Ngày 17/10, chính phủ Mỹ sẽ chính thức đụng trần nợ công và không còn khả năng trả nợ. Cho đến nay, mọi hy vọng rõ ràng nhất đều đổ dồn về Thượng viện, nơi các thượng nghị sỹ đã có tiếng nói chung nhất định sau khi Hạ viện hoàn toàn bế tắc.
Chính phủ Mỹ đã đóng cửa trong tuần thứ ba liên tiếp
Ngoài vấn đề trần nợ công, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đang bất đồng quanh việc mở cửa chính phủ trở lại dù bế tắc này đã kéo dài sang tuần thứ ba.
Theo BBC, một số lãnh đạo quốc hội Mỹ cho biết đã có tiến triển trong các cuộc thương lượng giữa hai đảng.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo nếu Mỹ vỡ nợ, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào hỗn loạn.
Trong ngày thứ Năm tới, Mỹ phải nâng trần nợ công 16.700 tỷ USD hiện nay để nước này có thể thanh toán các hóa đơn đến hạn.
Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào chiều thứ Hai theo giờ địa phương đã bị hoãn lại, để “cho phép lãnh đạo các bên tại Thượng viện tiếp tục đạt được những tiến bộ quan trọng, hướng tới một giải pháp nhằm nâng trần nợ công và mở cửa chính phủ trở lại”.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm nhóm họp mới là khi nào.
“Nguy cơ tàn phá”
Theo báo giới Mỹ, lãnh đạo quốc hội nước này đang bàn thảo về một thỏa thuận tài trợ cho chính phủ đến ngày 15/1/2014 và nâng trần nợ công cho đến khoảng giữa tháng 2 năm sau.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa đến nay đã ảnh hưởng lớn tới cơ hội sống sót của nhiều trẻ em bị bệnh và các thử nghiệm về thuốc.
Tổng thống Obama cũng đã phải lên tiếng cảnh báo khi ông tới thăm một nhà bếp dành cho người nghèo tại Washington DC trong sáng ngày thứ Hai.
“Tuần này, nếu chúng ta không đạt được những tiến bộ thực sự ở cả Thượng và Hạ viện, và nếu đảng Cộng hòa không sẵn sàng gạt sang một bên những mối quan ngại của cả hai đảng để có hành động đúng đắn với đất nước – chúng ta có nguy cơ lớn sẽ phá sản”, ông Obama nói.
“Và việc phá sản sẽ có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của chúng ta”.
Theo thông báo của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, nước này sẽ bắt đầu lỡ hẹn trả nợ trong khoảng từ ngày 22/10 – 31/10.
Dự kiến trong phiên họp tới, ông Obama và phó tổng thống Joe Biden sẽ gặp gỡ lãnh đạo của cả hai phe đa số và thiểu số của hai đảng tại Thượng và Hạ viện.
Trong tối thứ Hai, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện khẳng định ông và thượng nghị sỹ McConnell đã có “những tiến bộ rất lớn” hướng tới một thỏa thuận nầng trần nợ và mở cửa lại chính phủ.
Ông cho biết thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng với may mắn và sự ủng hộ của các bạn dù biết việc này với mọi người là rất khó khăn, có lẽ ngày mai sẽ là một ngày tươi sáng. Chúng ta vẫn chưa được thấy điều đó”.
Trước đó Thượng nghị sỹ McConnell cũng bày tỏ sự lạc quan sau cái ông miêu tả là “một vài bàn thảo hữu ích” với lãnh đạo phe Dân chủ.
Theo hãng tin AP, một nhóm nghị sỹ lưỡng đảng khác do Thượng nghị sỹ Susan Collins đứng đầu cũng đã gặp trong vài giờ hôm thứ Hai để thảo luận các giải pháp có thể có.
Hiện phe Dân chủ tại quốc hội Mỹ được cho là đang lấy thời hạn chót của trần nợ công làm đòn bẩy để loại bỏ những cắt giảm ngân sách chính phủ được áp dụng trước đây.
Những biện pháp cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng và chi tiêu nội địa đã có hiệu lực từ tháng 1/2013, sau khi đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được sự thỏa hiệp.
Giới phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán tại Thượng viện là cơ hội tốt nhất cuối cùng giúp nước Mỹ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ trước ngày thứ Năm, sau khi cả Nhà Trắng và Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số không đạt được thỏa thuận nào trong tuần trước.
Thanh Tùng
Theo BBC