lần, nghĩa là đang cãi nhau.

Với chúng tôi, hôn là một phương pháp giao tiếp, thể hiện sự yêu thương cho nhau. Chúng tôi không bao giờ hôn thủ tục. Hai bé nhà tôi cũng thành thói quen mỗi sáng đều hôn ba mẹ.

Lấy nhau 10 năm, hễ tôi “hạ nhiệt” thì anh Huy “tiếp nhiệt”. Thời gian sinh em bé, tôi bận bịu nhiều việc nên đôi khi quên mất chúng tôi đã lãng mạn thế nào nhưng anh Huy thì không bao giờ.

– Nhưng tôi vẫn tò mò muốn biết, ngày đầu chị gặp anh tim chị rung lên như thế nào? Có đập thật nhanh hay lại là…?

Huỳnh Thư: Tôi không có khái niệm “tình yêu sét đánh”. Anh Huy là người ba tôi rất thích, tôi mon men đến gặp anh xin đĩa. Chúng tôi gặp nhau khi cả hai đang độc thân, mến nhau một cách tự nhiên.

Nhạc sĩ Đức Huy: Là khi đủ nắng thì hoa sẽ nở bạn ạ.

Dạo ấy, chị có hay tìm kiếm thông tin về anh Huy trên Internet?

Huỳnh Thư: Hồi mới yêu, tôi cũng không biết anh bao nhiêu tuổi. 10 năm trước, điện thoại iPhone 4 mới ra, trong đó có ứng dụng xem bói, tôi hỏi anh sinh năm mấy để xem tình duyên cho hai đứa thì anh nói sinh năm 1947. Tôi không mảy may để ý, cứ thế trượt mãi trượt mãi không đến năm 1947. Khi tìm thấy, tôi kêu lên: “Trời, vậy là anh 63 tuổi rồi!”. Bạn thấy đấy, trước đó, tôi chưa từng quan tâm chuyện tuổi tác vì giữa chúng tôi không có khoảng cách.

Người ta nghĩ anh phải chiều tôi vì tôi trẻ, hoặc tôi phải nhịn anh vì anh có điều kiện; nhưng thực tế, chúng tôi rất bình đẳng.

Nhạc sĩ Đức Huy: Chúng tôi thống nhất nếu hết yêu thì phải nói cho người còn lại biết. Chúng tôi ưng mới vô chiều mà yêu cũng vô chừng.

– Nhưng hồi cưới nhau, làm sao để chị vượt qua áp lực đàm tiếu khi lấy chồng hơn mình tới 4 giáp?

Huỳnh Thư: Tôi không bị áp lực vì nghĩ mình không làm sai thì bận tâm đến người khác nói gì nhiều để làm gì. Chính ba mẹ tôi, những người quan trọng nhất, không cho tôi lấy anh Huy. Tôi không bất hiếu nhưng tôi biết hạnh phúc của mình ở đâu. Sau này, tôi có nói với ông bà: “Anh Huy có 90 tuổi, con vẫn lấy”. Tôi chẳng thà vỏn vẹn 10 năm hạnh phúc, còn hơn sống cả đời mà bất hạnh.

Tôi không lấy anh Huy vì anh ấy nổi tiếng hay là tác giả của vô số bài hát hay. Tôi lấy chính con người anh ấy – một con người rất hiền lành, dễ thương. Rất xin lỗi vì cứ chia sẻ về anh Huy là tôi khóc vì tình yêu của chúng tôi mãnh liệt quá. Tôi khóc vì hạnh phúc cứ thế tràn ra.

Nhạc sĩ Đức Huy: Khi ra đường, tôi cứ như điếc rồi vì ai nhìn chúng tôi cũng xì xào. Nếu cứ để ý, chúng tôi lấy thời giờ đâu để sống, để hạnh phúc.

– Việc vợ chồng hơn kém tuổi khá phổ biến nhưng anh chị cách nhau hơn hai thế hệ, dường như chưa từng thấy trong showbiz?

Nhạc sĩ Đức Huy: Chúng tôi là cặp đôi duy nhất đếm hết hai bàn tay, hai bàn chân vẫn không đủ. (cười) Bạn có thấy chúng tôi hạnh phúc không? Nếu có, chúng tôi không cần nói bằng lời nữa. Khi giữa chúng tôi không còn ranh giới, khi hai đã làm một, tôi nghĩ không cần nói về khoảng cách nữa.

Chúng tôi luôn dẫn đầu danh sách “Cặp đôi kỳ cục” nhưng không bao giờ nói nhiều vì thấy quá bình thường. Chúng tôi không đặt mục tiêu sống sao cho ông hàng xóm hài lòng hay để họ hàng khen ngợi. Có câu này tôi từng nói nhưng luôn đúng, rằng: “Đầu đời của nàng nhưng cuối đời của chàng”. Bây giờ không chiều chàng thì đợi đến bao giờ?

Huỳnh Thư: Tật xấu lớn nhất của chàng là nhõng nhẽo, không có vợ là không chịu ăn, không chịu ngủ

Nhạc sĩ Đức Huy chen vào: Đó không phải là tật xấu mà là quen hơi. Ăn, ngủ có đôi vẫn vui hơn.

Huỳnh Thư: Nhiều người bảo tôi phải xa anh ra để anh còn sáng tác nhưng hễ tôi xa là anh tuột huyết áp vì bỏ ăn.

Nhạc sĩ Đức Huy: Đó là “Vướng thì sợ mà vợ thì sướng”.

Nếu ngày ấy, Thư không đi về phía anh Huy, không gặp nhau, giờ này sẽ thế nào? Liệu rằng sẽ là cuộc tình với một người khác, như một chàng trai cùng tuổi chẳng hạn?

– Đời sống hôn nhân đôi khi khó tránh tranh luận, cãi vã. Những lúc như vậy, anh chị làm sao chấm dứt tranh cãi?

Huỳnh Thư: Trước đây, tôi rất sĩ diện, anh Huy sửa sai cho mình là tôi khó chịu, tự ái. Đến giờ, tôi học được cách chấp nhận nhìn thẳng vào cái sai của mình. 10 năm qua, chúng tôi cãi nhau mất 15 – 30 phút là quá nhiều. Ai sai sẽ tự đến xin lỗi người còn lại. Chúng tôi không tranh đấu, hơn thua, không giành phần thắng về mình. Chúng tôi không để bụng chuyện không vui. Nếu mỗi ngày bạn cứ để một ít, sẽ có ngày “nước tràn ly”.

– Thường ở độ tuổi của anh để lạc quan không khó nhưng đủ năng lượng tích cực để lan truyền đến người khác e rằng…?

Nhạc sĩ Đức Huy: Điều đó rất tự nhiên. Cơ thể chúng ta có ngũ uẩn (năm yếu tố tạo thành con người – PV), nếu chúng điều hòa thì sáng nào thức dậy cũng là sáng thứ 7.

Trái lại, có những người bắt đầu buổi sáng bằng cơn tức tối đêm qua chưa nguôi. Bạn xuống nhà và thấy con chó của hàng xóm sao chối mắt quá, chỉ muốn đá nó một cái. Trả lời câu hỏi của bạn, năng lượng tích cực không thể tụ lại một chỗ cũng như năng lượng tiêu cực phải được phát tán ra. Bản chất của chúng là sự lan tỏa. Bạn vui, cả nhà sẽ vui; trái lại, bạn tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến mọi người.

Đôi lúc, vợ tôi cũng bắt đầu buổi sáng bằng vẻ mặt nhăn nhó, khó chịu. Cô ấy mở lời với tôi bằng sự than phiền, càu nhàu. Tôi dừng cô ấy lại: “Khoan đã, em yêu, chúng ta hãy khởi động ngày mới bằng những gì hay hơn”. Đến 9 – 10 giờ, tôi sẽ lắng nghe cô ấy càu nhàu chuyện không vui. Mỗi chuyện đều cần thời điểm cả.

Chúng ta là chiếc TV có nhiều kênh. Bạn bảo tôi nghe thấy những tiếng chửi rủa lùng bùng trong óc? Hãy vặn nhỏ, chuyển kênh, thậm chí tắt quách nó đi. Nếu bạn thức dậy bằng sự tức tối của ngày hôm qua, đó là lựa chọn của bạn.

Huỳnh Thư: Tôi, với tư cách người vợ, hưởng sự tích cực anh mang đến hàng ngày hàng giờ. Sống với anh, tôi đã bỏ đi nhiều lo âu không cần thiết. Nếu có điều vui, anh chia sẻ đến mọi người xung quanh. Các bé nhà tôi cứ mỗi sáng mở mắt ra là cười.

– Âm nhạc của anh, tài sản quý của nền nhạc Việt, với chị có ý nghĩa gì?

Huỳnh Thư: Yêu anh Huy, tôi đã chấp nhận anh ấy là người nổi tiếng, được mến mộ nên tôi không thấy ghen

Nhạc sĩ Đức Huy: Trời ơi, có ai thèm tôi đâu mà?

Huỳnh Thư: Đấy, anh Huy cứ nói có để anh ấy ngoài đường đến đóng mạng nhện cũng không ai thèm. Nhưng tôi là người yêu anh ấy mà, phải canh chứ!

Âm nhạc của anh có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Ba tôi tán đổ mẹ tôi nhờ hát nhạc anh ấy, tôi đã nghe những ca khúc của anh từ nhỏ xíu. Dĩ nhiên, đến khi sống chung, tôi mới cảm nhận trọn vẹn về âm nhạc ấy. Con người anh ấy thế nào nhạc thế ấy, chúng không có sự đau buồn, tuyệt vọng hay trách móc. Tôi tự hào nói với mọi người rằng tôi yêu âm nhạc của anh ấy.

– Nghe đâu, anh úp mở với vợ chồng Hoàng Bách sắp có bé thứ 3?

Huỳnh Thư: Anh Huy nói tôi đẻ mấy đứa cũng được vì anh không sợ cực. Dù vậy, anh lớn tuổi rồi, tôi nghĩ hai bé một trai một gái là quá đủ, quá đẹp. Tôi muốn dành thời gian chăm anh Huy. Chúng tôi không thuê giúp việc vì không thích san sẻ việc nhà với ai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đặt tâm lý phải ngừng sinh con, cứ để thuận theo tự nhiên vậy.

– Anh chị chuẩn bị thế nào khi hai bé càng lớn, áp lực chi phí càng tăng?

Huỳnh Thư: Chúng tôi không dư dả nhưng không lo lắng gì vì biết “liệu cơm gắp mắm”, bằng lòng với những gì hiện có. Chúng tôi làm ra tiền sẽ để một phần cho con ăn học, một phần chi tiêu hàng ngày, còn lại chúng tôi dùng để thụ hưởng cuộc sống. Anh Huy đã làm cả đời rồi. Dù đến tuổi này, anh hạnh phúc vì còn được làm việc nhưng tôi muốn anh phải thụ hưởng từ đồng tiền mình làm ra. Anh Huy xin tiền chỉ để mua máy ảnh, ra mẫu nào mới là “tha” về. Ở nhà tôi hiện có 10 chiếc, chỉ để chụp vợ con.

Tôi không cất tiền lại cho mình, tôi muốn anh Huy tiêu tiền đó. Vài người họ hàng hay “dặn” tôi cất tiền riêng để sau này có dư mà xài, suy nghĩ lạ lắm!

Anh Huy là người hiếm hoi không biết mình có bao nhiêu tiền, đi làm mà không biết mình nhận lương mấy đồng. Lúc quen nhau, anh chỉ có hai tay trắng.

– Anh chị có tính chuyện kết nối các con lại với nhau không?

Huỳnh Thư: Với các con trước, anh Huy đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận nên không bị áy náy hay cắn rứt. Tôi rất thoải mái, luôn luôn mong chị Thảo My và các cháu của anh chị hạnh phúc. 3 con với nhau là một gắn kết rất mạnh mẽ, không ai có thể ngăn cách được! Với tôi, yêu thương là tự nguyện. Nếu 3 cháu thương các em nhà tôi thì quá tốt nhưng nếu không cũng chẳng sao. Chúng ta không thể ép ai yêu mình và cũng không thể trách móc vì không được yêu, đúng không nào?

Nhạc sĩ Đức Huy: “Tôi yêu những gì đến tự nhiên” vậy. Khoảng cách địa lý hay thế hệ giữa các con đều xa. 3 cháu kia, đến ba nó muốn gặp còn khó đây. Có người muốn đại gia đình phải hạnh phúc nhưng xin lỗi, ai cũng có cuộc sống riêng của mình. Ý định có thể hay đấy nhưng đừng cố thực hiện thì hơn.

Anh Huy này, tuổi 73, với anh thời gian có đang gấp gáp?

Nhạc sĩ Đức Huy: Đến tuổi này, tôi mới tìm thấy sự mầu nhiệm của việc dừng lại trong lẽ sống. Hồi mới về Việt Nam, tôi hay đi tàu ra Nha Trang để ngắm cảnh nhưng khi lên rồi, tôi có ngắm được gì đâu vì tàu chạy quá nhanh. Khi tàu dừng ở ga, tôi mới biết cảnh vật gì, ở đâu. Chúng ta cũng vậy, muốn nhìn xung quanh, phải dừng lại.

Ảnh: Bảo Hòa

Thiết kế: Luyện Phạm




Youtuber Hải Phòng du lịch Đức 4/2024 tìm hiểu tình hình đời sống của người Việt

18/04/2024

Ông ngoại trẻ ở Nam Định 4/2024 khoe chế xong chiếc xe ngựa sắt độc lạ chở cháu ngoại dạo phố

18/04/2024

TPHCM ra mắt dịch vụ xe bus tí hon, có bàn cà phê , tài xế mặc áo bà ba chở du khách ngắm thành phố 2024

18/04/2024

Đến Đồng Nai 4/2024 xem con cá bơi trong hồ nước thấy chủ nhà về đòi vớt lên bàn tay để đựoc đi dạo trong xóm

18/04/2024

Cận cảnh CEO Apple Tim Cook lên chuyên cơ riêng rời Việt Nam, kết thúc 2 ngày 15 & 16/4/2024 ở Hà Nội

16/04/2024

Apple sẽ mở cửa tiệm khổng lồ tại Việt Nam để ra mắt iPhone 16 ?

16/04/2024

Hà Nội 16/4/2024: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp CEO Apple Tim Cook

16/04/2024

Nhiều Youtubers ở Việt Nam khoe được chụp hình với CEO Apple Tim Cook ở Hà Nội 4/16/2024

16/04/2024

Rộ tin đồn bà tỷ phú địa ốc Trương Mỹ Lan giấu gần 7 ngàn tỷ đồng dưới lòng đại dương

16/04/2024

Ông Tim Cook, CEO Apple bất ngờ có mặt tại Việt Nam từ 15-16 tháng 4, 2024

16/04/2024

3 chiếc máy bay chở hàng khổng lồ của Nam Hàn liên tiếp hạ cánh xuống sân bay Hà Nội ngày 12/4/2024

12/04/2024

Anh thợ hồ trẻ tuổi ở VN khoe căn biệt thự do 1 mình tự tay thiết kế & xây xong sau 4 năm cho vợ con

11/04/2024

Gặp người Mẹ ở Cần Thơ 4/2024 từ năm 1983 làm thuê để nuôi 30 ngàn con cò trắng cùng 9 người con

11/04/2024

Cận cảnh 3 chiếc máy bay cuả tỉ phú từ Do Thái đến Hà Nội trong cùng 1 ngày 11/4/2024

11/04/2024

Phái đoàn Bộ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh Vatican, Italy tại sân bay Phú Bài, Huế 11/4/2024

11/04/2024

Ngày 4/11/2024, truyền thông Mỹ, Âu, Á, Phi Châu, Trung Đông đồng loạt đưa tin tỷ phú địa ốc VN Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình, lừa đảo 44 tỉ USD

11/04/2024

Toàn cảnh ngày 10/4/2024 của Ngoại Trưởng Tòa thánh Vatican tại Nhà thờ Chánh Tòa Hà Nội trước khi đến Huế & Sài Gòn

10/04/2024

Thử ăn 1 bánh xèo khổng lồ giá gân $50 USD ở Tây Ninh 4/2024

10/04/2024

Dân mạng Trung Quốc 2024 nói gì khi xem video Youtuber gốc Hoa quay giới trẻ TPHCM ăn chơi mỗi đêm

10/04/2024

Bộ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh Vatican, Italy tại sân bay Nội Bài, Hà Nội 9/4/2024

10/04/2024

Leave a Reply